Mỹ lên phương án ngăn ngừa sự ảnh hưởng của Nga, Trung ở Venezuela

Mỹ có thể diễn tập hải quân gần Venezuela và tăng cường quan hệ quân sự với khu vực để ngăn ảnh hưởng của Nga, Trung Quốc.
Mỹ lên phương án ngăn ngừa sự ảnh hưởng của Nga, Trung ở Venezuela ảnh 1

Thủy quân lục chiến Mỹ trong một cuộc diễn tập đổ bộ năm 2017. Ảnh: US Marine Corps.

Lầu Năm Góc đang xây dựng các phương án quân sự mới nhằm răn đe ảnh hưởng của Nga, Trung Quốc hay Cuba tại Venezuela, nhưng sẽ không thực hiện bất cứ hành động quân sự trực tiếp nào tại quốc gia Nam Mỹ này, một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay.

Các phương án này được hoạch định sau một cuộc họp tại Nhà Trắng tuần trước, nơi Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton yêu cầu quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan đưa ra các ý tưởng mới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Venezuela.

Quan chức giấu tên trên nhấn mạnh cơ quan tham mưu Lầu Năm Góc đã tiến hành những công việc đầu tiên trong tiến trình lên kế hoạch cho các chiến dịch quân sự tương lai của Bộ tư lệnh phía Nam, đơn vị phụ trách bất cứ hoạt động quân sự nào của Mỹ ở Nam Bán cầu. Những phần việc đã hoàn thành này sẽ được chuyển cho Shanahan để ông này báo cáo với Nhà Trắng.

Dù Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gần đây tuyên bố "mọi phương án" xử lý cuộc khủng hoảng Venezuela vẫn được xem xét, một số quan chức Lầu Năm Góc cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ không mặn mà với việc sử dụng vũ lực để lật đổ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Tổng thống Donald Trump cũng đã kêu gọi Maduro từ chức và tuyên bố Nga cần rút lực lượng khỏi Venezuela, nhưng không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy ông muốn triển khai quân đội Mỹ thực hiện một chiến dịch quân sự lớn ở quốc gia này.

Thay vào đó, Lầu Năm Góc có thể áp dụng các biện pháp răn đe như tiến hành diễn tập hải quân với nội dung hỗ trợ nhân đạo ở vùng biển gần Venezuela cũng như tăng cường tương tác về quân sự với các nước xung quanh Venezuela. Ý tưởng của kế hoạch này là nhằm thách thức niềm tin của Nga, Trung Quốc hay Cuba rằng họ có thể tự do áp đặt ảnh hưởng ở Nam Mỹ, khu vực vốn được coi là "sân sau" của Mỹ.

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela tăng nhiệt sau khi thủ lĩnh đối lập Juan Guaido hồi cuối tháng 1 tự phong là tổng thống lâm thời và trực tiếp thách thức quyền lực của Maduro. Trump nhanh chóng công nhận Guaido và từng đe dọa sẽ dùng vũ lực lật đổ Maduro, nhưng đến nay chưa có bất cứ dấu hiệu điều quân nào đến gần Venezuela.

Tổng thống Maduro vẫn giữ vững quyền lực nhờ sự ủng hộ của quân đội Venezuela và các nước như Nga, Trung Quốc, Cuba. Quân đội Nga tháng trước điều khoảng 100 binh sĩ đến Venezuela để hỗ trợ nước này sửa chữa khí tài, đồng thời tuyên bố sẽ duy trì sự hiện diện của họ ở Caracas đến khi nào "còn cần thiết".

Tin mới