Chủ nhân Huy chương vàng Hóa học thích được làm giáo viên

Tại Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2020, Phạm Trung Quốc Anh (Lớp 12A3 - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) đã xuất sắc mang về về tấm Huy chương Vàng đầu tiên cho “đất học” Nghệ An.

Trò chuyện với Báo Nghệ An, tân chủ nhân của tấm Huy chương Vàng năm 2020 đã chia sẻ nhiều điều đặc biệt trong quá trình giành được giải thưởng danh giá này.

P.V: Chúc mừng Quốc Anh với tấm Huy chương Vàng đầu tiên em vừa giành được tại Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 52 năm 2020. Cảm xúc của em như thế nào khi giành được chiến thắng này?

Phạm Trung Quốc Anh: Mặc dù hiện tại kỳ thi đã diễn ra hơn 1 tuần nhưng nhớ lại cảm xúc khi công bố kết quả chúng em thực sự vỡ òa trong vui mừng, bởi sau những cố gắng, nỗ lực, mục tiêu mà em đề ra đã thành công và không có gì phải nuối tiếc. Kỳ thi năm nay cũng ghi dấu ấn nổi bật về thành tích của đội tuyển Việt Nam khi cả 4/4 thí sinh tham dự cuộc thi đều giành được Huy chương Vàng, đứng thứ 2 thế giới và chỉ xếp sau Hoa Kỳ. Đây cũng là thành tích cao nhất của Việt Nam trong lịch sử tham dự kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế.

P.V: Được biết, kỳ thi năm nay diễn ra theo hình thức trực tuyến và đây cũng là một trong những kỳ thi có nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch Covid – 19. Em có thể kể về kỳ thi đặc biệt này?

Phạm Trung Quốc Anh: Thông thường sau khi có kết quả của kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia thì kỳ thi vòng 2 chọn đội tuyển quốc gia tham dự các kỳ thi quốc tế sẽ diễn ra vào tháng 3. Nhưng năm nay, đây là thời điểm dịch Covid – 19 lan rộng ở Việt Nam và toàn thế giới, cả nước lại đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội nên kỳ thi đã bị hoãn lại.

Cá nhân chúng em thời điểm đó khi nhận được thông báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hoãn thi vòng 2 cũng rất hụt hẫng. Sau đó có phương án sẽ chọn thí sinh đậu điểm cao ở vòng 1 nhưng nhiều giáo viên lại cho rằng, điều này là không công bằng. May mắn là khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, chúng em đã được tham gia thi chọn đội tuyển quốc gia và em đã lọt vào danh sách này. Chỉ có điều, do thời gian quá gấp rút nên trước đây đội tuyển thường có đến 3 tháng ôn thi, thì nay chúng em chỉ có 14 ngày để chạy nước rút bởi kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế được tổ chức vào giữa tháng 7.

Năm 2020, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến kinh tế, chính trị, lịch trình, sự kiện… của toàn cầu và kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm nay cũng không ngoại lệ, bởi lần đầu tiên kỳ thi được tổ chức online và không có phần thực hành. Trước khi đến với kỳ thi, em và các bạn trong đội tuyển được tập huấn trong vòng 14 ngày ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Từ ngày 23- 25/7, chúng em phải thực hiện chế độ cách ly tập trung ở ký túc xá và không được sử dụng bất kỳ một phương tiện liên lạc nào để giao tiếp với bên ngoài. Cũng vào những ngày đó, ban tổ chức thảo luận đề thi, gửi cho các quốc gia tham gia và dịch đề. Kỳ thi diễn ra vào 12h trưa theo giờ của Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và các nước có thể chọn thi trong phạm vi 5 tiếng tiếp theo theo giờ Thổ Nhĩ Kỳ. Việt Nam chọn thi vào 16h chiều 25/7 và kết thúc làm bài vào 21h tối cùng ngày. Trong quá trình làm bài, có 2 camera giám sát các thí sinh, được theo dõi bởi Ban Tổ chức quốc tế và thầy, cô giám thị của mình. Trong phòng thi chỉ có 4 thí sinh và phải hạn chế trao đổi bằng tiếng Việt. Sau khi thi xong, Ban Tổ chức thảo luận bài làm của chúng em, các quan sát viên khoa học của Việt Nam sẽ tiến hành đối chất với giám khảo quốc tế để đi đến một kết quả công bằng nhất.

P.V: Tất cả những thành công đều có sự khổ luyện. Bản thân Quốc Anh cũng đã từng chia sẻ em phải đánh đổi 3 năm THPT và phải “vùi đầu vào học” mới có được kết quả này?

Phạm Trung Quốc Anh: Chương trình để học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia khác hoàn toàn với chương trình trong sách giáo khoa, vì thế, từ năm lớp 10 chúng em đã bắt đầu phải ôn luyện. Thời điểm đó, chúng em gặp khá nhiều khó khăn bởi toàn bộ tài liệu chúng em phải tự tìm tòi ở các quầy sách cũ hoặc phải có giáo viên hỗ trợ. Ngoài ra, do chúng em mới học lớp 10, mà chúng em phải thu lượng kiến thức Hóa học của toàn chương trình lớp 12 và kể cả chương trình đại học, nên trong một thời gian ngắn cần phải học rất nhiều, rất vất vả. Gần như suốt những năm lớp 10, em đều học đến 2, 3 giờ sáng.Thực sự khi ấy, chúng em không phải chỉ thèm một giấc ngủ mà chỉ ước “thầy cô bận buổi sáng, chuyển sang học chiều” để ngủ một giấc cho thoải mái.

Thực sự với học sinh THPT, việc theo đuổi đội tuyển quốc gia, quốc tế có khá nhiều thiệt thòi vì hầu như mọi thời gian em đều dành cho đội tuyển. Tuy nhiên, bây giờ nghĩ lại em không ân hận, vì đó là con đường em đã chọn và em đặt mục tiêu cho mình khi vừa đặt chân vào trường chuyên. Điều vui nhất là dù những năm qua em “vùi đầu vào học” và “không có những ấn tượng nhiều về 3 năm THPT” nhưng bên em vẫn có những người bạn luôn động viên, an ủi khi em thấy quá áp lực và mệt mỏi. Chính những lời động viên đó đã giúp em đứng vững được trong thời gian học tập mệt mỏi, là động lực để em nuôi hy vọng bước tiếp trên con đường này.

P.V: Lại nói về trường chuyên. Hiện nay, xu hướng của nhiều học sinh, trong đó có học sinh trường Phan thường lựa chọn ôn thi đại học thay vì vào đội tuyển. Là một người có nhiều kinh nghiệm, theo em điều này là vì sao?

Phạm Trung Quốc Anh: Thực tế, xác suất để vào được đội tuyển quốc gia không dễ dàng, vì một đội tuyển chỉ lấy 10 thí sinh. Bên cạnh đó, khi đã vào đội tuyển phải xác định lượng kiến thức rất nhiều, rất khó và không phải học sinh nào cũng có thể tiếp thu, lĩnh hội được. Vì thế, có những bạn trước đây học chuyên nhưng theo đuổi vào đội tuyển một thời gian sẽ bắt đầu chán nản bởi phải học quá nhiều, lượng kiến thức rất lớn và nếu theo đuổi được phải có sự kiên trì. Ngược lại, nếu chọn vào đại học lượng kiến thức sẽ được tiếp thu dần dần theo thời gian, theo độ tuổi nên có thể nhẹ nhàng hơn và xu hướng hiện nay là có không ít học sinh lựa chọn ôn thi đại học.

Riêng em, vì em đã quyết tâm theo đuổi môn Hóa học nên em đã xác định được những khó khăn của mình. Tuy nhiên, cũng có những khi chúng em rơi vào chán nản, đặc biệt là khi kỳ thi chọn đội tuyển phải hoãn nhiều lần… Ngoài ra, để học chuyên cũng phải thực sự kiên trì vì thực tế 3 năm THPT chúng em chỉ học mỗi một môn và ngày nào cũng phải học. Do đó, để nói đến nhàm chán là không tránh khỏi.

Tuy vậy, việc học chuyên và theo đuổi đội tuyển cũng cho em rất nhiều, đó là bản lĩnh khi đối diện với đề thi và được tranh tài với các thí sinh trong nước và quốc tế. Đó cũng là lợi thế rất lớn để mình thử sức bền và rèn luyện được khả năng, kiên trì, chịu đựng của bản thân. Việc tham gia đội tuyển cũng rèn luyện cho mình khả năng tự học và giúp mình thay đổi tư duy trong làm bài và cả nhiều vấn đề khác trong cuộc sống.

P.V: Từ năm lớp 9, Quốc Anh đã đạt giải Nhất môn Hóa học tại kỳ thi chọn học sinh giỏi tỉnh và sau đó là Thủ khoa đầu vào của Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Sau này, từ năm lớp 11, Quốc Anh đã có giải Nhì tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.., việc học có vẻ rất thuận lợi. Để có được kết quả này, em có tự tạo áp lực cho mình?

Phạm Trung Quốc Anh: Từ nhỏ, em hơi “lạ” so vơi các bạn, đó là rất thích học. Vì thế, có nhiều khi em thấy bạn bè của mình chơi điện tử rất vui vẻ nhưng em lại không có thiện cảm nhiều với trò chơi này. Ngược lại, em lại tìm được niềm vui trong việc học.

Trong gia đình em, bố mẹ không tạo nhiều áp lực cho em trong việc học. Tuy nhiên, chính em lại tự đặt áp lực cho bản thân mình, bởi em biết gia đình em không quá khá giả và bố mẹ đã phải rất vất vả để cho chúng em đi học. Do đó, việc học giỏi sẽ là một cách đền đáp cho bố mẹ.

Cá nhân em xem việc tạo áp lực sẽ rất tốt cho bản thân và là động lực cho mình tự phấn đấu. Ngoài ra, bố mẹ nào cũng nói rằng, không tạo áp lực cho con nhưng em biết bố mẹ nào cũng đặt hy vọng vào con cái của mình. Thế nên, đôi khi nhìn vào ánh mắt của bố mẹ, của thầy cô, em thấy mình phải cố gắng thật nhiều để không phụ sự tin tưởng của gia đình và nhà trường.

P.V: Với kết quả đã đạt được, Quốc Anh đang đứng trước rất nhiều lựa chọn cho tương lai của mình. Tuy vậy, tôi rất bất ngờ khi em lựa chọn tiếp tục theo đuổi ngành Hóa học thay vì một ngành “hot” như Y khoa hoặc Ngoại thương, Kinh tế. Điều gì khiến em quyết định như vậy?

Phạm Trung Quốc Anh: Từ năm THCS em đã thích học Hóa và đây là lựa chọn duy nhất của em, dù em có nhiều cơ hội để theo đuổi nhiều môn học khác. Vì vậy, khi lựa chọn chuyên ngành Hóa học ở Trường Đại học Khoa học tự nhiên, em cảm thấy hào hứng vì em có thể tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về Hóa học và sau đó sẽ làm một giáo viên – một công việc mà em cũng rất yêu thích.

Sự lựa chọn này của em có thể không được nhiều người ủng hộ, kể cả gia đình, nhưng với em, việc được giảng dạy cho các thế hệ sau cũng sẽ giúp ích được cho đất nước mình và em thấy vui vì được truyền thụ kiến thức cho học trò.

P.V: Cảm ơn Quốc Anh và chúc em sẽ có nhiều thành công hơn nữa trong chặng đường sắp tới!.