Nam Đàn: Kinh phí cho hoạt động thể thao rất khó khăn

(Baonghean.vn) - Nguồn ngân sách cho các giải thi đấu; chế độ, chính sách cho huấn luyện viên, vận động chưa đáp ứng yêu cầu và công tác xã hội hóa gặp khó khăn.

Đó là nội dung được nêu ra tại cuộc làm việc của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh với huyện Nam Đàn chiều 9/4 theo chương trình giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với hoạt động thể thao.

Bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc
Bà Nguyễn Thị Lan - Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Minh Chi

Theo báo cáo của huyện, từ năm 2013 - 2016, số người được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù theo Nghị quyết số 41/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh gồm 70 huấn luyện viên và 320 vận động viên; tổng kinh phí thực hiện là 425 triệu đồng. Việc thực chế độ chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao theo Nghị quyết số 63/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh trên địa bàn huyện là 691 triệu đồng cho 38 giải thi đấu thể thao và đại hội thể dục thể thao cấp huyện.

Ngoài ra, chế độ cấp phát trang thiết bị tập luyện cho huấn luyện viên, vận động viên theo Nghị quyết số 11/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh cũng được huyện triển khai thực hiện đầy đủ. Có thể khẳng định, thông qua các Nghị quyết của HĐND tỉnh về chế độ, chính sách đối với hoạt động thể thao đã tạo cơ sở pháp lý, nguồn kinh phí đảm bảo để thu hút, động viên các nhân tố tham vào các hoạt động tập luyện và thi đấu thể dục, thể thao cấp huyện và tỉnh; đồng thời đảm bảo cơ sở chi tiêu tài chính đối với các giải thi đấu thể thao.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh quan điểm, trong điều kiện ngân sách dành cho thể dục, thể thao hạn chế, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh xã hội hóa trong thời gian tới
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn nhấn mạnh: trong điều kiện ngân sách dành cho thể dục, thể thao hạn chế, huyện sẽ tập trung đẩy mạnh xã hội hóa trong thời gian tới. Ảnh: Minh Chi

Tuy nhiên vấn đề nổi lên là nguồn kinh phí tổ chức các giải thi đấu và chế độ, chính sách cho huấn luyện viên, vận động viên từ nguồn ngân sách chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Công tác xã hội hóa cho lĩnh vực này chưa được thực hiện, do Nam Đàn chưa có nhiều doanh nghiệp; đời sống phần đông người dân phụ thuôc vào nông nghiệp.

Theo ông Trần Hữu Giáp - Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Nam Đàn: Bình quân mỗi năm, huyện tham gia 8 - 10 giải thể dục thể thao cấp tỉnh và 10 - 12 giải cấp huyện. Trong khi đó kinh phí phân khai cho hoạt động thể dục thể thao bình quân mỗi năm là 100 - 150 triệu/năm thì chỉ tham gia các giải ở cấp tỉnh là hết rồi. Từ thực tiễn đặt ra, ông Giáp kiến nghị HĐND tỉnh cần nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung, nâng chế độ, chính sách đối với hoạt động thể thao phù hợp với sự phát triển chung của xã hội.

Đề cập đến giải pháp của huyện Nam Đàn, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện, nhấn mạnh quan điểm của huyện trong điều kiện ngân sách hạn chế thì cần phải đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động lĩnh vực thể dục thể thao, đảm bảo vừa đủ kinh phí cho các hoạt động thể dục, thể thao và chế độ cho huấn luyện viên, vận động viên. Song thực tế hiện tại công tác này vẫn chưa thực hiện được, do hạ tầng còn kém và chưa có hoạt động thể thao nào thu được nguồn để phục vụ trở lại; mặc dù đã có một số tổ chức, cá nhân muốn đầu tư vào lĩnh vực này nhưng hiện tại việc lựa chọn địa điểm và thủ tục thuê đất đang phức tạp.

Đoàn công tác của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại đình Hoành Sơn
Đoàn công tác của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại đình Hoành Sơn. Ảnh: Minh Chi

Ghi nhận những nỗ lực của huyện Nam Đàn trong thực hiện chế độ, chính sách cho hoạt động thể  thao theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh, bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm công tác quản lý về hoạt động thể thao cũng như bổ sung nguồn ngân sách cho hoạt động này. Chú trọng khai thác, sử dụng hết công năng các cơ sở thể thao hiện có từ huyện đến xã và khối, xóm; đồng thời quan tâm đầu tư xây dựng các công trình thuộc Trung tâm văn hóa - thể thao huyện, gồm nhà thi đấu đa chức năng, sân vận động, bể bơi, nhất là cơ sở vật chất đảm bảo tổ chức và thu hút các hoạt động cho thiếu nhi.

Bà Nguyễn Thị Lan cũng cho rằng, bên cạnh tổ chức các giải ở cấp huyện thì cũng cần chú trọng thu hút nhiều đối tượng tham gia hơn... Về thể thao thành tích cao cần quan tâm điều kiện cơ sở vật chất, phối hợp mở các lớp nghiệp vụ nhằm đa dạng các bộ môn, đóng góp vào thành tích chung của tỉnh...

Về công tác quản lý Nhà nước đối với các di tích lịch sử, đoàn giám sát đề nghị huyện cần có quy định cụ thể hơn trong việc quản lý các di tích và có chính sách tu bổ các di tích trên địa bàn. Tăng cường tuyên truyền, quảng bá về các di tích cũng như đảm bảo an toàn, chống xuống cấp và đảm bảo giá trị của các di tích trên địa bàn./.

Minh Chi

TIN LIÊN QUAN

Tin mới