Muốn tăng lương, cần đưa 30% số công chức hiện tại ra khỏi bộ máy

Muốn tăng lương cho công chức, cần giảm số người hưởng lương trong ngân sách, đồng thời cắt nguồn chi cho các hiệp hội không thuộc biên chế Nhà nước.

Trao đổi về vấn đề tăng lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW (của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 21/5/2018), chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh cho rằng: “Tiền lương hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của đại bộ phận công chức, đồng thời chưa tạo ra động lực cho công chức trong quá trình làm việc, vì vậy mới có hiện tượng vòi vĩnh, đòi thêm chi phí tiêu cực. Bởi vậy, việc cải cách tiền lương là vấn đề cấp thiết”.

Theo TS Lê Đăng Doanh, cải cách tiền lương nên được thực hiện sớm hơn, tuy nhiên, “chậm còn hơn không”. Đặc biệt, TS Doanh nhấn mạnh, lần cải cách này sẽ không thể thành công nếu tiếp tục duy trì bộ máy cồng kềnh như hiện tại.

Muốn tăng lương, cần đưa 30% số công chức hiện tại ra khỏi bộ máy ảnh 1
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh. (Ảnh: KT)

Chuyên gia này nhận định, số lượng biên chế trong bộ máy Nhà nước hiện nay đang quá lớn, vượt quá khả năng đáp ứng của ngân sách. Để giải quyết bài toán tăng lương trong khu vực công, trước hết cần tiến hành tinh giản biên chế.

“Hiện nay, chúng ta đang thừa khoảng 30% công chức, có nhiều người thuộc diện con ông cháu cha, thân hữu không làm được việc, thủ trưởng trực tiếp cũng không thể điều khiển. Đây là điều cần khắc phục, cần sự quyết tâm chính trị rất cao để loại bỏ những người này ra khỏi bộ máy”, TS Doanh chỉ rõ.

Trong Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra mục tiêu tới năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam khó đạt tới mục tiêu này khi khoảng cách chênh lệch giữa các mức lương thấp nhất ở khu vực công và doanh nghiệp còn khá lớn là 1,39 triệu đồng/tháng và 2,8 triệu đồng/tháng.

Phân tích thêm về vấn đề này, TS Doanh cho rằng, việc có đạt tới lộ trình đưa ra hay không còn phụ thuộc vào tình hình ngân sách.

“Nếu giữ nguyên biên chế như hiện nay và tiến hành tăng lương thì ngân sách chắc chắn không thể đáp ứng nổi. Nhưng nếu in tiền ra để trang trải tiền lương sẽ dẫn đến lạm phát, đây là điều không thể thực hiện. Do đó cần cải cách bộ máy, giảm bớt hẳn 30-40% số công chức đang được hưởng lương. Đồng thời phải cắt những chi phí cho các hiệp hội không thuộc biên chế khu vực công. Hiệp hội không phải nhóm công chức, nên cần tách bạch, rạch ròi.

Chúng ta cần cải cách ngân sách theo Nghị Quyết 07 của Bộ chính trị năm 2016. Trong đó có nói đến việc giảm chi, thực hành tiết kiệm và có sự giám sát chặt chẽ về chi tiêu ngân sách. Nếu làm được điều đó, kết hợp với đảm bảo nguồn thu, đề án cải cách tiền lương mới có tính khả thi”, TS Doanh nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, vị TS này cũng cho rằng, việc thực hiện các nguồn thu hiện nay chưa thực hiện đầy đủ. Có nhiều khoản thu ngoài pháp luật, nhưng khi vào chính ngân sách Nhà nước lại rất thấp.

“Đơn cử như khu vực kinh tế hộ gia đình chiếm đến 33% GDP, nhưng chỉ đóng góp vào nguồn thu ngân sách không đầy 1%. Do đó, cần có những cải cách lại về việc thu”.

TS Doanh nhấn mạnh, việc tăng thu cần gắn liền với giảm chi, trên cơ sở đó từng bước cải cách chính sách tiền lương hiện tại.

Với nhiều điểm mới, phù hợp với thực tiễn, chính sách cải cách tiền lương lần này được kỳ vọng sẽ cải thiện được đời sống công chức, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động./.

Tin mới