Mỹ cáo buộc Nga thách thức khả năng răn đe hạt nhân

(Baonghean.vn) - Trong bối cảnh thời hạn Mỹ và Nga rút khỏi thỏa thuận hạt nhân sắp tới gần, Lầu Năm Góc lên tiếng cáo buộc Mockva thách thức khả năng răn đe hạt nhân.
Mỹ cáo buộc Nga thách thức khả năng răn đe hạt nhân. Ảnh: AP
Mỹ cáo buộc Nga thách thức khả năng răn đe hạt nhân. Ảnh: AP

Ngày 21/7, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ John Rood cho hay, Lầu Năm Góc xem học thuyết quân sự của Nga hiện nay là thách thức đối với khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ.

Phát biểu tại diễn đàn an ninh Aspen ở bang Colorado (Mỹ), quan chức này cho rằng Nga tăng cường năng lực hạt nhân chiến thuật trong khi Mỹ “chưa sản xuất thêm vũ khí hạt nhân nào trong nhiều thập niên".

Ông Rood nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng phải xem xét toàn diện và lên tiếng về những nơi có hoạt động gây bất ổn, nơi chúng tôi có thể khôi phục sự răn đe và nơi khả năng răn đe bị thách thức. Chúng tôi cho rằng thách thức đến từ học thuyết quân sự của Nga khi họ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ chống lại Mỹ và các đồng minh ở chừng mực nào đó mà không vấp phải sự đáp trả tương tự”.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ tiếp tục cáo buộc Mockva vi phạm Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Hiệp ước cấm các tên lửa phóng từ trên bộ có tầm bắn 500-5.500 km được Mỹ và Liên Xô ký vào năm 1987. Ông Rood nói thêm: “Chúng tôi cũng lo ngại về tương lai và cùng các bên thuyết phục Trung Quốc, Nga cho rằng các cách tiếp cận đó không ổn định và họ sẽ không kiểm soát được an ninh như mong muốn”.

Mockva chưa đưa ra phản hồi về phát biểu của ông Rood. Mỹ bắt đầu cáo buộc Nga vi phạm INF vào năm 2014 và nhiều lần nhắc lại cáo buộc. Mockva luôn bác bỏ nghi ngờ trên và cáo buộc ngược lại đối với Washington.

Vào ngày 1/2/2019, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Washington tạm ngưng tuân thủ Hiệp ước INF và sẽ chính thức rút khỏi hiệp ước 6 tháng sau đó, trừ khi Nga có các bước tuân thủ. Một ngày sau đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố đình chỉ việc tuân thủ thỏa thuận và sẽ không đối thoại cho đến khi Mỹ sẵn sàng cho việc trao đổi công bằng và hiệu quả.

Dự luật về việc rút khỏi hiệp ước vào ngày 6/8 tới được thông qua tại Hạ viện Nga vào ngày 18/6 và tại Thượng viện vào ngày 26/6, trước khi Tổng thống Putin ký ban hành vào ngày 3/7. Trong khi đó, Mỹ cho biết sẽ chính thức rút khỏi thỏa thuận vào ngày 2/8 tới trừ khi Nga hủy hệ thống vũ khí bị Washington cáo buộc vi phạm là Novator 9M729.

Tin mới