Mỹ thúc đẩy thỏa thuận chống biến đổi khí hậu trước khi Trump nhậm chức

(Baonghean.vn) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết chính quyền Obama sẽ làm mọi thứ có thể để thực hiện thỏa thuận toàn cầu nhằm chống lại sự biến đổi khí hậu trước khi Donald Trump nhậm chức.

Lời phát biểu trên được ông Kerry đưa ra trong chuyến thăm New Zealand trước khi diễn ra Hội nghị lần thứ 22 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP22) với sự tham dự của đại diện gần 200 quốc gia tại Marrakesh, Maroc.

Tại sự kiện này, các nước sẽ tập trung thảo luận các điểm chính của Hiệp định Paris, cũng như các chính sách công nghệ và tài chính cần thiết nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu của văn kiện này.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trao đổi với nhà khoa học New Zealand về biến đổi khí hậu vào ngày 12/11. Ảnh: Reuters.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trao đổi với nhà khoa học New Zealand về biến đổi khí hậu vào ngày 12/11. Ảnh: Reuters.

Ông Trump gọi việc nóng lên toàn cầu là một trò lừa bịp của Trung Quốc nhằm hạn chế sự cạnh tranh của các nhà sản xuất Mỹ. Ông cũng tuyên bố hủy bỏ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu bất chấp sự đồng thuận của Tổng thống Obama và Trung Quốc. Ngoài ra, vị Tổng thống mới của nước Mỹ sẽ ngừng chi trả cho các chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc.

Ông Kerry từ chối đưa ra suy đoán về những gì Trump có thể làm đối với Hiệp định Paris và lưu ý rằng đôi khi có sự khác biệt giữa chiến dịch vận động tranh cử và sự điều hành trên thực tế. 

"Cho đến khi chính quyền Tổng thống Obama kết thúc vào ngày 20/1, chúng tôi dự định sẽ làm mọi thứ có thể để làm tròn trách nhiệm của mình đối với các thế hệ tương lai, nhằm giải quyết các mối đe dọa cuộc sống trên hành tinh", Kerry nói. 

Hiệp định Paris được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) diễn ra tại Paris, Pháp hồi tháng 12 năm ngoái, trong đó quy định một loạt biện pháp về bảo vệ khí hậu nhằm giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu trong phạm vi 1,5-2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Gần 200 quốc gia đã tham gia Hiệp định Paris và đã được 55 nước phê chuẩn, đại diện cho 55% tổng lượng khí thải toàn cầu, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, Brazil và Liên minh châu Âu (EU).

Phương Thảo

(Theo Reuters) 

TIN LIÊN QUAN

Tin mới