Mỹ 'chùn tay' trong cuộc thương chiến với Trung Quốc?

(Baonghean) - Mỹ sẽ cân nhắc thay đổi mức thuế bổ sung 10% đối với số hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD - đây là thông tin vừa được Tổng thống Donald Trump đưa ra khi trở về Washington sau kỳ nghỉ 10 ngày tại New Jersey.

Dù ông Donald Trump tỏ ra cứng rắn khi nói rằng “cuộc chiến thương mại càng kéo dài, nước Mỹ càng mạnh hơn”, nhưng giới phân tích cho rằng, tuyên bố xem xét lại mức thuế, cùng với quyết định trì hoãn áp thuế với một số mặt hàng trước đó cho thấy chiến thuật “đấu sát ván” với Trung Quốc của Tổng thống Trump không phải dễ thực hiện.

Từ chuyện của những chiếc iPhone...

Tổng thống Donald Trump lý giải rõ việc cân nhắc thay đổi mức thuế bổ sung 10% đối với 300 tỷ hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc được tính đến sau khi Tổng thống có cuộc trao đổi với ông Tim Cook, Giám đốc điều hành của Apple về tác động của các biện pháp thuế quan với Trung Quốc cũng như sự cạnh tranh với tập đoàn điện tử Samsung của Hàn Quốc.

Tổng thống Donald Trump đánh giá biện luận của ông Tim Cook là “rất thuyết phục”. Kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra, Apple được cho là sẽ trở thành “bia đỡ đạn” với những thiệt hại rất lớn, trong khi đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Samsung của Hàn Quốc sẽ tận dụng cơ hội này để “bứt phá”.

Tổng thống Trump xem xét thay đổi mức thuế bổ sung sau cuộc nói chuyện với CEO Apple. Ảnh: Getty
Tổng thống Trump xem xét thay đổi mức thuế bổ sung sau cuộc nói chuyện với CEO Apple. Ảnh: Getty

Trong khi hầu hết các sản phẩm của Apple như máy tính bảng iPad, máy tích xách tay MacBook, đồng hồ Apple Watch, và đặc biệt là điện thoại iPhone… được lắp ráp tại Trung Quốc và đều phải chịu mức thuế bổ sung 10%, thì Samsung lại chủ yếu sản xuất tại Hàn Quốc và Việt Nam và gần như không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến giữa hai “người khổng lồ”.

Việc bị áp thêm thuế sẽ giảm khả năng cạnh tranh trên toàn cầu của Apple vì việc thiết lập hệ thống cung ứng trong sản xuất điện thoại di động hết sức phức tạp.

Dù Apple có thể xem xét tới việc xây dựng các cơ sở sản xuất mới ngoài Trung Quốc, nhưng quá trình này sẽ phải mất tới nhiều năm, và điều này sẽ làm “nhỡ nhịp” của Apple trong việc cung ứng hàng chục triệu chiếc iPhone trên thị trường mỗi năm.

Việc áp thuế bổ sung 10% sẽ làm tăng giá khoảng 70 USD cho một chiếc điện thoại và 120 USD cho một chiếc máy tính xách tay của Apple.

Trong trường hợp người tiêu dùng không cân nhắc chuyển sang sử dụng loại điện thoại khác ngoài iPhone, thì phản ứng thông thường nhất khi đối diện với mức tăng giá đáng kể như vậy là kéo dài thời gian thay sản phẩm mới, làm thay đổi đáng kể “hệ sinh thái” của Apple vốn được xây dựng dựa trên nền tảng là sự hào hứng, sẵn sàng mua sắm sản phẩm mới ra mắt của cộng đồng những người yêu thích “trái táo cắn dở”.

Điều đáng nói là việc tăng thuế không chỉ là “đòn giáng mạnh” với riêng Apple, mà còn đối với lĩnh vực công nghệ của Mỹ nói chung. Trong vòng hai tuần qua, một số những công ty công nghệ lớn nhất của Mỹ như Apple, Microsoft, Intel đã gửi kiến nghị tới Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer để cảnh báo về những hậu quả với ngành công nghệ - vốn được xem là “trái tim” của nền kinh tế Mỹ.

Những sản phẩm màn hình tivi, thiết bị trò chơi điện tử thậm chí còn chịu ảnh hưởng lớn hơn những chiếc điện thoại iPhone rất nhiều, khi lợi nhuận cận biên của những sản phẩm này là rất thấp. Việc tăng thuế bổ sung tới 10% gần như triệt tiêu sức cạnh tranh của những thương hiệu vốn phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc.

... đến những “mảng tối” trong cuộc chiến

Khi tuyên bố sẽ cân nhắc thay đổi mức thuế bổ sung 10% với hàng hóa Trung Quốc dựa trên những “biện luận thuyết phục” của Apple, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn không quên nhắc lại niềm tin mãnh liệt rằng “cuộc chiến thương mại càng kéo dài, Trung Quốc càng yếu đi và chúng ta càng mạnh hơn”, đồng thời khẳng định Trung Quốc đang phải trả giá cho việc Mỹ tăng thuế, trong khi người tiêu dùng, công nhân, công ty Mỹ không bị tổn thương.

Trong bài phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng, ông Donald Trump cũng bác bỏ những lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại kéo dài giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cuộc chiến với Trung Quốc đang tác động tiêu cực tới kinh tế Mỹ. Ảnh: Business Standard
Cuộc chiến với Trung Quốc đang tác động tiêu cực tới kinh tế Mỹ. Ảnh: Business Standard

Nhưng nhìn lại việc tuần trước, ông Donald Trump tuyên bố hoãn áp thuế với một nửa trong tổng số 300 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc tới ngày 15/12, người ta đã lờ mờ nhận thấy có gì đó không ổn nếu Mỹ tiếp tục “làm căng”, và ông Donald Trump phải “ngụy trang” cho sự không ổn đó bằng lý do “tránh tác động tới thị trường tiêu dùng khi mùa Giáng sinh đang đến gần”.

Nhưng với các nhà kinh tế, nếu có điều gì đó không ổn với nền kinh tế Mỹ thì nó phải được chứng minh bằng những bằng chứng thuyết phục, đo đếm được.

Và bằng chứng đó đã được diễn giải từ những con số của một báo cáo vừa công bố hôm 16/8, theo đó 79% doanh nghiệp sản xuất và 60% doanh nghiệp dịch vụ thừa nhận việc tăng thuế đã làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp, đẩy giá thành và giảm lợi nhuận của doanh nghiệp so với thời điểm một năm trước đây.

Chi phí đầu vào ra tăng sẽ được chuyển vào giá để người tiêu dùng gánh chịu, hoặc cắt giảm lợi nhuận, hoặc là cả hai. Vì thế rõ ràng người tiêu dùng Mỹ đang phải trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc các sản phẩm có linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Một “mảng tối” khác trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc mà Mỹ có thể chưa thừa nhận, đó là thị trường việc làm của Mỹ đang bị ảnh hưởng tiêu cực. Phản ứng của các chủ doanh nghiệp trước cuộc chiến chưa biết đâu là hồi kết là cân nhắc rất kỹ lưỡng kế hoạch chi tiêu và tuyển dụng.

Ngành công nghiệp bán lẻ, vốn đang chứng kiến tình trạng các cửa hàng đóng cửa ở mức cao kỷ lục, thậm chí còn tính toán đến khả năng cắt giảm thêm nhiều vị trí việc làm khi thuế quan có hiệu lực, dự kiến là 1/9.

Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy trong tháng 6, chỉ có 7,3 triệu cơ hội việc làm được tạo ra so với con số 7,6 triệu hồi tháng 11/2018 - thời điểm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chỉ mới manh nha.

Tổng thống Trump bác bỏ nguy cơ suy thoái kinh tế do cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ảnh: AP
Tổng thống Trump bác bỏ nguy cơ suy thoái kinh tế do cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ảnh: AP

Giới phân tích lý giải rằng, những tác động tới nền kinh tế Mỹ là điều tất yếu, và đó là một phần không thể tránh khỏi trong chiến thuật “tự làm tổn thương mình để có thể gây tổn thương nhiều hơn cho đối thủ”.

Nhưng những tổn thương với nền kinh tế Mỹ trên thực tế dường như đang vượt quá những tính toán trước đây của Tổng thống Donald Trump, khi những lời kêu gọi của cộng đồng doanh nghiệp về việc chính phủ nhanh chóng tìm ra giải pháp ngày càng mạnh mẽ.

Trong thông báo mới nhất, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết Mỹ và Trung Quốc đang nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán, và nếu các cuộc điện đàm giữa hai bên đạt kết quả tốt trong 10 ngày tới, phái đoàn của Trung Quốc có thể tới Mỹ. Với những động thái này, dư luận có lý do để hoài nghi có lẽ Mỹ đã hơi “chùn tay” trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Tin mới