Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới

(Baonghean.vn)- Công tác tuyên truyền miệng là một trong những kênh thông tin quan trọng nhất, trực tiếp truyền bá sâu rộng các chủ trương, đường lối Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước vào cuộc sống.

Ở Nghệ An, công tác này càng được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Nhờ đó, công tác tuyên truyền miệng luôn được đổi mới, củng cố và kiện toàn, góp phần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và phát triển của tỉnh.

Để triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới” có hiệu quả, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy từng bước nâng cao chất lượng hội nghị báo cáo viên các cấp. Trong đó, có nhiều đổi mới trong việc xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung các chuyên đề đảm bảo tính thời sự, kịp thời định hướng tư tưởng, đáp ứng nhu cầu bức thiết về thông tin, linh hoạt trong việc lựa chọn hình thức tổ chức hội nghị báo cáo viên theo hình thức trực tiếp, trực tuyến được đội ngũ báo cáo viên các cấp ghi nhận.

Cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳ Hợp trực tiếp vận động, tuyên truyền với người dân xã Châu Lý (Quỳ Hợp). Ảnh PV
Cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳ Hợp trực tiếp vận động, tuyên truyền với người dân xã Châu Lý (Quỳ Hợp). Ảnh PV

Đồng thời thực hiện chuẩn hóa đội ngũ báo viên các cấp để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Hàng năm, đội ngũ báo cáo viên các cấp đều được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị. Ở tỉnh, ngoài hội nghị báo cáo viên định kỳ hàng tháng và đột xuất, mỗi năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức các cuộc tập huấn cho đội ngũ Báo cáo viên Tỉnh ủy, các huyện, thành, thị, đảng ủy trực thuộc, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh.

Ở các huyện, thành, thị, hàng năm, hầu hết các đơn vị đều tổ chức các lớp tập huấn cho báo cáo viên và tuyên truyền viên cơ sở. Hàng tháng, sau hội nghị báo cáo viên ở tỉnh, ban tuyên giáo các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc đều tổ chức hội nghị báo cáo viên. Ở cơ sở, sau hội nghị báo cáo viên cấp huyện, hầu hết các tổ chức cơ sở đảng đều triển khai tuyên truyền, phổ biến thông tin theo những hình thức khác nhau tùy thuộc tình hình, điều kiện ở từng cơ sở.

Báo cáo viên xã Nghi Hoa (Nghi Lộc) gặp gỡ tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới. Ảnh PV
Báo cáo viên xã Nghi Hoa (Nghi Lộc) gặp gỡ tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới. Ảnh PV

Các báo cáo viên cấp tỉnh và cấp huyện  hàng tháng đều được cung cấp các tài liệu như: Các loại báo Đảng, tạp chí Báo cáo viên của Ban Tuyên giáo Trung ương, bản tin Thông báo nội bộ của Tỉnh ủy, bản tin của các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc, các ngành.

Quang cảnh một hội nghị báo cáo viên trực tuyến, điểm cầu Nghệ An do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì. Ảnh PV
Quang cảnh một hội nghị báo cáo viên trực tuyến, điểm cầu Nghệ An do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì. Ảnh PV

Tính đến tháng 5/2017, toàn tỉnh có 5.018 báo cáo viên. Trong đó: báo cáo viên cấp Trung ương công tác tại tỉnh là 7 đồng chí; báo cáo viên cấp tỉnh là 57 đồng chí; báo cáo viên cấp huyện và tương đương là 677 đồng chí; báo cáo viên, tuyên truyền viên các đoàn thể chính trị xã hội là 3.818 đồng chí; báo cáo viên ở khối cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (đảng ủy trực thuộc tỉnh) là 459 đồng chí. Đội ngũ tuyên truyền viên tại cơ sở có 10.233 đồng chí.


Các tài liệu tuyên truyền có tính chuyên đề của Trung ương, của tỉnh về các sự kiện, thời sự nổi bật. Nhiều phương tiện đã được trang bị và sử dụng có hiệu quả, như: Máy tính xách tay, máy chiếu, máy ghi âm, máy ảnh kỹ thuật số, hệ thống âm thanh, góp phần đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền miệng và nâng cao trình độ, kỹ năng của đội ngũ báo cáo viên.

Bên cạnh đó cấp ủy, chính quyền có sự quan tâm tạo điều kiện về kinh phí cho hoạt động báo cáo viên, vận dụng các chính sách về chế độ cho hội nghị báo cáo viên và thù lao cho báo cáo viên.

Ngoài ra, khi có những vụ việc phức tạp nảy sinh cần định hướng thông tin Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ các hội nghị đột xuất và một số kỳ tổ chức hội nghị trực tuyến. Đây được xem là hội nghị thông tin đầu nguồn của tỉnh. Chất lượng thông tin được phổ biến tại hội nghị bám sát định hướng tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ sở, giải đáp được nhiều vấn đề mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm. Hình thức tổ chức được đổi mới theo hướng tăng cường đối thoại, trao đổi thông tin tại hội nghị.

Cùng với đó, việc ra đời câu lạc bộ thời sự ở các huyện, thành, thị đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở. Qua 7 năm tổ chức triển khai hoạt động câu lạc bộ thời sự, một số đơn vị duy trì và tổ chức thực hiện tốt như: Con Cuông, Anh Sơn, Tân Kỳ, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Cửa Lò, Quế Phong...

Có thể khẳng định, thực hiện Chỉ thị số 17 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X), công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên của các cấp uỷ trên địa bàn tỉnh đã đi vào nền nếp, bám sát cơ sở, khẳng định được lợi thế riêng, thực sự trở thành một trong những kênh thông tin chính thống quan trọng, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kịp thời định hướng tư tưởng và dư luận xã hội trước những vấn đề nổi lên đáng quan tâm, tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước, thành phố và các địa phương, đơn vị.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động đội ngũ báo cáo viên các cấp vẫn chưa thực sự ngang tầm với nhiệm vụ, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Cụ thể, năng lực truyền đạt và chất lượng đội ngũ báo cáo viên nhìn chung thực sự chưa cao, nhất là ở cơ sở. Chất lượng công tác tuyên truyền miệng còn một số hạn chế, một số vấn đề, thông tin chưa đáp ứng tốt nhu cầu và trình độ ngày càng cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Phương thức tuyên truyền còn nặng một chiều từ trên xuống, ít chú ý trao đổi, đối thoại trực tiếp với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Một số cấp ủy, người đứng đầu chưa nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên. Cơ chế, chính sách phụ cấp và cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động của báo cáo viên hiện nay còn nhiều bất cập, chưa tạo được động lực để thu hút, động viên những người có tâm huyết, năng lực phát huy cao nhất khả năng của mình,…

Đồng Kha Văn Tám trao giấy khen cho 8 tập thể Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện, thành thị.
Đồng Kha Văn Tám trao giấy khen cho 8 tập thể Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện, thành thị. Ảnh tư liệu

Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên trong thời gian tới cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên. Trong điều kiện bùng nổ thông tin và sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống truyền thông đại chúng nhưng tuyên truyền miệng vẫn là hình thức tuyên truyền không thể thay thế.

Hai là, kết hợp triển khai thực hiện Chỉ thị 17 và việc đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới theo tinh thần Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 05/9/2016 của Ban Bí thư (khóa XII); xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin cơ sở. 

Ba là, không ngừng xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên Ban Tuyên giáo các cấp tiếp tục tham mưu cho cấp ủy về củng cố, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên bằng các chủ trương, giải pháp cụ thể.

Thứ tư là, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền miệng. Đổi mới mạnh mẽ phương thức tuyên truyền miệng theo hướng nhanh, nhạy, sát thực tế, góp phần giải đáp được những bức xúc trong đời sống xã hội; tăng cường trao đổi, đối thoại giữa báo cáo viên với cán bộ, đảng viên và nhân dân; quan tâm hơn nữa việc tiếp nhận thông tin nhiều chiều, đặc biệt là từ dưới lên; tăng cường tận dụng ưu thế của công nghệ thông tin phục vụ cho tuyên truyền miệng...

Năm là, tăng cường phổ biến thông tin thời sự có định hướng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp. Tiếp tục duy trì nề nếp sinh hoạt báo cáo viên ở cấp tỉnh và cấp huyện theo hướng ngày càng nâng cao chất lượng nội dung thông tin và hiệu quả của tuyên truyền miệng. Đồng thời, Ban Tuyên giáo cơ sở có sự chỉ đạo về các hình thức sinh hoạt phù hợp để phổ biến thông tin thời sự trong quần chúng, thông qua sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt khối, xóm...

Sáu là, kết hợp tuyên truyền miệng với các hình thức tuyên truyền khác để nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng trong tình hình mới. Ban Tuyên giáo và đội ngũ báo cáo viên các cấp, một mặt cần đổi mới, phát huy những ưu thế riêng có của tuyên truyền miệng. Mặt khác, cần kết hợp tuyên truyền miệng với các hình thức tuyên truyền khác như báo chí, xuất bản, bản tin nội bộ, tổ chức sự kiện, kỷ niệm các ngày lễ lớn...

Với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp này, tin tưởng rằng công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên trên địa tỉnh sẽ có những chuyển biến tích cực, tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà trong thời gian tới.

 Kha Văn Tám

                                                          (Phó Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

TIN LIÊN QUAN

Tin mới