Mỹ thất bại vì quá mạnh về kinh tế, quân sự?

(Baonghean.vn) - Nhiều người Mỹ và phương Tây không tránh được cú sốc với những gì đang diễn ra ở Afghanistan, ở thế giới Ả-rập... Cái đau nhất cho Mỹ và phương Tây có lẽ nằm ở chỗ: Sự ngạo mạn dựa trên sức mạnh vũ khí, tiền bạc bị một cái tát quá mạnh.

Với những gì diễn ra vừa qua ở Afghanistan, ở thế giới Ả-rập và xa hơn nữa là ở Việt Nam gần 5 thập kỷ trước, nhiều người Mỹ và phương Tây không tránh được cú sốc. Điều quái quỷ gì đã xảy ra vậy? Tiền của, trí lực và cả sinh mạng của biết bao người đã đổi lại được cái gì cho thế giới này?

Chiến binh Taliban tiến vào Kabul. Ảnh NBC News
Chiến binh Taliban tiến vào Kabul. Ảnh: NBC News

Chiến tranh, đổ nát, hoang tàn và xương máu của những người dân vô tội nước sở tại cùng binh lính các bên tham chiến… là đáp án trả lời. Nước Mỹ đã phải “rút lui” khỏi Afghanistan, rút khỏi một cuộc chiến mà như Tổng thống Biden đã phải thốt lên hôm 16/8 “binh lính chúng ta không nên và không thể chiến đấu cho một đội quân (ý chỉ Afghanistan) mà họ không muốn chiến đấu cho mình nữa”.

Đã quá muộn rồi ngài Tổng thống ạ, khi mà chính ông đã phải liệt kê ra là có 4 đời Tổng thống Mỹ “tham chiến” tại đó. Nhiều người dân Mỹ đã bình luận chua chát đại ý rằng, không hiểu 20 năm qua chúng ta đã tốn bao nhiêu công sức, tiền của để quản lý một đất nước không phải của mình để làm gì? Chúng ta đã chứng minh được điều gì?…

Ông Biden phát biểu về Afghanistan ngày 16/8. Ảnh ABC News
Ông Biden phát biểu về Afghanistan ngày 16/8. Ảnh: ABC News

Cái đau nhất cho Mỹ và phương Tây có lẽ nằm ở chỗ: Sự ngạo mạn dựa trên sức mạnh vũ khí, tiền bạc bị một cái tát quá mạnh. Dễ gì mà con người ta có thể tiêu hóa được sự tổn thương này.

Cuộc chiến khởi đầu bằng một mục đích được tuyên truyền thật cao cả là chống khủng bố, nhưng kết thúc bằng sự thừa nhận là bất lực và vô nghĩa khi “chiến đấu để bảo vệ những lợi ích không phải của mình”. Đó là thực tế, là ngụy biện cho cái kết đắng hay là sự thay đổi quan điểm để tiếp tục mục tiêu “sen đầm” quốc tế trong bối cảnh mới?

Cần nhớ rằng, vào những năm cuối của thế kỷ XX, chính Mỹ và phương Tây đã cổ xúy, gây dựng và nuôi dưỡng các lực lượng chống đối Chính phủ Afghanistan thời đó vốn được Liên Xô hậu thuẫn với chiêu bài dân chủ, tự do. Trong số đó có những tổ chức cực đoan để rồi bây giờ họ là những Taliban, những al-Qaeda, IS…

Một em bé Afghanistan trong cuộc chạy loạn ở sân bay Kabul. Ảnh AFP
Một em bé Afghanistan trong cuộc chạy loạn ở sân bay Kabul. Ảnh: AFP

Trong bài phát biểu của mình ông Biden đã nói “không để Mỹ phải chịu những rủi ro trong tương lai”, nhưng liệu điều đó có thực hiện được không khi mà Mỹ vẫn chẳng muốn thay đổi tư tưởng sen đầm, vẫn muốn áp đặt “giá trị Mỹ” lên các nước và vẫn chà đạp lên quyền dân tộc tự quyết của nhiều nước vì lợi ích của Mỹ, vốn dĩ có được từ sự can thiệp chính trị và gây chiến tranh của mình?

Điều mà nhiều người lo ngại là liệu trong tương lai sự nắm quyền của Taliban có làm cho họ và các lực lượng Hồi giáo cực đoan, các tổ chức khủng bố cố kết lại với nhau chặt chẽ hơn để làm bất ổn an ninh của thế giới? Lúc đó thế giới sẽ phải ứng xử như thế nào? Đây vẫn là những câu hỏi đang bị bỏ ngỏ…
Lính Mỹ đang chĩa súng vào người dân Afghanistan để giữ trật tự. Ảnh AFP
Lính Mỹ đang chĩa súng vào người dân Afghanistan để giữ trật tự. Ảnh: AFP

Thế giới sẽ đổi thay và sự đổi thay đó phụ thuộc vào cách ứng xử của các quốc gia. Có những điều được khẳng định từ lịch sử và hiện tại, đó là “giá trị Mỹ”, “văn minh phương Tây” không phải lúc nào cũng là món ăn bổ ích cho cộng đồng Hồi giáo, nó cũng không phải, không được là thứ để tước đi quyền tự quyết của các quốc gia; đồng thời một bài học sâu sắc cho các nước là hãy nắm chắc sự độc lập của mình để rồi tự lo, tự quyết, nếu không sự tồn tại của bạn chỉ là phục vụ lợi ích của người khác!

Tin mới