Nâng cao chất lượng, rút ngắn khoảng cách vùng miền trong giáo dục

(Baonghean.vn) - Sáng 28/3, Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo và các Sở, ngành liên quan để nghe và cho ý kiến về kết quả thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo năm học 2014 – 2015 và năm học 2015 – 2016; Nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện hoàn thành kế hoạch năm học 2015 – 2016 và chiến lược phát triển ngành Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2016 – 2020; Công tác chuẩn bị Hội khỏe Phù Đồng toàn quốc lần thứ IX tại Nghệ An năm 2016.

Cùng dự có đồng chí Lê Minh Thông, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường phát biểu và kết luận tại cuộc họp
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường phát biểu và kết luận tại cuộc họp.

Nghệ An hiện là một trong hai tỉnh có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với hơn 2.000 trường học ở các cấp học và hơn 15.000 giáo viên. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng liên tục trong nhiều năm qua chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng giáo dục mũi nhọn đều đạt được những kết quả nổi bật, có nhiều tiến bộ theo hướng vững chắc và toàn diện hơn.

Bên cạnh đó, ngành cũng đã quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia.Tỷ lệ trường chuẩn trong toàn tỉnh hiện gần 62% (cao hơn mức bình quân chung cả nước). Mạng lưới cơ sở dạy nghề được củng cố và từng bước nâng dần chất lượng đào tạo.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo về công tác của ngành giáo dục trong năm qua
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo về công tác của ngành giáo dục trong năm qua

Tại buổi làm việc, đại diện các Sở, ban, ngành đã đi sâu vào những bất cập trong giáo dục hiện nay, trong đó chú trọng vào những đề xuất mà ngành giáo dục đưa ra như vấn đề xây dựng hệ thống trường dân tộc nội trú và bán trú; tăng cường cơ sở vật chất cho bậc học mầm non; vấn đề dôi dư giáo viên và xây dựng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu thành trường trọng điểm quốc gia; những vướng mắc trong công tác phân luồng học sinh…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Xuân Đường đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành giáo dục Nghệ An trong thời gian qua. Tuy vậy, đồng chí cũng lưu ý về những hạn chế của ngành trong công tác thực hiện, trong đó lưu ý những vấn đề như: tiêu cực trong giáo dục, còn nhiều chỉ tiêu chưa hoàn thành, chưa có đề án tổng thể để phát triển giáo dục. 

Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo cần chủ động xây dựng kế hoạch từng năm học một cách hợp lý, cố gắng giữ vững chất lượng giáo dục một cách vững chắc theo tinh thần của Nghị Quyết số 26. Bên cạnh đó, cần rà soát lại các chính sách, loại bỏ những cơ chế lạc hậu và bổ sung những cơ chế theo yêu cầu, quy định mới.

Trường THCS Nghi Công, một trường vùng khó của huyện Nghi Lộc đã được công nhận trường chuẩn trong năm học 2015 - 2016, nâng tỷ lệ trường chuẩn của tỉnh lên gần 61%
Trường THCS Nghi Công, một trường vùng khó của huyện Nghi Lộc đã được công nhận trường chuẩn trong năm học 2015 - 2016, nâng tỷ lệ trường chuẩn của tỉnh lên gần 61%

Ngoài ra, tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đặc biệt là giáo dục toàn diện, giáo dục đạo đức, lịch sử, kỹ năng sống. Phải huy động toàn lực xã hội để phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 70% số trường đoạt chuẩn quốc gia và xây dựng thêm trường trọng điểm quốc gia ngoài trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Đồng chí cũng yêu cầu trong quá trình thực hiện không được nặng về thành tích, ưu tiên phát triển giáo dục miền núi dân tộc, đặc biệt là hệ thống các trường nội trú, bán trú và chính sách cho đội ngũ giáo viên. Phải khắc phục được tình trạng học sinh bỏ học.

Trong việc xây dựng đội ngũ, cần chú trọng đến xây dựng đội ngũ quản lý, nâng cao kỹ năng quản trị trường học. Đối với giáo viên, cần rà soát tính toán quy hoạch từng cấp học để có kế hoạch bố trí giáo viên hợp lý, không để xảy ra tình trạng giáo viên dôi dư quá nhiều. Quá trình luân chuyển phải công khai, công tâm vì sự phát triển của ngành, tránh tình trạng đơn thư.

Tăng cường cơ sở vật chất cho các huyện miền núi là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong thời gian tới. Trong ảnh: Một lớp học lẻ của Trường Tiểu học Châu Bình (Quỳ Châu)
Tăng cường cơ sở vật chất cho các huyện miền núi là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong thời gian tới. Trong ảnh: Một lớp học lẻ của Trường Tiểu học Châu Bình (Quỳ Châu).

Cùng với đó, cần phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trong công tác phân luồng và dạy nghề cho học sinh. Quá trình xây dựng cơ sở vật chất cần kêu gọi xã hội hóa theo tinh thần công khai, dân chủ, đúng theo quy định. Cần quan tâm đến việc sử dụng trang thiết bị trường học, tránh lãng phí trong quá trình mua sắm trang thiết bị. Chấn chỉnh những sai phạm, tăng cường thanh tra kiểm tra.

Dịp này, đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã cho ý kiến về công tác chuẩn bị cho Hội khỏe Phù Đồng toàn quốc lần thứ IX sẽ diễn ra tại Nghệ An từ ngày 1 – 10/8/2016. Theo Chủ tịch UBND tỉnh, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, khối lượng công việc lớn nhưng thời gian chuẩn bị không còn nhiều.

Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo và các ban, ngành liên quan cần chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và đơn vị đồng đăng cai để hoàn thiện công tác chuẩn bị. Trong đó, chú trọng 3 nội dung: cơ sở vật chất, quan tâm đến việc tuyển chọn và luyện tập của các vận động viên và công tác chuẩn bị đón tiếp các ban, ngành và các đoàn tham gia. Mục đích chính là để lại hình ảnh đẹp cho bạn bè, đồng nghiệp về hình ảnh và con người thân thiện của Nghệ An. 

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN

Tin mới