Mỹ: Bật 'đèn xanh' chuyển giao quyền lực

(Baonghean.vn) - Một nhân vật quan trọng trong chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tuần này khẳng định, bà sẽ cho phép ông Joe Biden - ứng cử viên tranh chức Tổng thống trong cuộc bầu cử tốn nhiều giấy mực vừa qua được chính thức khởi động quá trình chuyển giao quyền lực. Thông tin này đồng nghĩa với việc mở đường cho ê-kíp của ông Biden tiếp cận với các tài liệu, không gian làm việc, sử dụng máy tính cùng các dịch vụ khác trong chính phủ để phục vụ quá trình chuyển giao.

Sự công nhận chính thức

Theo bình luận của giới truyền thông sở tại, động thái hôm thứ Hai của người đứng đầu Cơ quan quản lý dịch vụ tổng hợp (GSA) là bà Emily Murphy đánh dấu sự công nhận chính thức của chính quyền Tổng thống Donald Trump rằng ông Biden đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3/11, dù người đứng đầu xứ cờ hoa hiện nay vẫn từ chối nhận thua và tiếp tục đưa ra nhiều cáo buộc không có cơ sở về gian lận bầu cử.

Bà Murphy là nhân vật nắm giữ những chiếc chìa khóa quan trọng mở ra cánh cửa chuyển giao ngân quỹ và các trang thiết bị, dụng cụ, song trong bối cảnh chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump liên tiếp đệ đơn đòi xem xét lại kết quả bầu cử ở các bang, bà đã trì hoãn việc ra quyết định chính thức công nhận chiến thắng của ông Biden. Cho đến đầu tuần này, tức 2 tuần sau khi nhiều cơ quan quan sát độc lập và nhiều kênh truyền thông dự báo ông Biden là tổng thống đắc cử, thì lá thư của bà Murphy mới đến tay ứng viên đảng Dân chủ, vài giờ đồng hồ sau khi 4 thành viên hội đồng giám sát bầu cử Michigan bỏ phiếu xác nhận chiến thắng của ông Biden tại bang này, với cách biệt 154.187 phiếu bầu.

Bà Emily Murphy, người đứng đầu GSA. Ảnh: AP
Bà Emily Murphy, người đứng đầu GSA. Ảnh: AP

Trước đó hôm 20/11, Thống đốc bang Georgia, xuất thân đảng Cộng hòa cũng đã xác nhận các kết quả bỏ phiếu tại bang của mình sau khi kiểm phiếu lại bằng tay, và kết quả chung cuộc nơi đây cũng gọi tên ông Biden, dẫn trước ông Trump 12.000 phiếu. Như vậy, theo USA Today, ông Biden giành được tổng cộng 306 phiếu đại cử tri, so với 232 phiếu của ông Trump, và theo quy định ai giành được 270 phiếu đại cử tri thì sẽ giành được chiếc ghế tổng thống danh giá.

Trong những dòng trạng thái đăng tải trên mạng xã hội Twitter, ông chủ Nhà Trắng Donald Trump khẳng định bản thân đã bật “đèn xanh” cho quyết định của bà Murphy, bởi đó là điều “có lợi nhất cho đất nước”. Dù vậy, vị Tổng thống thứ 45 của xứ cờ hoa vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực đảo ngược kết quả.

Vài luồng ý kiến cho rằng, dường như Nhà Trắng nói chung, cá nhân ông Trump nói riêng đã và đang đứng trước nhiều sức ép, khi mà những ngày gần đây, ngày càng có nhiều quan chức an ninh quốc gia, các nhà lãnh đạo kinh doanh, và thậm chí cả các thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội đều lần lượt lên tiếng rằng, việc chính quyền Trump trì hoãn cho phép quá trình chuyển giao quyền lực được bắt đầu đặt ra một mối đe dọa đến vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ.

Người ủng hộ ông Trump trong cuộc tập trung lực lượng tại bang Michigan hôm 14/11. Ảnh: AP
Người ủng hộ ông Trump trong cuộc tập trung lực lượng tại bang Michigan hôm 14/11. Ảnh: AP

Đơn cử, Thượng nghị sỹ bang Tennessee, thành viên đảng Cộng hòa là ông Lamar Alexander hôm 23/11 phát biểu: “Khi anh là người của công chúng, người dân sẽ ghi nhớ điều cuối cùng mà anh làm”. Ông tỏ ý hy vọng Tổng thống Trump sẽ “tự hào trước những thành tựu đáng chú ý của mình, đặt đất nước lên hàng đầu và có một quá trình chuyển giao nhanh chóng và trật tự để giúp cho chính quyền mới thành công”.

Có quan điểm tương tự, Thượng nghị sỹ bang West Virginia, thành viên đảng Cộng hòa Shelley Moore Capito cũng đã hối thúc ông Trump để bàn giao trơn tru, khẳng định không có dấu hiệu nào cho thấy có gian lận bầu cử trên diện rộng và rằng “một lúc nào đó, cuộc bầu cử năm 2020 phải khép lại”.

Phe Dân chủ thở phào

Với các thành viên đảng Dân chủ, quyết định của GSA hôm thứ Hai đã đem lại cho họ một cái thở phào nhẹ nhõm. Lãnh đạo phe Dân chủ trong Thượng viện, Thượng nghị sỹ bang New York Chuck Schumer nhận xét: “Đây có lẽ là điều gần nhất với sự nhượng bộ mà Tổng thống Trump có thể đưa ra. Tất cả chúng ta - thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa, chính quyền Trump và chính quyền Biden sắp nhậm chức - hãy cùng nhau đoàn kết để có được quá trình chuyển giao êm đẹp, hòa bình, đem lại lợi ích cho nước Mỹ”.

Ông Joe Biden trong cuộc họp hôm 23/11. Ảnh: AP
Ông Joe Biden trong cuộc họp hôm 23/11. Ảnh: AP

Ê-kíp chuyển giao của ông Biden cũng hoan nghênh động thái nói trên, gọi đó là “quyết định chung cuộc” và là một “hành động dứt khoát” cần thiết để có một quá trình chuyển giao quyền lực trật tự. Yohannes Abraham - Giám đốc điều hành ê-kíp chuyển giao của liên danh Biden-Harris nói: “Quyết định hôm nay là một bước đi cần thiết để bắt đầu ứng phó với những thách thức đối diện với đất nước của chúng ta, bao gồm kiểm soát đại dịch và đưa nền kinh tế của chúng ta trở về quỹ đạo”.

Abraham tiết lộ, các quan chức phụ trách vấn đề chuyển giao của ông Biden sẽ bắt đầu nhóm họp với các lãnh đạo của các cơ quan liên bang chủ chốt trong vài ngày tới để bàn thảo phản ứng trước đại dịch, tính toán các lợi ích an ninh quốc gia của nước Mỹ, và “hiểu đầy đủ những nỗ lực của chính quyền ông Trump nhằm khoét rỗng các cơ quan chính phủ”.

Về phần mình, ông Trump vẫn gọi đây là một bước đi nhỏ. Trên Twitter ông viết: “Vụ kiện của chúng tôi chắc chắn vẫn sẽ tiếp tục, chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến tốt đẹp này, và tôi tin chúng tôi sẽ chiến thắng! Tuy nhiên, vì lợi ích tốt nhất cho đất nước, tôi đề nghị bà Emily cùng ê-kíp của bà thực hiện những việc cần hoàn thành liên quan đến các thủ tục ban đầu, và cũng đã yêu cầu ê-kíp của tôi làm điều tương tự”.

Trở lại với thông báo từ GSA, tuyên bố chính thức bằng văn bản của bà Murphy đồng nghĩa rằng, sẽ có hơn 6 triệu USD được phân bổ cho đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông Biden. Số tiền này có thể được sử dụng để thuê nhân lực, chi trả cho việc đi lại và các chi phí khác. Nhưng không chỉ có thế, có lẽ quan trọng hơn là ê-kíp của Biden hiện sẽ tự động có quyền tiếp cận với tài liệu từ các cơ quan liên bang then chốt, bao gồm thông tin về phản ứng trước đại dịch Covid-19 và các kế hoạch phổ cập vắc xin.

Ông BIden đã lựa chọn một số nhân vật vào các vị trí quan trọng trong nội các dự kiến, trong đó có Antony Blinken cho chức Ngoại trưởng. Ảnh: Getty
Ông BIden đã lựa chọn một số nhân vật vào các vị trí quan trọng trong nội các dự kiến, trong đó có Antony Blinken cho chức Ngoại trưởng. Ảnh: Getty

Khối lượng công việc trong một dịp chuyển giao quyền lực thông thường đã rất lớn, và hiện thậm chí còn lớn hơn nhiều, bởi xứ cờ hoa đang phải vật lộn với đại dịch và kèm theo đó là cuộc khủng hoảng kinh tế. Biden cùng đội ngũ của mình cần phải bắt kịp các mối đe dọa an ninh quốc gia, chuẩn bị ngân sách hơn 4 nghìn tỷ USD và lấp đầy hơn 4.000 vị trí chính trị ở hàng tá cơ quan liên bang… Với việc thư xác nhận từ GSA tới “trễ” hơn mong đợi của phe Dân chủ gần 2 tuần lễ, thì lượng đầu việc lớn đến vậy chắc hẳn sẽ rút ngắn đáng kể “kỳ trăng mật” của chính quyền sắp nhậm chức của ông Biden.

Dự kiến những sự kiện quan trọng sắp tới: Cử tri đoàn theo lịch sẽ họp vào ngày 14/12, mỗi đoàn họp riêng tại từng bang và bỏ phiếu bằng giấy để bầu tổng thống và phó tổng thống. Sau đó, ngày 6/1/2021, Quốc hội Mỹ sẽ tổ chức phiên họp chung để kiểm phiếu đại cử tri và công bố kết quả.

Tin mới