Mỹ điều 50 xe bọc thép đến Syria diệt IS; Trung - Nhật ký thỏa thuận trị giá 2,6 tỷ USD

(Baonghean.vn) - Thế giới 24h qua diễn ra nhiều sự kiện như: Mỹ truy lùng toàn quốc thủ phạm vụ khủng bố 'bom' bưu kiện; Thổ Nhĩ Kỳ có thêm bằng chứng về vụ Khashoggi; Ông Abe đến Trung Quốc, ký thỏa thuận song phương trị giá 2,6 tỷ USD; Mỹ điều 50 xe bọc thép đến Syria diệt IS...

Mỹ điều 50 xe bọc thép đến Syria diệt IS

Xe bọc thép Mỹ hoạt động tại Syria. Ảnh: Almasdar News.

Xe bọc thép Mỹ hoạt động tại Syria. Ảnh: Almasdar News

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết một đoàn xe gồm 50 chiếc thiết giáp của Mỹ ngày 25/10 tiến vào khu vực đông nam tỉnh Deir Ezzor, miền đông Syria tham gia cuộc chiến chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưngĐộng thái của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Washington đang nỗ lực hỗ trợ Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do dân quân người Kurd làm nòng cốt để tiêu diệt IS ở bờ đông sông Euphrates.

Theo SOHR, đoàn xe thiết giáp này của Mỹ đã tới căn cứ quân sự vừa được thiết lập gần Hajin, một trong những thị trấn cuối cùng do IS kiểm soát tại tỉnh Deir Ezzor, nhằm làm bàn đạp phát động chiến dịch tấn công phiến quân.

Ông Abe đến Trung Quốc, ký thỏa thuận song phương trị giá 2,6 tỷ USD

Ong Abe den Trung Quoc, ky thoa thuan song phuong tri gia 2,6 ty USD hinh anh 1

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại cuộc họp báo chung hôm 26/10. Ảnh:Kyodo.

Trong cuộc họp báo chung sáng 26/10 tại Bắc Kinh, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố hai bên đã ký kết hơn 500 hợp đồng buôn bán, tổng trị giá hơn 2,6 tỷ USD, nhân chuyến thăm chính thức của ông Abe đến Trung Quốc. Nhiều thỏa thuận hợp tác cũng được ký kết, gồm một thỏa thuận trao đổi tiền tệ chưa được thông qua từ năm 2013.

Đây là lần đầu tiên sau 7 năm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có chuyến thăm chính thức đến Trung Quốc nhằm thúc đẩy hợp tác song phương giữa lúc hai bên đang căng thẳng thương mại với Mỹ. Chuyến thăm kéo dài 3 ngày của ông Abe được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện lòng tin giữa hai bên, hợp tác Trung - Nhật trải qua nhiều thăng trầm từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1972. 

Thổ Nhĩ Kỳ có thêm bằng chứng về vụ Khashoggi

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh:Reuters.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 26/10 kêu gọi Arab Saudi công bố nơi giấu thi thể nhà báo Jamal Khashoggi và khẳng định Ankara vẫn nắm các bằng chứng khác về vụ án. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng yêu cầu Riyadh cung cấp danh tính "đầu mối địa phương" đã nhận thi thể của Khashoggi từ các đặc vụ Arab Saudi để mang đi phi tang sau khi nhà báo này bị giết bên trong lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 2/10. 

Khashoggi biến mất từ hôm 2/10 sau khi vào lãnh sự quán Arab Saudi để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Sau nhiều lần phủ nhận, Arab Saudi hôm 21/10 xác nhận nhà báo đã chết trong một vụ xô xát và Riyadh đã bắt 18 nghi phạm. Tuy nhiên, các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ tin Khashoggi đã bị tra tấn, giết hại và thi thể bị phân tách để phi tang.

Mỹ truy lùng toàn quốc thủ phạm vụ khủng bố 'bom' bưu kiện

Cảnh sát tuần tra tuần tra xung quanh Nhà Trắng ở Washington, ngày 24/10. Ảnh: Reuters
Cảnh sát tuần tra tuần tra xung quanh Nhà Trắng ở Washington, ngày 24/10. Ảnh: Reuters

Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) xác định vụ bom bưu kiện gửi đến nhiều chính trị gia là “khủng bố nội địa” và đang truy lùng hung thủ trên toàn quốc. Giới chức Mỹ đang tích cực truy lùng thủ phạm đứng sau vụ gửi các bưu kiện chứa thiết bị nổ đến cho hàng loạt chính trị gia và cựu tổng thống. Đơn vị chống khủng bố của FBI đang dẫn đầu cuộc điều tra và xác định vụ việc này là khủng bố nội địa. CNN dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết có thể còn nhiều bưu kiện tương tự đã được gởi đến những địa điểm khác nhưng chưa bị phát hiện.

Bưu kiện đầu tiên được gửi đến nhà của tỷ phú George Soros vào ngày 22/10 và đến nay, nhiều bưu kiện tương tự đã được gửi đến địa chỉ của cựu Tổng thống Barack Obama, cựu Phó tổng thống Joe Biden, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, cựu giám đốc CIA John Brennan..., theo BBC. Toàn bộ người nhận đều là những nhân vật phản đối chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tổng cộng 10 bưu kiện đều đã bị thu giữ và đang được kiểm tra tại phòng thí nghiệm của FBI ở Quantico (bang Virginia).

Trung Quốc dẫn đầu thế giới về số lượng tỷ phú mới

Chú thích ảnh
Jack Ma, tỷ phú giàu nhất Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kết quả cuộc khảo sát thường niên do Ngân hàng Thụy Sĩ UBS và Công ty kiểm toán PwC thực hiện và công bố ngày 26/10, trong năm 2017, thế giới có thêm 332 tỷ phú, nâng tổng số tỷ phú hiện nay lên 2.158 người. Trung Quốc là nước có tốc độ "sản sinh" tỷ phú nhanh nhất, đã "góp" thêm 106 tỷ phú mới vào danh sách những người siêu giàu trên thế giới, đồng nghĩa cứ 3 ngày thì xuất hiện 1 tỷ phú mới. 

Mặc dù Mỹ tiếp tục đứng đầu khu vực Bắc Mỹ với 585 tỷ phú, nhưng số tỷ phú mới ở nền kinh tế số một thế giới đang trên đà giảm. Mỹ chỉ có 53 tỷ phú mới trong năm 2017, so với con số 87 trong năm 2012. Cụ thể, trong năm 2006, Trung Quốc chỉ có 16 tỷ phú. Nhưng đến năm 2017, số tỷ phú Trung Quốc là 373 người, chiếm 20% tổng số tỷ phú toàn cầu.

Pháp cấm sử dụng loại thuốc trừ sâu đang được dùng phổ biến

Rau diếp cừu. Nguồn: Yahoo News
Rau diếp cừu. Nguồn: Yahoo News

Chính phủ Pháp ngày 26/10 đã ban bố lệnh cấm sử dụng một loại thuốc trừ sâu được dùng phổ biến tại nhiều khu vực của nước này trong 3 tháng, sau khi ghi nhận nhiều trường hợp người dân ở miền Tây nước này gặp các vấn đề về sức khỏe trong thời gian gần đây.

Lệnh cấm trên được đưa ra trong bối cảnh chất metam sodium trong thuốc trừ sâu nhãn hiệu Vapam và Sectagom bị nghi ngờ là nguyên nhân khiến nhiều người dân bị đau rát ở mắt và khó thở, đặc biệt là những người sống gần vùng Angers - khu vực sản xuất một lượng lớn rau diếp cừu, còn được gọi là cornsalad. Salad là món ăn rất phổ biến của người Pháp. Để phòng ngừa sâu bệnh cho cây rau, các chủ trang trại nông nghiệp thường cho rải một lượng bột metam sodium trên đất trồng. 

Tin mới