Mỹ thiếu 'vũ khí’ mạnh nhất trong 'cuộc chiến mới'

(Baonghean) - Ngày Chủ nhật (12/4) là mốc đáng ghi nhớ trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19 của nước Mỹ. Chỉ có điều, đó là cột mốc không mấy vui vẻ khi Mỹ trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về mọi chỉ số, từ số người nhiễm virus SARS-CoV-2 đến số người tử vong vì Covid-19. Nước Mỹ đang thực sự trải qua những ngày tháng khó khăn nhất của đại dịch, thế nhưng lại thiếu đi “vũ khí” mạnh nhất, đó chính là sự đoàn kết.

Tranh cãi về tiền cứu trợ

Mỹ là cường quốc số 1 thế giới về kinh tế - không có gì phải bàn cãi về nhận định này. Chẳng thế mà nhiều quốc gia cảm thấy “choáng ngợp” khi Mỹ thông qua gói cứu trợ kinh tế lên tới 2.000 tỷ USD - con số kỷ lục trong lịch sử cứu trợ của nước Mỹ, và cũng là con số mà không quốc gia nào có thể “chạm” tới khi tìm cách hỗ trợ nền kinh tế trước tác động ghê gớm của dịch bệnh. Nhưng khi còn mải mê theo sát những con số “nhảy” liên tục trên biểu đồ hiện thị số người nhiễm virus và tử vong vì Covid-19, không nhiều người để ý đến chi tiết rằng, gói cứu trợ 2.000 tỷ USD là kết quả của một cuộc “thương lượng marathon” giữa Nhà Trắng, phe Cộng hòa và phe Dân chủ trong Thượng viện. Cho đến thời điểm hiện tại, khi hàng triệu người Mỹ thất nghiệp, hàng nghìn doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất kinh doanh đang chờ đợi nhận được các khoản hỗ trợ từ gói 2.000 tỷ USD này, những cuộc tranh cãi giữa phe Cộng hòa và phe Dân chủ vẫn chưa ngã ngũ.

Các nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ bất đồng gay gắt về gói cứu trợ 2.000 tỷ USD. Ảnh: Getty
Các nghị sĩ Cộng hòa và Dân chủ bất đồng gay gắt về gói cứu trợ 2.000 tỷ USD. Ảnh: Getty

Cuối tuần qua, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell và lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy đã tuyên bố sẽ từ chối yêu cầu của các nghị sĩ đảng Dân chủ nhằm tăng khoản cứu trợ dành cho các doanh nghiệp nhỏ. Lãnh đạo của phe Cộng hòa tại Thượng viện và Hạ viện cho rằng một nửa trong khoản hỗ trợ danh cho doanh nghiệp nhỏ đã được sử dụng trong tuần đầu tiên, vì thế các nghị sĩ đảng Dân chủ nên chờ đợi các cuộc đàm phán khác về một gói cứu trợ lớn hơn trong những tuần tới để giải quyết các vấn đề khác.

Động thái của các lãnh đạo phe Cộng hòa được cho là bước đi đáp trả việc phe Dân chủ hồi giữa tuần trước đã cố gắng ngăn phe Cộng hòa “rót” thêm tiền cho chương trình hỗ trợ tiền lương cho người thất nghiệp. Nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell và McCarthy đã chỉ trích phe Dân chủ biến những người công dân đang cần nhận tiền trợ cấp thành “con tin chính trị” giữa “bão” Covid-19. Trong khi đó, các nghị sĩ Dân chủ lập luận rằng việc hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và một số hạng mục khác như hỗ trợ cho chính quyền địa phương, hỗ trợ cho các bệnh viện cũng rất cần được ưu tiên trong gói 2.000 USD của chính phủ.

Từ các nghị sĩ trong Quốc hội, cuộc tranh cãi về tiền cứu trợ giữa phe Dân chủ và Cộng hòa còn lan xuống cấp tiểu bang khi các thống đốc ở cả hai đảng đang ra sức kêu gọi các khoản cứu trợ nhiều hơn cho bang của mình. “Lá cờ đầu” của phe Dân chủ là Thống đốc bang New York Andrew Coumo còn của Cộng hòa Thống đốc bang Maryland Hog Hogan, và cả hai cuối tuần qua đã cùng thúc giục Quốc hội cấp cho mỗi bang thêm 500 tỷ USD để giải quyết những khoản thiếu hụt phát sinh do dịch bệnh. Cả ông Andrew Coumo và ông Hog Hogan cùng cảnh báo, việc không có tiền cứu trợ sẽ khiến các bang không thể cung cấp các dịch vụ quan trọng cho người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chăm sóc sức khỏe cộng đồng, tới nỗ lực phục hồi kinh tế cũng như đưa người lao động trở lại làm việc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: The Guardian
Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo về tình hình dịch  Covid-19 trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: The Guardian

Dự kiến hôm nay (Thứ Hai 13/4), chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán lưỡng đảng về chi tiết của các gói cứu trợ cho từng nhóm đối tượng. Nhưng giới phân tích nhận định có nhiều dấu hiệu cho thấy khả năng hai bên chấm dứt được bế tắc vẫn còn rất xa.

Covid-19 - quả bóng chính trị

Tranh cãi xung quanh vấn đề tiền tài trợ chỉ là biểu hiện mới nhất cho sự chia rẽ trên chính trường Mỹ trong đối phó với dịch bệnh Covid-19. Sự chia rẽ đó đã xuất hiện ngay từ khi dịch bệnh bùng phát và đã nhiều lần trở thành điểm nóng trên các phương tiện truyền thông.

Khi “tâm bão” Covid-19 quét qua cả châu Âu và Mỹ, nhiều người đang so sánh những gì diễn ra tại Anh và Mỹ để thấy được sự khác biệt của hai từ “đoàn kết” và “chia rẽ”. Gần 4 năm qua, kể từ khi Anh tiến hành cuộc trưng cầu ý dân về việc “ở lại” hay “ra đi” khỏi Liên minh châu Âu còn Mỹ tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống với chiến thắng thuộc về ông Donald Trump, cả Anh và Mỹ đều đang chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội cũng như trên chính trường. Nhưng ở Anh, Covid-19 đang đóng vai trò như một nhân tố hàn gắn xã hội sau những tranh cãi gay gắt về cách ứng phó của Chính phủ. Nhiều người nhận thấy rằng, kể từ khi Nữ hoàng Anh có bài diễn văn gửi tới toàn thể người dân và kể từ sau khi Thủ tướng Boris Johnson phải  nhập viện điều trị tích cực, người dân Anh đã hiểu ra tình huống cấp bách mà đất nước đang phải đối mặt, và họ hiểu đoàn kết chính là “vũ khí” mạnh nhất để nước Anh chiến thắng Covid-19. Sự đoàn kết đó thể hiện rõ nét qua cuộc điều tra mà YouGov vừa tiến hành, trong đó tới 94% người dân Anh ủng hộ các biện pháp chống Covid-19 của chính phủ và chỉ có 3% phản đối.

Mỹ hiện là nước có số người mắc và tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới. Ảnh: AFP/Getty Images
Mỹ hiện là nước có số người mắc và tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới. Ảnh: AFP/Getty Images

Trong khi đó, bức tranh ở Mỹ hoàn toàn trái ngược. Dù Tổng thống Donald Trump đã có nhiều bước đi quyết liệt, nhưng ý kiến của người dân Mỹ vẫn chia thành hai thái cực rõ ràng khi nhận xét về cách phản ứng của chính phủ. 48% người dân Mỹ đánh giá chính phủ đã làm tốt việc phòng chống dịch Covid-19, nhưng số người chỉ trích chính phủ cũng cao ngang ngửa - 47%. Đánh giá về cách phản ứng của chính phủ Mỹ còn mang nặng màu sắc đảng phái khi 77% thành viên đảng Cộng hòa tán thành các biện pháp ngăn chặn sự lây lan Covid-19 của Chính phủ, trong khi con số này bên phe Dân chủ chỉ là 27%. Sự chênh lệch quá lớn - thậm chí là tương phản này là thách thức với bất cứ ai có ý định tìm kiếm một sự đánh giá chân thực và khách quan về những gì mà chính quyền của ông Donald Trump đang triển khai trong một cuộc chiến chưa từng có tiền lệ.

Ý thức đảng phái trên chính trường Mỹ còn thể hiện trong cả cách các tiểu bang ở Mỹ ứng phó với dịch bệnh. Những bang “màu xanh” - được xem là thành trì của Dân chủ có những bước đi mạnh mẽ hơn so với bang “màu đỏ” - tượng trưng cho phe Cộng hòa. Điển hình như bang “màu xanh” New York, Washington đã nhanh chóng áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại, yêu cầu người dân ở trong nhà, đóng cửa quán bar và nhà hàng trên toàn bang, trong khi các bang “màu đỏ” như Oklahoma, Alabama mãi đến gần đây mới thực hiện những yêu cầu về giãn cách xã hội.

Sự chia rẽ Cộng hòa - Dân chủ gần như là một “đặc sản” trong nền chính trị Mỹ. Nhiều người cho rằng không có gì khó hiểu khi Covid-19 đang khắc họa rõ nét hơn sự chia rẽ này. Lý do quan trọng nhất là nước Mỹ đang chuẩn bị bước một cuộc bầu cử quan trọng, và Covid-19 chính là một bài trắc nghiệm về khả năng xử lý khủng hoảng của cả hai đảng, trong đó không bên nào muốn đối thủ ghi được nhiều điểm hơn với cử tri. Dường như, khi lãnh đạo khắp nơi trên thế giới liên tục gửi tới người dân thông điệp về sự đoàn kết trong cuộc chiến chống Covid-19 thì ở Mỹ, những viễn cảnh dịch bệnh tồi tệ vẫn không thể xóa nhòa được lằn ranh đỏ mang tên Dân chủ - Cộng hòa.

Tin mới