Nam sinh Nghệ An lý giải việc chọn gói 40 điểm sau khi lỡ hẹn với chung kết Olympia

(Baonghean.vn) - Xuân Phương cho rằng, trong thời điểm đó lựa chọn của em là hoàn toàn đúng và không hề chủ quan hay khinh địch.

“Lựa chọn hợp lý”

Ngay sau khi cuộc thi quý II - Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19 phát sóng vào chiều 10/3, không ít khán giả đã bày tỏ sự tiếc nuối đối với Nguyễn Xuân Phương - nam sinh đến từ Trường THPT Chuyên Đại học Vinh. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, nam sinh xứ Nghệ đã chủ quan, khinh địch trong phần thi Về đích khi chỉ chọn gói câu hỏi 40 điểm.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nghệ An, Xuân Phương cho hay, em rất buồn khi đọc được những ý kiến này. “Em không hề chủ quan hay "khinh địch". Đến bây giờ em vẫn cho rằng trong thời điểm đó, em chọn gói câu hỏi 40 điểm là hợp lý”, Phương nói.

Nguyễn Xuân Phương trở về góc học tập quen thuộc sau thời gian
Nguyễn Xuân Phương trở về góc học tập quen thuộc sau thời gian "gây sốt" tại chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Ảnh: Tiến Hùng

Cũng như trong các cuộc thi tuần và tháng, Nguyễn Xuân Phương khá tự tin khi bước vào cuộc thi Quý II để chọn ra gương mặt tiếp tục vào chung kết Olympia năm thứ 19. Không ít người kỳ vọng, sẽ có thêm một cầu truyền hình trực tiếp nữa ở Nghệ An trong cuộc thi chung kết khi trước đó, Trần Thế Trung - Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (TP Vinh), đã xuất sắc giành được vòng nguyệt quế trong cuộc thi Quý I.

Đặc biệt là tại cuộc thi quý II này, Xuân Phương hoàn thành khá tốt các phần thi của mình. Trước câu hỏi cuối cùng của cuộc thi, thậm chí Phương đang là người dẫn đầu và hơn người đứng thứ 2 tới 40 điểm. 

Kể về những phút chót đầy gay cấn này, Phương cho hay, trước khi thực hiện phần thi Về đích, cậu đang dẫn đầu và hơn Nguyễn Hải Đăng 10 điểm. “Em nghĩ điều quan trọng nhất đối với thí sinh lúc đó là tâm lý. Có 2 lý do để em chọn gói câu hỏi 40 điểm. Thứ nhất là em ý thức được điểm yếu của mình ở môn Tiếng Anh và Hóa học. Nếu chọn gói câu hỏi 60 điểm hay 80 điểm, gặp mấy câu hỏi đó em không tự tin”, Phương nói.

Nguyên nhân thứ 2, Phương cho rằng, em chọn gói 40 điểm là đủ để gây áp lực cho Hải Đăng trước khi nam sinh quê Khánh Hòa này thực hiện phần thi Về đích của mình ngay sau đó. “Lúc đó em đang nhiều hơn Hải Đăng 10 điểm, nếu em làm tốt phần thi của mình thì khoảng cách giữa em và bạn ấy sẽ là 50 hoặc 60 điểm. Và đúng là em đã làm tốt khi kết thúc phần thi với khoảng cách 50 điểm so với Hải Đăng, đủ để gây áp lực cho bạn ấy thi ngay sau em. Và em nghĩ là Hải Đăng đã thật sự áp lực khi không trả lời được câu hỏi thứ 2 về Toán học. Trong câu hỏi này, em cũng đã tính ra nhưng chỉ tiếc không quyết đoán để rồi bấm nút trả lời muộn một chút”, Phương kể.

Bạn học cùng ra Hà Nội cỗ vũ cho Phương. Ảnh: NVCC
Bạn học cùng ra Hà Nội cổ vũ cho Phương. Ảnh: NVCC

Lỡ hẹn ở phút chót

Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia quý II với sự góp mặt của 4 nhà leo núi đến từ các tỉnh, thành khác nhau. Ngoài Xuân Phương còn có Nguyễn Huỳnh Sang (THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định); Phùng Trọng Nghĩa (THPT chuyên Thăng Long, Lâm Đồng) và Nguyễn Hải Đăng (THPT chuyên Lê Quý Đôn, Khánh Hòa). Nhờ việc lập kỷ lục ở cuộc thi tuần, Xuân Phương tiếp tục nhận được nhiều sự chú ý của khán giả.

Xuân Phương hoàn thành khá tốt phần thi Khởi động với 80 điểm, kém người đứng đầu là Nguyễn Hải Đăng 10 điểm. Bước sang phần thi Vượt chướng ngại vật, cũng như cuộc thi tháng trước đó, Xuân Phương xuất sắc giải được từ khóa và tạm thời vươn lên dẫn đầu với 130 điểm.

Tại phần thi Tăng tốc, Xuân Phương kiếm thêm được 90 điểm, nâng tổng số điểm lên 220 trước khi bước vào phần thi cuối cùng. Tuy nhiên, phần thi này cũng chứng kiến sự xuất sắc của 2 thí sinh khác là Huỳnh Sang và Hải Đăng. Trong khi Hải Đăng kiếm thêm được 110 điểm để san bằng điểm số với người đang dẫn đầu Xuân Phương thì Huỳnh Sang cũng bứt phá từ 80 điểm lên 200 để bám sát theo sau. Ngoài ra, trước khi thực hiện phần thi Về đích của mình, Xuân Phương còn “cướp” được 10 điểm sau khi trả lời đúng câu hỏi của người thi trước.

Phương kết thúc cuộc thi Quý với 270 điểm, kém người đứng đầu 20 điểm. Ảnh chụp màn hình
Phương tiếc nuối khi kết thúc cuộc thi Quý với 270 điểm, kém người đứng đầu 20 điểm. Ảnh chụp màn hình

Ở phần thi Về  đích, Nguyễn Hải Đăng là người thi cuối cùng. Lúc đó nam sinh này đang kém Xuân Phương 50 điểm. Cậu buộc phải chọn gói câu hỏi 60 điểm. Tại câu hỏi 10 điểm, Hải Đăng đã trả lời đúng. Tuy nhiên đến câu hỏi thứ 2 về Toán học, nam sinh Khánh Hòa đã không thể đưa ra đáp án, trong khi Xuân Phương lại bấm nút giành quyền trả lời không kịp.

Trước khi bước vào câu hỏi cuối cùng, Hải Đăng chỉ có 230 điểm, vẫn kém Xuân Phương đến 40 điểm. Hải Đăng quyết định chọn ngôi sao hy vọng. Nam sinh này sau đó trả lời đúng câu hỏi Tiếng Anh để giành thêm 60 điểm, lật ngược tình thế để giành vé vào vòng chung kết ở phút chót.

3 cuộc thi trong 2 ngày

Quê ở thị xã Thái Hòa, kết thúc THCS, Nguyễn Xuân Phương xa gia đình xuống TP Vinh để thuê nhà trọ. Cậu có bố là cán bộ biên phòng còn mẹ là giáo viên. Phương hiện là học sinh lớp chuyên Lý - 11A3 của THPT Chuyên Đại học Vinh. Là anh cả trong gia đình có 2 anh em, nhiều năm liền, Xuân Phương luôn có thành tích học tập cao.

“Mặc dù rất tiếc nuối khi không thể vào chung kết nhưng đối với em, được đi thi cuộc thi này đã là hạnh phúc lắm rồi. Không những thế em còn vào đến tận vòng này”, Phương nói và cho hay, cậu thích cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia từ khi còn rất nhỏ. “Em nhớ hồi đó em chỉ mới 5 hoặc 6 tuổi, mẹ em thường mở tivi xem chương trình này. Em rất ngưỡng mộ các anh chị qua màn ảnh, và ước mơ có một ngày được đứng ở trên đó”, nam sinh 17 tuổi cười nói.

Những năm theo học cấp 3 ở TP Vinh, Xuân Phương ở trọ một mình trong một căn nhà cấp 4 khá yên tĩnh ở phường Hưng Dũng. Trong suốt buổi trò chuyện với phóng viên, nam sinh này luôn tỏ ra khiêm tốn khi kể về mình. “Cho đến năm lớp 10, em vẫn nghĩ mình không đủ tài năng để đi thi, mặc dù rất muốn. Chỉ sau khi em gia nhập vào nhóm Olympia của trường, được các anh chị khóa trước chia sẻ kinh nghiệm và động viên, em mới đủ tự tin”, Phương kể.

Nguyễn Xuân Phương hiện là học sinh lớp 11A3 trường THPT Chuyên Đại học Vinh.
Nguyễn Xuân Phương hiện là học sinh lớp 11A3 trường THPT Chuyên Đại học Vinh.

Chia sẻ về “bí quyết học giỏi”, nam sinh lớp 11 này cho rằng, mỗi ngày ngoài thời gian trên lớp, về nhà cậu chỉ giành khoảng 2 tiếng cho việc học. “Em nghĩ để lưu giữ kiến thức tốt nhất, nên học bài vào những lúc tâm trạng thoải mái. Không cần giành quá nhiều thời gian học nếu miễn cưỡng. Những lúc không thoải mái, em không tập trung thì thường nghe nhạc, chơi game…”, Phương nói. Tại cuộc thi Olympia, Phương gây ấn tượng vì giải rubik sau 13 giây. Tuy nhiên, cậu chia sẻ, ở nhà có nhiều lần thậm chí em chỉ mất 8 giây để giải.

Nguyễn Xuân Phương cho hay, mặc dù không vào được chung kết nhưng trải qua 3 cuộc thi, em đã rút ra được cho mình nhiều bài học và quen được thêm nhiều bạn mới. “Bài học quan trọng nhất đối với em là sự quyết đoán và tự tin. Ngoài ra, phải cần bình tĩnh, không được nóng vội trong mọi hoàn cảnh”, Phương nói.

Phương chỉ có 2 ngày để trải qua 3 cuộc thi liên tục. Ảnh: NVCC
Phương chỉ có 2 ngày để trải qua 3 cuộc thi liên tục. Ảnh: NVCC

Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia quý II được phát sóng chiều 10/3, tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên, trên thực tế, cuộc thi này đã diễn ra từ trước đây gần 3 tháng. Do là người dự cuộc thi tuần cuối cùng của tháng và cũng là người dự cuộc thi tháng cuối cùng của quý nên Xuân Phương phải tham dự 3 cuộc thi tuần, tháng, quý chỉ trong 2 ngày.

Theo đó, sáng 16/12, Phương bước vào cuộc thi tuần và xuất sắc giành Vòng nguyệt quế đồng thời lập kỷ lục với số điểm tuyệt đối tại phần thi khởi động cũng như gây ấn tượng vì giải rubik trong vòng 13 giây. Gần như không có thời gian chuẩn bị, cũng trong tối hôm đó, cuộc thi tháng diễn ra và Phương tiếp tục xuất sắc chiến thắng. Nhất cuộc thi tháng xong, chưa kịp chia vui cùng bạn bè, đến chiều 17/12, Xuân Phương tiếp tục bước vào cuộc thi quý II. Tuy nhiên, kết quả các cuộc thi này được giữ kín cho đến ngày phát sóng.

Tin mới