Mỹ cảnh cáo Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh khác mua S-400 của Nga

(Baonghean.vn) - Lặp lại cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không được mua các hệ thống phòng không S-400 của Nga, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa có thêm động thái đe dọa toàn bộ đồng minh NATO và các đồng minh khác của nước này bằng các biện pháp trừng phạt nếu họ cân nhắc các thỏa thuận tương tự.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: Sputnik
Theo RT ngày 24/8, người phát ngôn Heather Nauert của Bộ Ngoại giao Mỹ lưu ý các chuyến giao S-400 trước hạn cho Thổ Nhĩ Kỳ là một “quan ngại” khác đối với Mỹ, đồng thời nhấn mạnh Washington phản đối kế hoạch của các quốc gia khác nhằm đa dạng hóa nguồn cung hệ thống phòng thủ.
Trước đó, đầu tuần này, Rosoboronexport xác nhận chuyến hàng chở các bệ phóng đầu tiên sẽ được chuyển giao cho Ankara vào năm 2019.

Bà Nauert phát biểu: “Việc có một đồng minh NATO như Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng hệ thống S-400 đi ngược lại chính sách của chúng tôi. Một phần vấn đề là bởi hệ thống đó không thể trao đổi và tận dụng thông tin với các hệ thống khác của NATO. Và vì thế chúng tôi phản đối việc một số đối tác và đồng minh trên khắp thế giới có thể mua các hệ thống S-400”.

Nữ phát ngôn viên lưu ý rằng Mỹ đã “nói rất rõ điều gì có thể khơi mào trừng phạt đối với các nước và thực thể khác trên khắp thế giới” nếu họ tiếp tục xúc tiến mua các hệ thống của Nga. Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) cho phép chính quyền Mỹ trừng phạt các thực thể can dự vào các giao dịch lớn với các công ty trong lĩnh vực quốc phòng của Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ hiện đang chứng kiến mối quan hệ song phương xấu đi, bề ngoài là xoay quanh số phận của linh mục Andrew Brunson, người Ankara từ chối trao trả cho Mỹ. Brunson, công dân Mỹ sống tại Thổ Nhĩ Kỳ hơn 2 thập kỷ, đã bị bắt vì cáo buộc khủng bố và do thám trong cuộc điều tra của Ankara nhằm vào âm mưu đảo chính quân sự thất bại năm 2016. Ông đối diện với mức án lên tới 35 năm tù nếu bị kết tội.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong những tuần gần đây đã nhiều lần cáo buộc Nhà Trắng phát động chiến tranh kinh tế nhằm vào nước này, khi đồng nội tệ lira rớt giá mạnh so với đồng USD sau khi Mỹ tung đòn trừng phạt đánh vào thép và nhôm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara cũng nhiều lần bảo vệ quyền chủ quyền của nước này trong việc mua vũ khí từ bất kỳ nhà cung cấp nào họ muốn. Đáp lại, Mỹ đã đe dọa ngừng giao máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cho Ankara, quả quyết hồ sơ nhân quyền của Thổ Nhĩ Kỳ chưa đủ sạch sẽ và dữ liệu do S-400 thu thập có thể để lộ điểm yếu của máy bay này.

Theo cựu quan chức ngoại giao Mỹ Jim Jatras, vấn đề thực sự không phải là khả năng chia sẻ, sử dụng thông tin giữa các hệ thống của Nga và NATO, mà là việc Mỹ đang nỗ lực duy trì tầm ảnh hưởng của nước này.

Jatras nói với RT: “Vấn đề ở đây không thực sự là tính trao đổi, chia sẻ thông tin. Có nhiều nước mua thiết bị quân sự từ nhiều nguồn khác nhau”.

“Chúng tôi không thực sự có đồng minh, chúng tôi có các vệ tinh mà một vệ tinh tốt làm theo những gì được yêu cầu. Và nếu họ không muốn hành xử như một vệ tinh tốt thì chúng tôi sẽ rút một cây gậy lớn ra và đe dọa họ. Tôi nghĩ ‘thích trừng phạt’ là từ ngữ chính xác để miêu tả các chính sách của Mỹ”, Jatras nhấn mạnh.

Thổ Nhĩ Kỳ không phải quốc gia duy nhất đang chịu sức ép từ Washington do các kế hoạch mua S-400 của Nga. Giới lập pháp Mỹ đã đe dọa trừng phạt Ấn Độ nếu New Delhi tiếp tục thỏa thuận trị giá 5,7 tỷ USD nhằm mua 5 hệ thống này. Cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ vẫn cam kết thực hiện thỏa thuận, dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm nay.

Tin mới