Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị

(Baonghean) - Thời gian qua, công tác giáo dục lý luận chính trị (LLCT) nói chung và đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng đã được cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được những kết quả tích cực.

Trường Chính trị tỉnh triển khai chuyên đề thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XII) của Đảng. Ảnh: Hoa Hồng
Trường Chính trị tỉnh triển khai chuyên đề thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XII) của Đảng. Ảnh: Hoa Hồng

Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ vẫn còn một số hạn chế: Việc xây dựng kế hoạch và phối hợp thực hiện tổ chức đào tạo bồi dưỡng giữa cơ quan tham mưu, cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo có mặt thiếu chặt chẽ. Nội dung, chương trình đào tạo bồi dưỡng tuy đã được đổi mới nhưng vẫn còn trùng lặp, cập nhật bổ sung kiến thức mới chưa kịp thời.

Phương pháp giảng dạy còn chưa phát huy tính tích cực của học viên, thiếu sự hấp dẫn, thu hút học viên học tập, việc rèn luyện các kỹ năng lãnh đạo, quản lý còn yếu; Công tác dự báo nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng chưa sát thực tế. Một số cơ quan, đơn vị liên kết đào tạo, bồi dưỡng không đúng quy định; nội dung chương trình, chất lượng dạy, học chưa đảm bảo, chưa được kiểm soát, quản lý chặt chẽ.

Thời gian gần đây, Trường Chính trị tỉnh luôn quan tâm đến nội dung cập nhật kiến thức mới trong giảng dạy lý luận chính trị. Ảnh: Hoa Hồng
Thời gian gần đây, Trường Chính trị tỉnh luôn quan tâm đến nội dung cập nhật kiến thức mới trong giảng dạy lý luận chính trị. Ảnh: Hoa Hồng

Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do một số cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ trong tình hình hiện nay, nên chưa thật sự quan tâm đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT.

Việc chăm lo xây dựng đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí, cơ chế chính sách cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên; việc phân cấp đào tạo, bồi dưỡng theo đối tượng, tiêu chuẩn chức danh còn bất cập. Không ít cán bộ xác định động cơ học tập chưa đúng đắn, thực hiện nghĩa vụ học tập chưa nghiêm; thậm chí còn lười học lý luận chính trị. 

Một lớp học tại Trường Chính trị tỉnh. Ảnh: Thành Duy
Một lớp học tại Trường Chính trị tỉnh. Ảnh: Thành Duy

Để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian tới, góp phần thực hiện có hiệu quả ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự chuyển hoá”, “tự chuyển biến”, cần tập trung một số nội dung sau:

Thứ nhất, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp uỷ, sự quản lý của chính quyền các cấp đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng LLCT. Trước hết, là đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt nhằm đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ về mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế;

Tiếp tục quán triệt sâu sắc, cụ thể và thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương, Chính phủ và của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nâng cao nhận thức về trách nhiệm, đề cao tinh thần học và tự học của cán bộ. Phải làm cho cán bộ, đảng viên thích học LLCT, tích cực tham gia học tập LLCT, được học LLCT không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là vinh dự của cán bộ; phải sớm khắc phục bệnh lười học LLCT.

Các cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng LLCT phải gắn với quy hoạch cán bộ, sử dụng và bố trí cán bộ, phù hợp với yêu cầu tiêu chuẩn chức danh và vị trí công việc. Chọn cử cán bộ đi học đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn của đối tượng, thiết thực, tránh tràn lan, gây lãng phí, tốn kém. Đào tạo lý luận chính trị phải đảm bảo tính hệ thống, liên thông giữa các cấp học, bậc học; không tiếp nhận, điều động, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ chưa đảm bảo tiêu chuẩn học tập lý luận chính trị bắt buộc. 

Thứ hai, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho phù hợp với từng loại hình đào tạo và chức danh cán bộ, đánh giá thực chất kết quả đào tạo. Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng có chất lượng, thiết thực; Gắn đào tạo cơ bản với bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức, năng lực thực hành và kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng chức danh; xây dựng, biên soạn các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo kết cấu hợp lý giữa lý thuyết và thực hành, đảm bảo tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm; Chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, hiện đại;

Phương pháp giảng dạy và học tập phải sinh động, tạo sự hấp dẫn, có thực tiễn và phù hợp với đối tượng, tăng sự chủ động và tích cực của người học, tăng cường trao đổi 2 chiều giữa người học và người dạy, làm cho người học thích học, người giảng có hứng thú và trách nhiệm trong giảng dạy; Tăng cường mở các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ theo từng lĩnh vực, đối tượng vùng miền, trong đó ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vùng đặc thù; Chú trọng cập nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, đảng viên theo chương trình học tập lý luận chính trị bắt buộc.

Giảng viên và học viên thảo luận trong một giờ học. Ảnh: Thành Duy
Giảng viên và học viên thảo luận trong một giờ học. Ảnh: Thành Duy

Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đào tạo, bồi dưỡng và đội ngũ giảng viên giảng dạy LLCT. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức, trang bị kỹ năng, phương pháp công tác cho đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Cần rà soát các quy định theo chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các đơn vị liên quan đến thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để xây dựng quy định, quy chế thống nhất trong công tác chỉ đạo, quản lý. Xây dựng đội ngũ giảng viên có đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, cơ cấu hợp lý, được đào tạo cơ bản về chuyên môn, lý luận, có kiến thức thực tiễn và kinh nghiệm quản lý.

Quan tâm đào tạo nâng cao trình độ cho giảng viên để từng bước chuẩn hoá đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; Xây dựng đội ngũ báo cáo viên, giảng viên kiêm chức, thỉnh giảng có trình độ, kinh nghiệm và trách nhiệm. Có cơ chế chính sách đặc thù để mời các giảng viên, báo cáo viên cao cấp, chuyên gia có uy tín, kinh nghiệm tham gia trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng LLCT.

Thứ tư, tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, phương tiện phục vụ cho giảng dạy và học tập theo hướng đồng bộ và hiện đại hoá tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách mới về đào tạo, bồi dưỡng, trong đó quan tâm chế độ chính sách cho giảng viên và người học, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, phù hợp với tình hình thực tế và khả năng ngân sách của tỉnh.

Nguyễn Thị Hồng Hoa

(Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới