Mưu sinh ở Viêng Chăn...

(Baonghean) - Các khu chợ  lớn, nhỏ tại thủ đô Viêng Chăn (Lào) là nơi tập trung đông người Việt mưu sinh bằng rất nhiều nghề. Phần lớn họ là những nông dân lam lũ ở các tỉnh miền trung và tây nguyên, vì cuộc sống khó khăn đành chấp nhận ly hương sang Lào tìm kế sinh nhai…
Chợ bến xe hay còn gọi là chợ Cầu Đất, là nơi tập trung nhiều người Việt Nam làm nghề buôn bán vặt, chủ yếu là hàng dạo. Họ không ngồi tập trung một chỗ mà di chuyển liên tục tới những nơi đông người, nhất là điểm du lịch trong khu chợ  và khu vực phòng chờ của bến xe để mời chào mua hàng. Giữa ồn ào tấp nập, chúng tôi gặp hình ảnh quen thuộc của những phụ nữ nhỏ bé với những dây hàng lỉnh kỉnh trên vai đủ loại bật lửa ga, bấm móng tay móng chân, móc khóa, ví, vòng tay, vòng cổ, thắt lưng… mang từ Việt Nam sang. Biết chúng tôi là người Việt, các chị niềm nở, vui vẻ trò chuyện. Chị Mai Thị Thiêm quê ở Cổ Lễ, Trực Ninh (Nam Định), đã có thâm niên 9 năm làm “thân cò” lặn lội ở Thủ đô Viêng Chăn. Chị cho biết: Bán hàng dạo nếu thuận lợi thì mỗi tháng trừ chi phí bao gồm tiền thuê nhà, ăn uống sinh hoạt cũng có thể dành dụm được 5 - 7 triệu đồng gửi về cho gia đình. Nhưng nếu bị cảnh sát đuổi và thu hàng thì có khi lỗ vốn… Mỗi năm chỉ về quê đúng một lần vào dịp Tết Nguyên đán. Biết là vất vả, nhớ nhà, nhớ quê  nhưng vì cuộc sống quá khó khăn cũng đành bám trụ ở xứ người để mưu sinh. Cùng cảnh ngộ với chị Thiêm có chị Nguyễn Thị Vân quê ở Thanh Hóa, gia nhập đội quân bán hàng dạo ở chợ Cầu Đất được 3 năm. Chị cho biết, làng chị có hàng trăm người rời quê sang  kiếm sống ở Thủ đô Viêng Chăn. Người đi trước cứ thế dẫn dắt, hướng dẫn cho người đến sau, có gia đình cả nhà 3 - 4 người dắt díu nhau sang làm ăn. Người làm lâu năm tích cóp được ít vốn thì thuê quầy bán hàng ăn, hoa quả, hàng tạp hóa trong chợ, người ít vốn thì chấp nhận làm đủ mọi nghề từ lái xe túc túc đến buôn bán vặt, nhặt ve chai, buôn đồng nát…
Đi dạo ở Thủ đô Viêng Chăn vào buổi tối, ghé thăm khu chợ đêm ở dọc bờ sông Mê Kông lung linh ánh đèn chúng tôi cũng gặp rất đông đồng hương buôn bán trong khu chợ này. Chợ đêm ở đây bình lặng, không ồn ào náo nhiệt như chợ đêm ở Việt Nam nhưng thu hút rất nhiều khách du lịch tới tham quan, mua sắm. Chợ có không gian rộng rãi, thoáng mát, các gian hàng đều có mái che chung một khung vải màu đỏ. Chợ mở cửa từ 18 - 22h hằng ngày. Người Việt buôn bán nhiều mặt hàng phong phú và đa dạng từ quần áo, giày giép, trang sức đến những sản phẩm đồ lưu niệm thủ công đặc trưng của địa phương, như: một con linh vật nhỏ theo tuổi, một bức tranh phong cảnh nghệ thuật Lào, những biểu tượng của đất nước Lào… Và nếu không được người khác giới thiệu hoặc chủ cửa hàng chủ động lên tiếng thì rất khó phân biệt đó là người Việt hay người Lào. Bởi ai cũng niềm nở và luôn chắp tay trước ngực, nở nụ cười hiền hòa, thân thiện với lời chào bằng tiếng Lào “Saibaidi - xin chào” hoặc “Khặp chay - cám ơn”  như các bà, các mẹ, các chị em người Lào dù khách có mua hàng hay không. Thế nhưng, khi biết khách là đồng hương thì họ lập tức trò chuyện vui vẻ, cởi mở bằng tiếng Việt thuộc nhiều vùng, miền.
May mắn được Thành (quê gốc Quảng Trị) và Nga (quê ở Hà Tĩnh), hai nhân viên trẻ của Khách sạn Cha - lơn - xay ở  trung tâm Thủ đô Viêng Chăn tự nguyện làm hướng dẫn viên, chúng tôi đã gặp gỡ và trò chuyện cùng cộng đồng người Việt buôn bán tại khu chợ này. Chị Nguyễn Thị Nga quê ở Thị xã Cửa Lò (Nghệ An), bán quần áo ở chợ đêm Viêng Chăn, cho biết: “Khu chợ này có hơn một nửa hàng kinh doanh buôn bán của người Việt. Cùng nỗi niềm xa xứ nên mọi người luôn đoàn kết, hết lòng giúp đỡ nhau. Bản thân tôi mới sang mở hàng quần áo cùng em gái được hơn sáu tháng, một chữ tiếng Lào bẻ đôi cũng không biết nhưng nhờ đồng hương hướng dẫn, hỗ trợ nên việc kinh  doanh, buôn bán cũng đi vào ổn định. Còn gia đình 4 người của anh Nguyễn Hồng Sơn (Đà Nẵng) đã có gần chục năm mưu sinh tại Thủ đô Viêng Chăn. Hiện nay, gia đình anh có một gian hàng bán các mặt hàng lưu niệm bằng thổ cẩm tại chợ đêm. Trò chuyện với chúng tôi, anh Sơn cho biết: “Việc buôn bán khá thuận lợi vì có đông khách du lịch, mỗi tháng trừ chi phí cũng được từ 200 - 300 đôla. Riêng chuyện học hành của con cái cũng không ảnh hưởng gì nhiều vì ở đây có Trường Nguyễn Du dành riêng cho con em Việt Nam ở đủ cả ba cấp học từ Tiểu học đến THPT”.
Anh Nguyễn Hồng Sơn, người Đà Nẵng giới thiệu hàng hóa cho du khách tại chợ đêm (Viêng Chăn).
Anh Nguyễn Hồng Sơn, người Đà Nẵng giới thiệu hàng hóa cho du khách tại chợ đêm (Viêng Chăn).
Một góc chợ đêm Viêng Chăn.
Một góc chợ đêm Viêng Chăn.
Có thể nói, chợ đêm Viêng Chăn đã giúp nhiều lao động Việt Nam có nguồn thu nhập ổn định và đảm bảo cuộc sống. Họ cũng nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt Nam làm trong các tour du lịch, các khách sạn tại Lào. Mỗi khi có đoàn khách du lịch, nhân viên khách sạn có thể dẫn khách tới các gian hàng của người Việt tại chợ đêm để mua đồ lưu niệm hoặc thông báo để chủ các gian hàng mang hàng tới khách sạn mời khách mua.
Một đặc điểm của chợ đêm Viêng Chăn là không có hiện tượng kì kèo hay chèo kéo, mặc cả. “Không chỉ  khách nước ngoài mà ngay cả người dân Lào khi mua hàng cũng ít khi mặc cả, trả giá, nếu có thì cũng rất thấp. Ví dụ mình nói 60 kíp thì họ trả xuống 50 kíp nhưng không vì thế mà người bán có thể hét ở mức giá cao, vì ở đây các mặt hàng đều có giá chung như thế” -  Chị Hoàng Thị Hoa ở phường Hồng Sơn (TP Vinh - Nghệ An) bán hàng ở chợ đêm Viêng Chăn cho biết:
Hầu hết những người lao động, buôn bán nhỏ tại các khu chợ ở Thủ đô Viêng Chăn như ở khu chợ đêm này đều sang Lào bằng hộ chiếu du lịch, vì vậy hàng tháng họ thường phải quá cảnh sang Thái Lan rồi lại quay trở lại. Có người ở hàng chục năm có tiền mua xe máy, ô tô  nhưng không thể đứng tên mua nhà, mua đất. Người Việt ở Viêng Chăn rất chăm chỉ và cần mẫn. Hầu như ban ngày họ buôn bán trong các khu chợ khác hoặc làm những công việc lặt vặt, chiều đến khoảng 4 - 5 h mới dọn hàng và bán ở khu chợ đêm tới tầm khoảng 22h. Ngoài những lều ốt cố định, tại khu vực chợ đêm chúng tôi còn bắt gặp những phụ nữ Việt đi bán dạo mực khô. Họ chủ yếu là người ở vùng nông thôn mới sang dăm bảy tháng hoặc vài năm, vốn ít. Chỉ với một cái niêu nhỏ bên trong có một ít than hồng, một cái quạt và một rá mực khô, họ cứ thế đi khắp khu chợ đêm để mời khách mua hàng. Dù buôn bán nhỏ nhưng mỗi tháng trừ chi phí cũng đem lại cho họ mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng.
Ngoài chợ đêm, Viêng Chăn có chợ Sáng 1 và chợ Sáng 2, một trong những trung tâm thương mại lớn nhất thủ đô. Chợ Sáng 2 đang xây dựng dang dở và chủ yếu  bán hàng điện tử, điện lạnh, còn chợ Sáng 1 tương đối rộng rãi, xung quanh tòa nhà chính 4 tầng hiện đại là những tòa nhà hai mái, có đầu đao cong cong cổ kính. Hàng hóa ở đây đa dạng, rất nhiều đồ trang sức, vàng, bạc, sản phẩm dệt may bằng thổ cẩm, khăn choàng thêu thùa tinh xảo đủ màu sắc... Trong chợ có khá đông Việt kiều buôn bán, họ hầu hết là những người đã sinh sống lâu năm trên đất Lào, có cuộc sống tương đối khá giả. Chị Trần Thanh Hiền quê Cửa Lò (Nghệ An) có tên tiếng Lào là Pết ma đi – chủ một gian hàng kính khá lớn tại chợ Sáng 1, đã ở Thủ đô Viêng Chăn hàng chục năm, cho biết: Ở khu chợ này có hơn 40 % là người Việt, chủ yếu là Việt kiều đã định cư hẳn ở Lào, nhiều người có vợ hoặc chồng là người Lào nên công việc buôn bán khá thuận lợi. Kế bên gian hàng của chị Hiền là gian hàng bán quần áo trẻ em của vợ chồng anh Trần Đức Sơn (quê ở Hà Tây cũ). Vợ chồng anh Sơn đã sang kinh doanh buôn bán ở chợ  Sáng hơn 10 năm và có hai cô con gái nhỏ. Anh Sơn cho biết: Hàng ở chợ này chủ yếu nhập về từ Thái Lan và hàng Việt Nam xuất khẩu, chất lượng tốt nên cũng khá đông khách. Tại cửa hàng của anh có thể thanh toán bằng tiền Việt, tiền Kíp (Lào), tiền Bạt (Thái Lan) và đô la (Mỹ). Tuy nhiên, những năm gần đây việc buôn bán khó khăn hơn do cạnh tranh nhiều, hàng Trung Quốc đổ về lớn… Gia đình anh không có ý định định cư mà ấp ủ dự định tích cóp vốn để trở về nước làm ăn để thuận lợi cho việc học hành của con cái.
Nhiều người Việt Nam khi đi công tác hay đi du lịch có dịp ghé qua chợ Sáng đều tìm đến những gian hàng của người Việt để mua như một cách để ủng hộ đồng hương và cũng để yên tâm hơn bởi được hướng dẫn, tư vấn về chất lượng hàng hóa. Đến các khu chợ, trung tâm thương mại ở Lào, chúng tôi đều có chung cảm nhận, người Việt dù mới xa quê dăm bảy tháng hay đã mưu sinh hàng chục năm trên nước bạn vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm xa xứ, hướng về quê hương, nguồn cội. Họ tự hào là người Việt Nam và hai chữ  Tổ quốc với họ rất thiêng liêng và cũng rất đỗi tự hào…
Khánh Ly - Đào Tuấn

Tin mới