Mỹ cử đặc phái viên gây sức ép lên 5 quốc gia khi giao tranh gia tăng ở Afghanistan

(Baonghean.vn) - Bất chấp thỏa thuận hòa bình giữa Mỹ và Taliban ký kết hồi tháng 2, giao tranh giữa quân chính phủ Afghanistan và phiến quân Taliban vẫn liên tục gia tăng những ngày qua, sau khi chính quyền Kabul từ chối thả gần 600 tù nhân Taliban.

Trước những diễn biến phức tạp này, Mỹ đã vội vã cử đặc phái viên phụ trách vấn đề Afghanistan Zalmay Khalilzad thực hiện chuyến công du 5 quốc gia có liên quan nhằm đảm bảo tiến trình hòa bình tại quốc gia Nam Á diễn ra đúng kế hoạch.

Lịch trình dày đặc

Khởi hành từ giữa tuần, điểm đến của Đặc phái viên Zalmay Khalilzad là loạt 5 quốc gia có liên quan đến vấn đề Afghanistan. Đó là Qatar, Pakistan, Na Uy, Bungaria và tất nhiên là cả chặng dừng chân Afghanistan. Cần nhắc lại, chính quyền Mỹ đang trong lộ trình cắt giảm binh lính tại Afghanistan theo thỏa thuận đạt được hồi tháng 2 với Taliban. Thỏa thuận này nhằm mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình chính thức giữa chính quyền Afghanistan và Taliban.

Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Afghanistan Zalmay Khalilzad. Ảnh: AP
Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Afghanistan Zalmay Khalilzad. Ảnh: AP

Từ trước tới nay, nhóm Taliban vốn không chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với chính quyền Kabul do coi đây là “bù nhìn” của Washington. Bởi thế, sau khi đạt được bước thứ nhất là thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban hồi đầu năm, trọng trách của đặc phái viên Zalmay trong chuyến công du lần này là đảm bảo có thể đưa cả hai bên ngồi vào bàn đàm phán.

Tại Qatar và Afghanistan, ông Zalmay được cho là có nhiệm vụ nhấn mạnh vào việc giải quyết các vấn đề còn lại trước các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan, cụ thể là trao đổi tù nhân cuối cùng và giảm bạo lực. Đây được đánh giá là 2 vấn đề gai góc đang cản trở tiến trình hướng tới khởi động những cuộc đàm phán hòa bình.

Trong tuyên bố mới nhất, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhấn mạnh, mặc dù các hoạt động trao đổi tù nhân đã đạt được tiến triển đáng kể, nhưng vấn đề này cần thêm nỗ lực để giải quyết dứt điểm càng sớm càng tốt. Và thủ đô Doha của Qatar có lợi thế là nơi đã từng diễn ra nhiều vòng đàm phán giữa chính quyền Mỹ và Taliban thời gian qua.

Còn tại Pakistan, có lẽ ông Zalmay muốn tìm kiếm sự hỗ trợ của Islamabad trong nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán nội bộ quan trọng của nước láng giềng. Trong khi đó tại hai điểm dừng chân là Na Uy và Bungaria, Đặc phái viên Zalmay sẽ cập nhật với các đồng minh NATO về tiến trình hòa bình Afghanistan. Theo giới quan sát, các bên liên quan vấn đề Afghanistan có lẽ chưa bao giờ “gần gũi” và làm việc chặt chẽ như hiện nay, khi bắt đầu đi vào các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan - bước quan trọng để hướng tới kết thúc cuộc chiến đã kéo dài 40 năm tại quốc gia Nam Á này.

Một cuộc đàm phán giữa ông Zalmay Khalilzad với lực lượng Taliban tại Doha, Qatar. Ảnh: Al Jazeera
Một cuộc đàm phán giữa ông Zalmay Khalilzad với lực lượng Taliban tại Doha, Qatar. Ảnh: Al Jazeera

Thực địa khó lường

Không phải bàn về quyết tâm của chính quyền Washington trong việc rút quân và có thể xử lý êm cuộc chiến Afghanistan hao tiền tốn của. Thế nhưng, chiến địa khó lường với các thành phần đã có mối hận thù trong hàng chục năm đang khiến tiến trình hòa bình mà Mỹ mong muốn vấp phải nhiều trắc trở.

Trong tuần, chính Đặc phái viên Khalilzad đã phải lên án các cuộc cuộc không kích của các lực lượng an ninh hôm 22/7 nhằm vào phiến quân Taliban ở phía Tây giáp với Iran, khiến 45 người thiệt mạng, trong đó có cả các thành viên Taliban và dân thường. Chưa hết, trước đó hôm 21/7, Bộ Quốc phòng Afghanistan cũng thông báo xảy ra một vụ đánh bom liều chết nhằm vào đoàn xe quân sự của nước này tại tỉnh Wardak ở miền Trung, làm ít nhất 8 binh sĩ thiệt mạng và 9 người bị thương. Đáng nói là nhóm phiến quân Taliban ngay lập tức đã nhận là thủ phạm vụ tấn công.

Nhìn lại trong những tuần gần đây, sau khi chính quyền Afghanistan từ chối thả gần 600 tù nhân Taliban với lý do các đối tượng này dính líu đến nhiều vụ tấn công lớn, giao tranh giữa quân chính phủ và phiến quân Taliban liên tiếp gia tăng. Cũng cần nhắc lại, việc trao đổi tù nhân giữa Taliban và chính quyền Kabul là một phần trong thỏa thuận hòa bình ký hồi tháng 2 giữa Mỹ và Taliban. Theo đó, chính phủ cần cam kết thả khoảng 5.000 tù nhân Taliban để đổi lấy tự do cho hơn 1.000 binh sỹ Afghanistan. Sau khi việc trao đổi bị chững lại, cả hai bên đều có những động thái làm gia tăng căng thẳng tình hình.

Một người đàn ông Afghanistan đeo khẩu trang đi ngang qua bức tường vẽ hình ảnh Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad và Người đứng đầu lực lượng Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar, ở Kabul, Afghanistan ngày 13/4/2020. Ảnh: Reuters
Một người đàn ông Afghanistan đeo khẩu trang đi ngang qua bức tường vẽ hình ảnh Đặc phái viên Mỹ về Afghanistan Zalmay Khalilzad và Người đứng đầu lực lượng Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar, ở Kabul, Afghanistan ngày 13/4/2020. Ảnh: Reuters

Bằng mặt chẳng bằng lòng

Về phía Mỹ, từ giữa tháng 7, Bộ Quốc phòng nước này thông báo đã rút binh lính từ 5 căn cứ quân sự tại Afghanistan về nước và hiện duy trì quân số ở nước này chỉ khoảng 8.500 quân. Đây là bước đi trong kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được đưa ra trong cam kết tranh cử hồi năm 2016. Theo đó, ông Trump cam kết nếu đắc cử, ông sẽ rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan và chấm dứt cuộc chiến dài nhất của quân đội Mỹ tại nước ngoài.

Việc hiện thực hóa cam kết này càng có ý nghĩa quan trọng hơn khi cuộc bầu cử Tổng thống quan trọng tại Mỹ chuẩn bị diễn ra. Vì thế, bất chấp dịch bệnh diễn phức tạp trong nước cộng thêm “cuộc chiến lãnh sự” với Trung Quốc, Tổng thống Trump ngay lập tức đã phải cử Đặc phái viên thực hiện một vệt công du tới 5 nước như vậy.

Thế nhưng với chính quyền Afghanistan, dù tuyên bố không gây cản trở tiến trình đàm phán nội bộ với Taliban nhưng ai cũng thấy một thái độ “bằng mặt nhưng chẳng bằng lòng”. Rõ ràng, nước này đã bị gạt ra khỏi thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban. Và tất nhiên, trong văn bản ký kết hồi tháng 2 cũng không có nội dung nào đề cập tới tương lai chính quyền Kabul hiện nay.

Các tay súng Taliban và người dân tại một cuộc gặp ăn mừng thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban đạt được hồi tháng 2. Ảnh: NurPhoto - Getty
Các tay súng Taliban và người dân tại một cuộc gặp ăn mừng thỏa thuận hòa bình Mỹ - Taliban đạt được hồi tháng 2. Ảnh: NurPhoto - Getty

Trong khi đó, phiến quân Taliban từ chỗ bị coi là khủng bố đã trở thành đối tác đàm phán trực tiếp với Mỹ, và được Washington coi là nhân tố không thể thiếu trong lộ trình tiến tới hòa bình cho Afghanistan. Hẳn nhiên, điều này đã khiến chính quyền Afghanistan “chạnh lòng”, đồng thời cũng phải chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống bất lợi có thể xảy ra.

Nhìn lại thời gian qua, không ít lần Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã lệnh cho quân đội chuyển sang “trạng thái tấn công” thay cho chính sách phòng vệ; còn Taliban cũng không ngại tuyên bố sẵn sàng phản công. Vì thế, bất chấp lời kêu gọi của Mỹ hay các chuyến viếng thăm của Đặc phái viên về Afghanistan như lần này, một khi lợi ích các bên chưa thực sự rõ ràng, tiến trình đàm phán hướng tới tương lai hòa bình cho quốc gia Nam Á này cũng chưa thể diễn ra thuận lợi như kỳ vọng!.

Tin mới