Mỹ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước với tên lửa 'bất khả chiến bại'

Washington cáo buộc Moscow công khai vi phạm các hiệp ước ký trong Chiến tranh Lạnh bằng cách phát triển vũ khí mới mà Tổng thống Vladimir Putin gọi là “bất khả chiến bại".

Trong thông điệp liên bang hôm 1/3, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga đã thử thành công nhiều loại vũ khí hạt nhân chiến lược bao gồm tên lửa hành trình hạt nhân, tàu ngầm cao tốc không người lái và một loại tên lửa siêu thanh mới.

Thông điệp của ông Putin dường như thách thức Washington hướng tới cuộc chạy đua vũ trang mới trước cuộc bầu cử tổng thống Nga. Tổng thống Putin không đọc thông điệp liên bang tại Điện Kremlin như mọi khi mà chuyển sang một trung tâm triển lãm, cho phép hiển thị các video tên lửa vượt qua các ngọn núi, đại dương trước khi nổi lên ở bờ Đông nước Mỹ.

Ông Putin trích dẫn bài phát biểu vào năm 2004, rằng Nga sẽ phát triển một thế hệ vũ khí mới, lời hứa mà ông cho biết bây giờ đã hoàn thành. "Không ai trong các người từng lắng nghe chúng tôi. Bây giờ các người sẽ phải lắng nghe", AP dẫn phát biểu của Tổng thống Putin.

Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng những nỗ lực quân sự của Nga là một phản ứng đối với hành động gần đây của Mỹ. Washington tháng trước đã tiết lộ kế hoạch cải tạo kho vũ khí hạt nhân và phát triển các đầu đạn mới có công suất thấp.

Mỹ cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước với tên lửa 'bất khả chiến bại' ảnh 1
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Topol-M của Nga. Ảnh: Defence Talk

Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ sự phẫn nộ đối với thông điệp và các video mô phỏng đầu đạn hạt nhân phát nổ trên đất Mỹ. “Thật không may khi xem các video mô phỏng cuộc tấn công hạt nhân vào nước Mỹ. Đó là điều mà chắc chắn chúng tôi không thích xem. Chúng tôi coi đó là hành vi của một quốc gia thiếu trách nhiệm”, Heather Nauert, phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Bà Nauert cho biết thêm Nga đã và đang phát triển các hệ thống vũ khí gây bất ổn trong hơn một thập kỷ qua, vi phạm trực tiếp nghĩa vụ của Nga trong các hiệp định đã ký. Cụ thể, Nga đã chứng minh sự vi phạm Hiệp ước Hạt nhân tầm trung (INF) ký năm 1987, thông qua việc phát triển tên lửa hành trình trên mặt đất.

Lầu Năm Góc phản ứng với thông điệp một cách bình tĩnh hơn. Một phát ngôn viên nhấn mạnh rằng quân đội đã chuẩn bị đầy đủ để phản ứng lại “bất kỳ điều gì theo cách của chúng tôi”. Mỹ từ lâu cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF và trong khi hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, Mỹ vẫn tuân thủ các điều khoản của hiệp ước.

Tin mới