Mỹ trừng phạt Nga: “Không ngạc nhiên nếu Moskva triệu hồi đại sứ”

(Baonghean.vn) - Theo RT ngày 10/8, các chuyên gia phân tích cho rằng những đòn trừng phạt mới nhất của Washington không trừ chỗ cho một phản ứng mang tính xây dựng từ phía Moskva. Tuy vậy, có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh mức độ tác động của các biện pháp này đến các quan hệ giữa 2 quốc gia.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RT
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: RT

Các chuyên gia mà RT phỏng vấn đều chỉ trích việc áp đặt các biện pháp trừng phạt, trên danh nghĩa là do vụ cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học đầu độc cựu điệp viên Skripal tại Anh hồi tháng 3. Theo đó, Nga sẽ bị trừng phạt bởi nhóm các biện pháp đầu tiên từ ngày 22/8, và có 90 ngày để bảo đảm với Mỹ rằng nước này sẽ không triển khai vũ khí hóa học nữa, đồng thời mở cửa các cơ sở sản xuất hóa học của mình cho các thanh sát viên quốc tế.

Vấn đề là, Nga đã phủ nhận sử dụng vũ khí hóa học ngay từ đầu và khẳng định nước này đã hủy kho dự trữ theo các hiệp ước quốc tế. “Nga không thể thừa nhận điều mình không làm. Chuyện đó như thể Mỹ đang yêu cầu Nga, ‘Cho chúng tôi thấy người tuyết Yeti của các anh’ và nếu anh không làm vậy chúng tôi sẽ trừng phạt anh. Thực tế là không có cái gì để cho họ thấy cả”, Vladimir Kornilov - chuyên gia phân tích chính trị cho hãng thông tấn RIA khẳng định.

“Cách Mỹ đặt ra các điều kiện bỏ trừng phạt - rằng chúng rôi sẽ bỏ chúng nếu anh thừa nhận những lỗi lầm và hối cải - đáng xấu hổ và khó có thể chấp nhận đến nỗi bất kỳ phản ứng nào đưa ra cũng phải rất cứng rắn”, Andrey Kortunov - Tổng Giám đốc Hội đồng Các vấn đề Quốc tế của Nga nêu quan điểm.

Leonid Polyakov, làm việc tại Đại học Kinh tế Moskva, cho biết Washington phải nhận thức được rằng Điện Kremlin sẽ không bao giờ chấp thuận những điều kiện của nước này, vì thế việc đưa chúng ra ngay từ đầu là một điệu bộ vô giá trị trong ngoại giao.

“Về mặt lịch sử, dưới thời ban lãnh đạo hiện nay Nga không bao giờ có thể làm 2 điều. Nước này không bao giờ có thể thay đổi các lập trường đã được tuyên bố chính thức về các vấn đề và các vụ việc quốc tế - chẳng hạn vụ Skripal. Nga sẽ không quay lại và nói ‘Xin lỗi, chúng tôi thực sự đã đầu độc ông ta’”, chuyên gia này nói.

“Và thứ hai, Vladimir Putin sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ sự nhượng bộ đơn phương nào. Bất kỳ đề nghị nào Moskva đưa ra trước đó luôn dựa trên cơ sở đối ứng”, Polyakov chỉ ra.

Mỹ “chứng minh ai là ông chủ” hay lấy lòng người dân?

Cả 3 chuyên gia nói trên đều nhất trí rằng không những các biện pháp trừng phạt sẽ bị phản đối, mà chúng còn không có khả năng gây bất kỳ tác động trực tiếp nào đối với các chính sách quốc tế của Nga hay triển vọng kinh tế của nước này.

Vậy tại sao lại thực thi chúng?

Kortunov cho rằng đây là nỗ lực nhằm giành lại uy tín trên trường quốc tế, nhất là sau khi Mỹ thất bại trong việc áp đặt ý chí của mình tại Syria, làm xấu đi các quan hệ với châu Âu và Trung Quốc, và điều được cho là sự mềm mỏng của Trump trong đàm phán với Putin tại Helsinki hồi tháng trước.

“Đây là nỗ lực nhằm đưa ra tuyên bố từ giới cầm quyền Mỹ - để thể hiện ai là ông chủ trong các hoạt động chính trị quốc tế. Trong 2 hay 3 năm qua, vai trò tổng tư lệnh các vấn đề thế giới của Mỹ đã bị hoài nghi, và Nga đã được chọn là kẻ giơ đầu chịu báng khi Washington cố gắng giành lại quyền kiểm soát”, Kortunov nói.

Với Polyakov, đây hoàn toàn là việc “tỏ ra cứng rắn về vấn đề Nga” trước thềm các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào tháng 10 tới. “Những người thúc đẩy các biện pháp trừng phạt này không nhận thức được các hậu quả mang tầm quốc tế. Trước hết, họ bị thôi thúc bởi khao khát chiều lòng khán giả trong nước, nhất là khi các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra. Thể hiện rằng mình không mắc nợ Nga là một động thái vận động tranh cử”, ông nói.

Giáo sư khoa học chính trị này nói thêm rằng sự thiếu ý tưởng về việc làm thế nào kiềm chế một nước Nga quả quyết đang đẩy giới chức Mỹ đến chỗ nhấn nút trừng phạt hết lần này lượt khác.

“Như người ta thường nói, khi không biết phải làm gì, hãy làm điều mình biết. Tình hình quốc tế đang ở lúc không ai có thể kỳ vọng rút lui mà không chịu tổn thất. Ai cũng biết rằng trừng phạt không có hiệu quả. Nhưng nó là một công cụ đơn giản, dễ hiểu, và là thứ được Mỹ sử dụng rộng rãi trước đây. Đến nay nó gần như là một phản ứng mang tính phản xạ”.

Tuy nhiên, Kornilov tin rằng các biện pháp trừng phạt không chỉ là lá chắn cho giới cầm quyền, mà còn là một vũ khí tấn công. Ông nói: “Rõ ràng đó không phải là vụ cha con nhà Skripal, đó là chuyện gì đó khác. Trừng phạt đã trở thành công cụ trong các cuộc chiến kinh tế và thương mại, và không ai còn muốn giấu diếm điều này”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tình thế có xấu đi?

Vì sự thù địch giữa Moskva và Washington đang ở mức cao thời hậu chiến, Polyakov cho rằng sẽ không thực tế nếu 2 siêu cường hạt nhân tiếp tục leo thang các căng thẳng.

“Bất kỳ đề xuất hạ cấp quan hệ ngoại giao nào cũng có thể mang tính biểu tượng nhiều hơn tính thực tế, bởi có sự liên hệ liên tục giữa Moskva và Washington không thông qua các kênh ngoại giao, mà trực tiếp giữa các cơ quan chính phủ, chẳng hạn như tại Syria”, ông nói, đề cập đến đường dây nóng quân sự cho phép 2 nước cùng hoạt động trong cuộc xung đột đang diễn ra tại đó.

Kortunov tỏ ra kém lạc quan hơn. “Tôi sẽ không cảm thấy ngạc nhiên nếu Đại sứ Nga tại Washington bị triệu về nước như biện pháp đối ứng”, ông cho biết, nói thêm rằng điều này có thể làm nổ tung mọi kế hoạch dự kiến giữa 2 nước bàn thảo tại thượng đỉnh Helsinki.

Nhưng Vladimir Kornilov không chỉ quan ngại về những bước đi của Bộ Ngoại giao Mỹ, mà còn về một sáng kiến lập pháp mới được đề xuất nhằm ngăn các ngân hàng Nga giao dịch với các đối tác Mỹ, và các kế hoạch nhằm đưa quốc gia này vào diện bảo trợ khủng bố.

“Điều này không chỉ khiến các quan hệ xấu đi, mà sẽ tương ứng với sự đổ vỡ các quan hệ ngoại giao giữa Moskva và Washington. Nó sẽ vượt khỏi ranh giới có thể chấp nhận. Tôi hy vọng người Mỹ suy nghĩ hợp lý và lùi bước thoát khỏi bờ vực này”, chuyên gia phân tích nhấn mạnh.

Tin mới