Mỹ tìm cách gia tăng sức ép với Triều Tiên

(Baonghean) - Chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chiến lược an ninh mới, trong đó nhấn mạnh “phải xử lý vấn đề Triều Tiên vì không còn lựa chọn nào khác”, hàng loạt bước đi đã được Mỹ tiến hành nhằm gia tăng tối đa áp lực lên Triều Tiên. Nhưng những bước đi này có thể mang lại tác dụng như thế nào vẫn là câu hỏi khiến dư luận băn khoăn. 

Mỹ “không chấp nhận rủi ro”

Trong một động thái nhằm siết chặt các lệnh trừng phạt với Triều Tiên, hôm 19/12, Mỹ đã yêu cầu Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc đưa vào danh sách đen 10 tàu chở hàng do đã vận chuyển các hàng hóa bị cấm từ Triều Tiên. Theo đó, các tàu trong danh sách đen sẽ bị cấm cập cảng ở tất cả các nước trên thế giới. Biện pháp này là để thực hiện triệt để phương châm mà cộng đồng quốc tế đang theo đuổi, đó là làm suy kiệt các nguồn lực cho chương trình quân sự của Triều Tiên, buộc nước này ngồi vào bàn đàm phán. 

Tổng thống Donald Trump tuyên bố phải “xử lý vấn đề Triều Tiên vì không còn lựa chọn nào khác”.	Ảnh: Reuters
Tổng thống Donald Trump tuyên bố phải “xử lý vấn đề Triều Tiên vì không còn lựa chọn nào khác”. Ảnh: Reuters


Quan điểm này cũng một lần nữa được Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định trong cuộc gặp cùng ngày với Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland, rằng Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các lệnh trừng phạt chặt chẽ hơn và sẽ không bao giờ gỡ bỏ cho tới khi Mỹ xác nhận được Triều Tiên đồng ý từ bỏ các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân. Để đẩy mạnh thực hiện mục tiêu này, Mỹ và Canada sẽ chủ trì một hội nghị quốc tế về Triều Tiên tại Vancouver vào ngày 16/1 tới đây.

Với sự tham dự của Ngoại trưởng nhiều nước, hội nghị sẽ thảo luận về cách thức nâng cao hiệu quả các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Triều Tiên. Việc thông báo về hội nghị này được đưa ra cùng thời điểm Nhà Trắng chính thức cáo buộc chính quyền Triều Tiên đứng đằng sau vụ tấn công mạng quy mô lớn hồi tháng 5 làm tê liệt hàng trăm nghìn máy tính trên toàn cầu.

Từ trước đến nay, chính quyền Mỹ hiếm khi công khai cáo buộc các cá nhân hay tổ chức nào trong các cuộc tấn công mạng, vì vậy động thái lần này được xem như “chiêu bài tâm lý” của Mỹ để cộng đồng quốc tế nhìn nhận rõ hơn về sự nguy hiểm của Triều Tiên, “dọn đường” cho những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn sẽ được thảo luận tại hội nghị vào 16/1 tới. 

Giới quan sát nhận định, việc Mỹ đẩy mạnh gia tăng sức ép lên Triều Tiên cho thấy Mỹ thực sự sốt ruột trước những tiến bộ nhanh chóng mà Triều Tiên đạt được gần đây trong chương trình hạt nhân và tên lửa. Sau vụ phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo theo phương thẳng đứng vào ngày 29/11 vừa qua, các thông tin tình báo của Mỹ xác nhận đang có nhiều “hoạt động bất thường” ở bãi thử Punggye-ri, cho thấy nhiều khả năng Triều Tiên sắp sửa tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân nữa.

Một số trang tin về vũ khí quân sự mới đây còn tiết lộ Triều Tiên đang phát triển một loại tên lửa mới có tên Juche Bird mang đầu đạn hạt nhân, có khả năng giết chết hàng triệu người khi tiếp cận mục tiêu. Mỗi một vụ thử được tiến hành đồng nghĩa với việc Triều Tiên lại tiến thêm một bước tới gần cái đích sở hữu tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng chạm tới lãnh thổ Mỹ.

Trong khi đó, Mỹ từng nhiều lần khẳng định không chấp nhận cùng tồn tại với một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân như Triều Tiên. Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng McMaster hôm 19/12 cũng cho biết, với sự thù địch của Triều Tiên, đây là rủi ro quá lớn mà Mỹ không thể chấp nhận. 

Ông Kim Jong-un được cho là chỉ chấp nhận đàm phán sau khi hoàn thành mục tiêu sở hữu vũ khí hạt nhân. Ảnh: BBC
Ông Kim Jong-un được cho là chỉ chấp nhận đàm phán sau khi hoàn thành mục tiêu sở hữu vũ khí hạt nhân. Ảnh: BBC

Loay hoay nghĩ kế

Trước tuyên bố của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ McMaster, dư luận từ lâu đã biết rằng việc Triều Tiên sở hữu tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng chạm tới lãnh thổ Mỹ là một “cơn ác mộng” đối với Mỹ. Nhưng điều quan trọng là dù đã sử dụng mọi biện pháp - nặng có, nhẹ có, đe dọa có, xoa dịu có, nhưng Mỹ vẫn chưa thể tìm ra cách để loại bỏ rủi ro mà Mỹ cho rằng “không thể chấp nhận” này. 

Đàm phán từng được nhiều lần nhắc đến như là giải pháp khả thi duy nhất để giải quyết vấn đề Triều Tiên. Thế nhưng, không có một dấu hiệu nào từ cả hai phía Mỹ và Triều Tiên cho thấy một cuộc đàm phán như vậy có thể diễn ra ở thời điểm này. Gần đây nhất, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã nhấn mạnh Triều Tiên phải chấm dứt cách hành xử đe dọa trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu. Giới phân tích nhìn nhận tuyên bố này giống như việc Mỹ mở một cánh cửa mà chắc chắn Triều Tiên sẽ không bao giờ đồng ý bước qua.

Trong khi đó, nhiều nhân vật theo đường lối cứng rắn trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho rằng Mỹ không còn thời gian để “nói chuyện” với Triều Tiên nữa khi chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đã đạt được tiến bộ như hiện tại. Ở phía bên kia, Triều Tiên cũng không hào hứng gì với các đề xuất đàm phán khi tuyên bố lập trường theo đuổi các loại vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không hề thay đổi cho dù Mỹ đề nghị đối thoại có điều kiện tiên quyết hay không. 

Kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chiến lược an ninh mới, đã xuất hiện nhiều đồn đoán về khả năng ông Donald Trump có quyết định tấn công Triều Tiên. Giới phân tích đã so sánh cách hành xử của ông Donald Trump với cựu Tổng thống George Bush trước thời điểm ra lệnh kích hoạt cuộc chiến tranh Iraq hồi năm 1991.

Lập luận được đưa ra là “những ồn ào ở Nhà Trắng dưới thời Donald Trump hiện nay cũng giống như giai đoạn trước khi chính quyền George Bush tấn công Iraq”, vì vậy không loại trừ khả năng ông Donald Trump sẽ làm điều tương tự với lý do phá hủy kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Những đồn đoán này ngày càng lan rộng khi Cố vấn An ninh quốc gia McMaster mới đây khẳng định Mỹ sẵn sàng dùng vũ lực để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Dù không ai có thể dự đoán thời điểm mà ông Donald Trump đưa ra một quyết định như vậy, nhưng nhiều người cho rằng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên là một nguy cơ có thực chứ không đơn giản là những lời đe dọa “mạnh miệng” của ông Donald Trump. 

Cho đến thời điểm này, Mỹ vẫn đang hy vọng sức ép gia tăng lên Triều Tiên có thể buộc nước này dừng chương trình hạt nhân và tên lửa. Nhưng thực tế diễn ra trong thời gian qua cho thấy, khó có khả năng trông đợi Triều Tiên từ bỏ mục tiêu mà nước này đã theo đuổi qua 3 đời lãnh đạo. Bởi vậy, nếu Mỹ kiên quyết phải “xử lý vấn đề Triều Tiên vì không còn lựa chọn nào khác”, tình hình bán đảo Triều Tiên hiện nay có lẽ không khác gì “thùng thuốc súng trực chờ phát nổ”. 

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN

Tin mới