Mỹ - Thổ: Bằng mặt nhưng có bằng lòng?

(Baonghean) - Được kỳ vọng sẽ hàn gắn mối quan hệ đang rạn nứt giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, chuyến thăm 2 ngày của Tổng thống Tayyip Erdogan đến Mỹ đã tạo dấu ấn bằng những lời cam kết ủng hộ và hợp tác lẫn nhau. Mặc dù vậy, những vấn đề gai góc giữa hai bên lại không được đề cập thỏa đáng, cho thấy một tương lai quan hệ vẫn chưa thể nhanh chóng hạ nhiệt.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) nói rằng, cuộc thảo luận với Tổng thống Mỹ Donald Trump đã diễn ra thẳng thắn. Ảnh: Reuters
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) nói rằng, cuộc thảo luận với Tổng thống Mỹ Donald Trump đã diễn ra thẳng thắn. Ảnh: Reuters

Tạm gác bất đồng

Vốn là đồng minh thân cận với nhiều mục tiêu chiến lược, mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu xấu đi kể từ cuộc đảo chính bất thành của một nhóm quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7 năm ngoái. Mỹ đã từ chối đề nghị của phía Thổ Nhĩ Kỳ dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị Ankara coi là chủ mưu cuộc đảo chính.

Mâu thuẫn dai dẳng tiếp tục bùng phát khi mới đây, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ra quyết định vũ trang cho “Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd” (YPG). Thổ Nhĩ Kỳ xem đây là tổ chức có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị nước này liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Lý giải cho động thái này, Mỹ một lần nữa khẳng định, nhóm người Kurd ở Syria là lực lượng nòng cốt, ủy nhiệm chính trong cuộc chiến chống khủng bố của nước này. Mặc dù phía Mỹ cũng đã lên tiếng trấn an đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Tổng thống Tayyip Erdogan vẫn cho đây là hành động không thể chấp nhận được.

Diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai bên đang chồng chất mâu thuẫn và căng thẳng, chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan được kỳ vọng sẽ giúp hai bên tìm được tiếng nói chung trong hàng loạt vấn đề.

Nhìn vào những tuyên bố sau cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo, dư luận cũng đã thấy được nỗ lực của cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tháo gỡ căng thẳng.

Phát biểu trong cuộc họp báo, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng, hai nước có mối quan hệ thân thiết và nhấn mạnh sẽ thúc đẩy mối quan hệ này ngày càng tốt đẹp hơn. Tổng thống Mỹ cũng khẳng định sẽ sớm cung cấp những khí tài quân sự theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ. Về phần mình, Tổng thống Erdogan cũng khẳng định, chuyến thăm của ông có ý nghĩa lịch sử, đồng thời ca ngợi các mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Vỏ bọc ngoại giao?

Thế nhưng bên cạnh những tuyên bố hoa mỹ, dư luận cũng dễ dàng nhận thấy, các vấn đề gai góc trong quan hệ giữa hai bên như lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ về quyết định vũ trang cho lực lượng người Kurd tại Syria cũng như yêu cầu dẫn độ giáo sỹ Gulen, đều được hai bên né tránh.

Mâu thuẫn ngầm còn thể hiện ở chỗ, Tổng thống Erdogan dù không đề cập đến việc Mỹ vũ trang cho lực lượng người Kurd ở Syria nhưng vẫn tái khẳng định, sẽ không có chỗ cho các tổ chức khủng bố trong tương lai tại khu vực.

Thực tế, những diễn biến này đã được giới phân tích dự đoán từ trước khi chuyến thăm diễn ra. Cụ thể, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cùng “hòa hoãn tạm thời” và có những nhượng bộ nhất định nhằm tạo nên một chuyến thăm “hoàn hảo” về mặt ngoại giao.

Thế nhưng ai cũng hiểu, Mỹ chẳng dễ dàng từ bỏ lực lượng ủy nhiệm vừa thiện chiến vừa có chi phí rẻ như lực lượng người Kurd ở Syria trong cuộc chiến chống khủng bố.

Theo giới quan sát, chi phí mà chính quyền Mỹ bỏ ra viện trợ cho nhóm vũ trang người Kurd rẻ hơn rất nhiều so với lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Mỹ lại không có ràng buộc trách nhiệm nào với lực lượng này.

Vì thế, mục tiêu giải phóng Raqqa, thành trì lớn nhất của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria của Mỹ rõ ràng sẽ dễ dàng đạt được hơn khi hợp tác với nhóm người Kurd. Không chỉ tính đến mục tiêu về kinh tế và chiến lược, giới quan sát còn cho rằng, quyết định vũ trang của người Kurd tại Syria của chính quyền Tổng thống Trump còn là lời cảnh báo ngầm gửi đến Thổ Nhĩ Kỳ rằng, Mỹ còn nhiều đối tác khác ngoài Ankara tại Trung Đông.

Các lực lượng quân đội Mỹ được nhìn thấy tại trụ sở của “Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd” (YPG) hồi tháng 4 năm 2017. Trong khi đó, quyết định vũ trang cho lực lượng YPG của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm dấy lên căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters
Các lực lượng quân đội Mỹ được nhìn thấy tại trụ sở của “Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd” (YPG) hồi tháng 4/2017. Trong khi đó, quyết định vũ trang cho lực lượng YPG của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm dấy lên căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters

Vừa nhượng bộ, vừa cứng rắn

Mặc dù ngầm đưa ra lời cảnh báo cứng rắn, nhưng có một thực tế khác là Mỹ cũng khó có thể quay lưng với Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có vị trí địa chiến lược tại khu vực Trung Đông, là láng giềng của Iraq, Iran, Syria. Nếu muốn thực hiện bất cứ mục tiêu chiến lược nào trong khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là đối tác quan trọng hàng đầu.

Trong khi đó, về phía Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù căng thẳng với Mỹ trong nhiều vấn đề nhưng đây là mối quan hệ mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể tận dụng để tăng cường tiếng nói trong khu vực, đồng thời là cầu nối để nước này có thể mở rộng quan hệ với các quốc gia ngoài Trung Đông.

Thời gian qua, đã có lúc người ta thấy Thổ Nhĩ Kỳ dường như ngả sang Nga thay vì thân thiết với Mỹ, nhưng ngay sau đó, mọi chuyện lại quay trở lại quỹ đạo. Bởi Nga với Thổ Nhĩ Kỳ đơn giản chỉ nhằm thoát khỏi sự cô lập và kìm kẹp của phương Tây trong một thời điểm cụ thể mà thôi.

Với những lợi ích phụ thuộc lẫn nhau như vậy, dù không thể hiện qua các tuyên bố chung nhưng dư luận dự đoán, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến thăm lần này đã có những thỏa thuận ngầm nhằm giảm căng thẳng. Đó có thể là sự giảm bớt kế hoạch vũ trang cho người Kurd ở Syria của Mỹ, hay một sự nhượng bộ nào đó từ phía Thổ Nhĩ Kỳ cho Mỹ tại Trung Đông.

Thế nhưng theo giới quan sát, các bước đi hạ nhiệt dù thế nào cũng chưa thể nhanh chóng hàn gắn những rạn nứt sâu sắc giữa hai bên thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ vẫn muốn giữ các mục tiêu chiến lược riêng. Còn Thổ Nhĩ Kỳ, nước này vẫn là một trung tâm địa chính trị tại Trung Đông mà nhiều nước đang muốn “tận dụng” để tranh giành ảnh hưởng.

Phương Hoa

TIN LIÊN QUAN

Tin mới