Mỹ đối diện với Trung Quốc ở 'sân sau'

(Baonghean.vn) - Suốt 4 năm tại nhiệm, Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn tỏ rõ quan điểm với Mỹ Latinh, rằng: Chớ nên làm ăn với Trung Quốc. Nhưng có vẻ thông điệp ấy đã không đến đích. Giờ đây, khi những lá phiếu đại cử tri hôm 14/12 đã gọi tên người thắng cuộc Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa rồi, chính quyền kế nhiệm sắp sửa phải đương đầu với một đối trọng đáng gờm - Trung Quốc ở khu vực được mệnh danh là "sân sau" của xứ cờ hoa.

Tầm ảnh hưởng phai nhạt

Như đã nói, nếu không có gì thay đổi thì trưa ngày 20/1/2021, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức, chính thức trở thành ông chủ tiếp theo của Nhà Trắng - biểu tượng quyền lực của nước Mỹ. Một trong những vấn đề sẽ khiến ông Biden cùng ê kíp của mình phải đau đầu khi xử lý di sản của chính quyền ông Trump, đó là khu vực giàu tài nguyên khoáng sản Mỹ Latinh, nơi được ví như “sân sau” của Mỹ trong suốt thời gian dài, giờ đây đang chứng kiến “gọng kìm” của Bắc Kinh siết chặt vòng vây ở nhiều dải đất rộng lớn.

Chính quyền mới của ông Joe Biden sẽ đối diện với Trung Quốc đang trỗi dậy ở "sân nhà" Mỹ Latinh. Ảnh: AP
Chính quyền mới của ông Joe Biden sẽ đối diện với Trung Quốc đang trỗi dậy ở "sân nhà" Mỹ Latinh. Ảnh: AP

Theo một điều tra nghiên cứu của hãng tin Reuters, bao gồm nhiều cuộc phỏng vấn với các quan chức và cố vấn cũ cũng như đương nhiệm, cùng phân tích số liệu thương mại kỹ càng, từ đó đi đến kết luận rằng dưới thời Trump, Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ trên phương diện quyền lực và tầm ảnh hưởng ở hầu khắp khu vực Mỹ Latinh.

Điều đó ắt hẳn đặt ra thách thức đối với Tổng thống đắc cử Biden, người từng cam kết sẽ khôi phục vai trò lãnh đạo toàn cầu của Washington sau nhiều năm thực thi chính sách “Nước Mỹ là trên hết” của ông Trump, và khẳng định rằng việc tầm ảnh hưởng của Mỹ sụt giảm ở Mỹ Latinh là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Hồi tháng 3, Americas Quarterly dẫn lời ông Biden tuyên bố: “Họ cần lưu ý rằng sự kém cỏi và lơ là của ông Trump tại Mỹ Latinh và Caribe sẽ kết thúc vào ngày đầu tiên trong chính quyền của tôi”. Ê kíp của ông đã từ chối đưa ra bình luận về câu chuyện này. Nhưng có lẽ ai cũng hiểu rằng, cam kết đó sẽ chẳng dễ gì mà thực hiện được, chứ đừng nói trong một sớm một chiều.

Kể từ năm 2018, nếu không tính đến Mexico, Trung Quốc đã thay Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ Latinh, tiêu thụ sạch đồng khai thác từ dãy Andes, ngũ cốc của Argentina và thịt từ Brazil.

Bắc Kinh cũng đã tăng cường đầu tư và rót các khoản vay lãi suất thấp vào khu vực này, hậu thuẫn cho các dự án năng lượng, các trang trại năng lượng mặt trời, hồ đập, cảng, đường sắt và cao tốc.

Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh tầm ảnh hưởng ở khu vực Mỹ Latinh. Ảnh: BBC
Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh tầm ảnh hưởng ở khu vực Mỹ Latinh. Ảnh: BBC

“Ông Trump không mảy may quan tâm”

Các quan chức trong khu vực cảnh báo rằng, là một đối tác lớn về kinh tế và ngoại giao đối với nhiều quốc gia, Trung Quốc sẽ không phải là cái tên dễ gạt bỏ. Hàng tỷ USD từ Trung Quốc được ví như phao cứu sinh cứu mạng các nền kinh tế đang nổi lên, nợ công lớn, ấy là chưa kể đến nhu cầu về vốn tăng cao trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 với Brazil, Chile, Peru, Uruguay và nhiều quốc gia khác, vượt xa Mỹ về phương diện kim ngạch thương mại với Argentina. Nếu không kể đến Mexico, thương mại giữa Trung Quốc với khu vực Mỹ Latinh đã vượt Mỹ từ năm 2018 và kéo giãn cách biệt vào năm 2019 lên hơn 223 tỷ USD so với kim ngạch thương mại 198 tỷ USD của Mỹ (theo phân tích số liệu thương mại từ cơ sở dữ liệu thống kê thương mại quốc tế của Liên hợp quốc). Còn nếu tính đến Mexico - đối tác thương mại số 1 toàn cầu của Mỹ trong năm ngoái, thì xứ cờ hoa vẫn có kim ngạch chung với Mỹ Latinh cao hơn Trung Quốc.

Trong suốt nhiệm kỳ, chính quyền Trump bị một số quốc gia trong khu vực đánh giá là hầu như chẳng làm gì hơn ngoài việc cảnh cáo các đối tác Mỹ Latinh chớ thân thiết quá với Trung Quốc, nhất là thông qua việc tài trợ vốn lãi suất thấp hay các quan hệ công nghệ trong bối cảnh cuộc đua tranh giành vị trí thống trị 5G nóng lên.

Mark Feierstein, cố vấn dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nói rằng việc Trump thiếu can dự và rời bỏ khối thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương đã tạo ra khoảng trống để Trung Quốc chen vào, lấp đầy - và đó chính là điều mà Biden sẽ tìm cách đảo ngược. “Điều ông Trump đã làm đến nay là khiến Trung Quốc trông có vẻ như một đối tác tốt hơn. Toàn bộ điều đó sẽ thay đổi”, Feierstein - nay là cố vấn cấp cao tại Tập đoàn Albright Stonebridge, nhận định.

Một tàu bệnh viện của hải quân Trung Quốc cập cảng Venezuela và tổ chức khám chữa bệnh miễn phí (năm 2018). Ảnh: AFP
Một tàu bệnh viện của hải quân Trung Quốc cập cảng Venezuela và tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí (năm 2018). Ảnh: AFP

Lợi thế chiến lược

Nhiều chuyên gia phân tích và cựu cố vấn trong các chính quyền trước khẳng định, Nhà Trắng dưới thời tân lãnh đạo xuất thân phe Dân chủ Biden có khả năng sẽ dành ưu tiên cao hơn cho khu vực Mỹ Latinh. Dù vậy, song song với đó tòa bạch ốc cũng sẽ phải “tung hứng” luôn cả câu chuyện khôi phục hậu đại dịch và cài đặt lại các quan hệ ở châu Âu và châu Á.

Janet Napolitano, cựu Bộ trưởng An ninh nội địa dưới thời Obama, nói rằng kinh nghiệm làm việc với ông Biden khiến bà đánh giá, ông nhìn thấy một “lợi thế chiến lược đối với Mỹ khi có các quan hệ vững chắc xuyên khắp Trung và Nam Á”.

Theo giới chuyên gia, ông Biden được cho là sẽ duy trì việc phát đi những cảnh báo tương tự đối với việc thân cận với Trung Quốc, nhưng có thể sẽ đặt mục tiêu tái thu phục cả con tim lẫn khối óc của các láng giềng, bằng những lời đề nghị cung cấp thêm nhiều ưu đãi tài chính và nối lại gói viện trợ nhân đạo bị ông Trump cắt phăng đi. Benjamin Gedan - cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Obama nói: “Chính quyền của ông ấy sẽ nhận ra sự phụ thuộc tại Nam Mỹ vào thị trường hàng hóa Trung Quốc, và cố gắng đưa ra sự hỗ trợ một cách mạnh mẽ và hào phóng hơn nhiều”.

Một nông trại ở Buenos Aires, Argentina. Trung Quốc là nước mua nhiều đậu nành Argentina nhất. Ảnh: Reuters
Một nông trại ở Buenos Aires, Argentina. Trung Quốc là nước mua nhiều đậu nành Argentina nhất. Ảnh: Reuters

Ngoại giao kinh tế

Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội trong đại dịch để làm sâu sắc hơn các quan hệ tại Mỹ Latinh, thông qua việc gửi các nguồn cung y tế bao gồm máy trợ thở và khẩu trang để ứng phó với Covid-19. Tại Argentina, chính phủ trong vài tháng trở lại đây thông báo thêm nhiều sáng kiến mới hoặc mở rộng với Trung Quốc, thử nghiệm vắc- xin, hợp tác trong không gian, khóa học nghiên cứu quân sự Trung Quốc cho sinh viên tại trường cao đẳng quốc phòng của quốc gia Nam Mỹ này... 2 bên cũng đã bàn thảo khả năng tổ chức chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc của Tổng thống Alberto Fernandez và về việc Argentina tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Margaret Myers- Giám đốc chương trình Trung Quốc và Mỹ Latinh tại Đối thoại Liên Mỹ viện dẫn gói cho vay 2,4 nghìn tỷ USD của Ngân hàng xuất, nhập khẩu Trung Quốc cho Ecuador vào năm nay, lập luận: “Ngoại giao kinh tế của Trung Quốc, dù thông qua thương mại hay tài chính, đều mở ra nhiều cánh cửa”. Mỹ dường như đã cố gắng thay đổi chiều hướng này trong vài tháng trước thềm bầu cử, đưa ra loạt sáng kiến trong khu vực, trong nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng bị nhiều người đánh giá là quá muộn màng.

Cuối cùng, đại dịch đã đặt ra nhiều nguy cơ cho nước Mỹ, đẩy một số quốc gia trong khu vực Mỹ Latinh xích lại các đối tác như Trung Quốc. Thừa nhận Covid-19 đang ảnh hưởng đến việc ra quyết định về kinh tế và đang ảnh hưởng đến tâm lý của nhiều nước, song Francis Fannon, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách tài nguyên năng lượng vẫn phát đi thông điệp: “Chúng tôi muốn khuyến khích các nước tiếp tục bước đi trên con đường cải cách mà họ đã chọn. Nước Mỹ là đối tác lý tưởng, đã và sẽ luôn như vậy”.

Tin mới