Mỹ - Taliban: Hòa bình mong manh!

(Baonghean) - Hy vọng rồi lại thất vọng, tưởng sắp chạm đến thỏa thuận hòa bình xong lại rơi vào bế tắc… là những gì đang diễn ra giữa Mỹ - Taliban và chính quyền Afghanistan những ngày qua.

Đáng nhẽ, ngày 8/9 vừa qua đã có thể đi vào lịch sử Afghanistan khi cuộc gặp bí mật giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và các thủ lĩnh Taliban diễn ra như tuyên bố trước đó của người đứng đầu nước Nhà trắng. Thế nhưng, mọi viễn cảnh tươi sáng đã sụp đổ hoàn toàn sau khi ông Trump bất ngờ quyết định hủy bỏ cuộc gặp này.

Ai chưa xứng với ai?

Mới cách đây ít ngày, dư luận còn đang lạc quan rằng, tuyên bố gặp riêng các thủ lĩnh Taliban của Tổng thống Donald Trump là một bước tiến đột phá sau loạt diễn biến tích cực “chưa từng có” giữa các bên thời gian qua.

Dư luận hẳn chưa quên, Mỹ và Taliban vốn đã nhất trí một bản dự thảo thỏa thuận, theo đó, Mỹ sẽ rút 5.000 binh sĩ khỏi Afghanistan đồng thời đóng cửa 5 căn cứ quân sự trong vòng 135 ngày. Ngược lại, lực lượng Taliban cam kết không cho phép các tổ chức khủng bố như Al Qaeda hay tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng lợi dụng Afghanistan làm bàn đạp để tiến hành các vụ tấn công nhằm vào Mỹ và các nước đồng minh. Chưa hết, Taliban cũng đã chấp nhận tiến hành các cuộc hội đàm trong nội bộ Afghanistan vào ngày 23/9 tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố hủy cuộc gặp tại trại David với các thủ lĩnh Taliban. Nguồn: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố hủy cuộc gặp tại trại David với các thủ lĩnh Taliban. Nguồn: Reuters

Thế nhưng, mọi dấu hiệu tích cực đã “đổ sông đổ bể” với tuyên bố mới nhất của Tổng thống Donald Trump. Cuộc đàm phán bí mật tại trại David đã bị hủy bỏ ngay trước “giờ G”, sau khi 1 lính Mỹ thiệt mạng trong vụ tấn công làm 12 người chết và hàng chục người bị thương.

“Nếu Taliban không thể ngừng bắn vào thời điểm quan trọng của tiến trình đàm phán, thì họ không có quyền đối thoại về một thỏa thuận có ý nghĩa”

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Taliban đã tuyên bố thừa nhận thực hiện vụ tấn công này. Trong tuyên bố của mình, ông Trump không giấu giếm sự phẫn nộ rằng, “nếu Taliban không thể ngừng bắn vào thời điểm quan trọng của tiến trình đàm phán, thì họ không có quyền đối thoại về một thỏa thuận có ý nghĩa”.

Giới quan sát bình luận, dường như Taliban đã có những tính toán sai vào thời điểm quyết định trước vị Tổng thống “khó lường” như ông Donald Trump.

 Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban đã diễn ra gần một năm qua tại Doha. Nguồn: Al Jazeera
Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Taliban đã diễn ra gần 1 năm qua tại Doha. Nguồn: Al Jazeera

Với ông Donald Trump, việc đưa Mỹ thoát khỏi “vũng lầy Afghanistan” sẽ là một thành công đối ngoại và an ninh trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, là điểm cộng cho cuộc bầu cử tổng thống quan trọng vào năm tới. Bởi nhìn lại gần 20 năm qua, cuộc chiến Afghanistan đã khiến hơn 2.400 quân nhân Mỹ, khoảng 1.100 binh sĩ liên quân, hơn 60.000 nhân viên lực lượng an ninh cùng hàng nghìn dân thường thiệt mạng. Thế nhưng, dù có những lợi ích rõ ràng khi thúc đẩy tiến trình đàm phán với Taliban, ông Donald Trump vẫn không vì thế mà hoàn toàn “nhún nhường” trước mọi động thái của Taliban.

Có ý kiến cho rằng, Taliban dường như đã “đi quá giới hạn” khi nhận trách nhiệm vụ tấn công - động thái mà nhóm này cho là có thể gây sức ép với phía Mỹ trước cuộc gặp gỡ và đàm phán bí mật.

Bế tắc có được hóa giải?

Ngay sau khi mọi việc đổ bể, cả hai bên đều đưa ra những tuyên bố chỉ trích và cảnh cáo đối phương. Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định, tiến trình đàm phán về một nền hòa bình cho Afghanistan đã “chết yểu” ở thời điểm hiện tại, đồng thời, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho binh sĩ Afghanistan cho đến khi lực lượng Taliban đưa ra những cam kết và hành động cụ thể.

Trong khi đó, sau khi nhận trách nhiệm vụ tấn công tại Thủ đô Kabul, nhóm Taliban càng tỏ ra mạnh bạo hơn khi cảnh báo sẽ giết thêm nhiều người Mỹ, thậm chí sẵn sàng chiến đấu với Mỹ trong vòng 100 năm tới.

Dường như vào thời điểm quyết định, cả Mỹ và Taliban đều muốn lèo lái các diễn biến và kết quả đàm phán theo các điều khoản và ý muốn của mình.

Nếu như Taliban muốn dùng các cuộc tấn công để có nhiều lợi thế hơn trong đàm phán với Mỹ thì Washington cũng giữ quan điểm rằng, đàm phán và bạo lực không thể song hành cùng nhau. Bởi thế cũng có ý kiến cho rằng, việc tuyên bố hủy cuộc gặp bí mật là cách để ông Trump gửi thông điệp đến lực lượng Taliban rằng, nhóm này chưa thực sự xứng đáng để có thể ngồi vào bàn đàm phán, nếu chưa “thuận theo” những điều khoản từ phía Mỹ.

18 năm sa lầy đã khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thay đổi chiến lược tại Afghanistan. Nguồn: AP
 18 năm sa lầy đã khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn thay đổi chiến lược tại Afghanistan. Nguồn: AP

Nhưng tất nhiên, trong bối cảnh cả hai cùng đều cứng rắn, không nhượng bộ thì dấu mốc 18 năm kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan cũng chưa thể khép lại. Trong khi đó, chính quyền Afghanistan vẫn đang bị gạt ra rìa trong các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Taliban, do nhóm này không muốn đối thoại với một chính phủ bị cho là bù nhìn của Washington. Điều này càng khiến cho tiến trình đàm phán, hướng tới hòa bình tại Afghanistan trở nên trắc trở hơn.

Vào lúc này, nhiều quan điểm cho rằng, phía Tổng thống Mỹ Donald Trump đang thực sự có những thiện chí đàm phán nhưng có phần vội vã, còn phía Taliban lại chưa đủ sự mềm dẻo cần thiết để khiến Mỹ hài lòng. Bởi thế, để có thể quay trở lại bàn đàm phán, phía Taliban có lẽ cần nhượng bộ nhiều hơn. Đó có thể đó là một lệnh ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Afghanistan và cái gật đầu đàm phán với cả chính quyền Afghanistan chứ không chỉ là phía Mỹ. Dù chưa thể sớm nối lại đàm phán do hai bên vẫn cần thời gian để nhượng bộ mà không “mất điểm” với đối phương, nhưng giới quan sát cho rằng, sau 18 năm xung đột hao tiền tốn của, tất cả các bên, cả Mỹ, Taliban và chính quyền Afghanistan đều đang hướng tới một viễn cảnh tốt đẹp hơn. Chỉ có điều, có lẽ các bên vẫn cần có thêm thời gian!

Tin mới