Mỹ tuyên bố có bằng chứng Iran dùng thủy lôi tấn công tàu dầu ở Vịnh Oman

Mỹ đang giữ video và hình ảnh cho thấy một tàu hải quân Iran gỡ thủy lôi chưa phát nổ từ tàu dầu Kokura Courageous để "hủy bằng chứng".
Mỹ tuyên bố có bằng chứng Iran dùng thủy lôi tấn công tàu dầu ở Vịnh Oman ảnh 1

Tàu dầu bốc cháy sau khi bị tấn công ở Vịnh Oman hôm 13/6. Ảnh: ISNA.

Bốn quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên hôm 13/6 nói với CNN rằng một máy bay quân sự Mỹ đã quay lại video cho thấy một tàu hải quân Iran di chuyển dọc theo Kokura Courageous, một trong hai tàu dầu bị tấn công ở Vịnh Oman, và tháo gỡ một quả thủy lôi chưa phát nổ từ thân tàu.

Những quan chức này nói rằng hình ảnh cũng cho thấy một người trên tàu Iran đang cầm quả thủy lôi. Tàu Iran thực hiện hành động này thậm chí sau khi tàu khu trục USS Bainbridge, cũng như máy bay không người lái và máy bay tuần thám P-8 của Mỹ tới hiện trường trong 4 giờ. 

Quan chức quốc phòng Mỹ tin rằng những người Iran khi đó đang tìm cách che giấu bằng chứng về sự liên quan của họ trong vụ tấn công. Hiện chưa rõ những hình ảnh và video này có được công bố hay không.

Một quan chức khác nói rằng nhiều tàu nhỏ của Iran đã xuất hiện ở hiện trường, nơi USS Bainbridge hiện diện, khiến Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ phát cảnh báo: "Chỉ được dung thứ nếu không can thiệp vào USS Bainbridge hoặc nhiệm vụ của nó".

Tàu chở dầu Kokura Courageous treo cờ Panama và thuộc sở hữu của một công ty Nhật Bản bị tấn công hai lần khi đang trên đường tới Singapore, khiến nó bốc cháy và bị hư hại nghiêm trọng. 21 thủy thủ người Philippines sơ tán bằng thuyền cứu sinh và được tàu Coastal Ace gần đó giải cứu, trước khi được tàu khu trục USS Bainbridge của Mỹ đón. Một người bị thương nhẹ, trong khi Kokura Courageous đang trôi dạt trên biển.

Tàu chở dầu thứ hai bị tấn công là Front Altair mang cờ Quần đảo Marshall và thuộc sở hữu của công ty Frontline, Na Uy. Tàu bốc cháy sau khi bị tấn công và thủy thủ đoàn được tàu chở hàng Hàn Quốc Hyundai Dubai đang hoạt động gần đó giải cứu.

Thủy thủ đoàn trên tàu Front Altair gồm 11 người Nga, một người Georgia và 11 người Philippines sau đó được chuyển lên tàu hải quân Iran. Công ty Quản lý Tàu dầu Quốc tế (ITM) sở hữu Front Altair cho biết toàn bộ thủy thủ đều an toàn và được hải quân Iran đưa về thành phố cảng Bandar Abbas.

Vị trí hai tàu chở dầu bị tấn công ở Vịnh Oman hôm 13/6. Đồ họa: CNN.
Vị trí hai tàu chở dầu bị tấn công ở Vịnh Oman hôm 13/6. Đồ họa: CNN.
 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Iran tấn công hai tàu chở dầu, nói rằng đánh giá này dựa trên thông tin tình báo, nhưng không đưa ra bằng chứng nào. Bộ Ngoại giao Anh và Arab Saudi đều đồng tình với nhận định của Mỹ, trong khi Iran gọi đây là "cáo buộc vô lý" và lên án mạnh mẽ vụ tấn công. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif mô tả các vụ nổ là "đáng ngờ" và kêu gọi đối thoại giữa các nước trong khu vực.

Một quan chức cấp cao của Nga trước đó cảnh báo không nên đưa ra kết luận vội vàng về sự cố hoặc đổ lỗi cho Iran. Nga cho rằng không nên sử dụng vụ tấn công làm lý do để gia tăng áp lực với Iran. "Chúng tôi phản đối hành động vội vàng kết luận và đổ lỗi cho những nước chúng ta không ưa", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho hay.

Tin mới