Năm 2021, giá trị sản xuất thủy sản của Nghệ An đạt trên 2.100 tỷ đồng

(Baonghean.vn) - Năm 2021, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Nghệ An đạt hơn 63.000 tấn, giá trị sản xuất thủy sản trong năm ước đạt trên 2.100 tỷ đồng, bằng 107,89% so với năm 2020.
Sáng 8/1, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết nuôi trồng thủy sản năm 2021 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2022. Đồng chủ trì có các đồng chí: Trần Xuân Học - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; Nguyễn Chí Lương - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Xuân Hoàng
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Xuân Hoàng

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, năm 2021, trong bối cảnh thời tiết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến sản xuất giống cũng như nuôi thương phẩm ở tất cả các hình thức nuôi. 

Tuy nhiên, diện tích nuôi trồng thủy sản của Nghệ An đạt 23.046 ha, bằng 107,19% so với kế hoạch và bằng 107,31% so với năm 2020. Trong đó, diện tích nuôi nước ngọt đạt 20.396 ha, diện tích nuôi mặn lợ đạt 2.650 ha.

Thu hoạch tôm nuôi mặn lợ ở xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu. Ảnh: Xuân Hoàng
Thu hoạch tôm nuôi mặn lợ ở xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu. Ảnh: Xuân Hoàng

Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 63.000 tấn, bằng 109,41 % so với năm 2020. Trong đó, sản lượng nuôi nước ngọt đạt 49.800 tấn, nuôi mặn, lợ đạt 13.484 tấn. Sản xuất, ương dưỡng tôm giống đạt 2 tỷ 457 triệu con, bằng 116,5% so với năm 2020. Sản xuất cá giống các loại đạt 680 triệu con, bằng 100% so với năm 2020.

Giá trị sản xuất thủy sản trong năm ước đạt trên 2.100 tỷ đồng, bằng 107,89% so với năm 2020.

Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản được nông dân áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao như nuôi tôm theo nhiều giai đoạn ở thị xã Hoàng Mai, huyện Diễn Châu; các mô hình nuôi ốc bươu đen, cá lóc, lươn... ở các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu.

Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng nhận thấy, hiệu quả sản xuất nuôi trồng thủy sản chưa cao, đặc biệt trong nuôi tôm và cá rô phi thương phẩm. Do bệnh trên động vật thủy sản thường xuyên xảy ra; một số hộ nuôi chưa tuân thủ nghiêm túc trong công tác khai báo bệnh, dập dịch khử trùng, tiêu độc trước và sau khi bệnh xảy ra; hạ tầng cơ sở bị xuống cấp, một số vùng nuôi hệ thống kênh cấp đã bị bồi lắng và chưa có kênh cấp, thoát nước riêng biệt...

Những năm gần đây, nhiều nông dân ở Yên Thành, Anh Sơn... đầu tư nuôi ốc bươu đen mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thái Hiền
Những năm gần đây, nhiều nông dân ở các huyện Yên Thành, Anh Sơn... đầu tư nuôi ốc bươu đen mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh tư liệu: Thái Hiền

Tham luận tại hội nghị, đại diện các địa phương, tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản đề nghị ngành chức năng tăng cường hỗ trợ tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho đồng bào vùng cao. Các cấp, ngành quan tâm kêu gọi thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhất là các đối tượng nuôi mới, gắn với chế biến, tiêu thụ. Xây dựng trại sản xuất cá giống trên địa bàn huyện vùng cao. Tạo điều kiện cho các cá nhân, tập thể thuê đất kéo dài nhiều năm để đầu tư nuôi thủy sản.

Năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đặt mục tiêu mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản 21.500 ha. Trong đó, diện tích nuôi ngọt 19.000 ha; nuôi mặn lợ 2.500 ha; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 63.000 tấn; sản xuất tôm giống: 2 tỷ 400 triệu con; sản xuất cá giống các loại: 850 triệu con.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục chỉ đạo một cách quyết liệt để hoàn thành kế hoạch. Trong đó, tập trung áp dụng công nghệ nuôi để tăng sản lượng nuôi trồng; phát triển các thủy đặc sản trên mặt hồ nước lớn. Đối với nuôi mặn lợ, tập trung đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng.

Sở Nông nghiệp và PTNT tặng Giấy khen cho các cá nhân. Ảnh: Xuân Hoàng
Sở Nông nghiệp và PTNT tặng Giấy khen cho các cá nhân. Ảnh: Xuân Hoàng

Dịp này, Sở Nông nghiệp và PTNT tặng Giấy khen cho 4 tập thể, 11 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phát triển nuôi trồng thủy sản năm 2021./.

Tin mới