Nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật khu vực biên giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Những năm qua, các địa phương có đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào đã phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Qua đó, đảm bảo yên dân, yên địa bàn, yên biên giới.

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền

Xã Thanh Thủy (Thanh Chương) có 6.595 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào. Trên địa bàn có 1.430 hộ/6.150 khẩu, trình độ dân trí không đồng đều; hoạt động của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm hình sự, ma túy, trộm cắp có nhiều diễn biến phức tạp.

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật khu vực biên giới ảnh 1

Đoàn xã Thanh Thuỷ, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thuỷ tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, đất liền cho đoàn viên thanh niên. Ảnh: Ngọc Tú

Trước thực tế đó, cấp ủy, chính quyền đã phối hợp với đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới. Xã thành lập 2 tổ tuyên truyền phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật cho người dân kết hợp với sử dụng các kênh tuyên truyền qua mạng xã hội; Xây dựng mô hình "Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, vận động các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người tái hoà nhập cộng đồng”.

Mới đây nhất, trong tháng 10/2022, chính quyền địa phương phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thanh Chương và Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy ra mắt Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật tại thôn Thủy Sơn, với 332 hội viên, qua đó tạo điều kiện cho phụ nữ vùng biên tiếp cận nhiều hơn với chính sách pháp luật, góp phần thúc đẩy phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật khu vực biên giới ảnh 2

Lễ ra mắt CLB Phụ nữ với pháp luật ở xã Thanh Thuỷ. Ảnh: Ngọc Tú

Xã biên giới Mường Típ thuộc huyện Kỳ Sơn - nơi có địa hình phức tạp, hiểm trở, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Khơ mú và Thái sinh sống. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, chính quyền địa phương đã phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường bám địa bàn, bám dân tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước dưới nhiều hình thức (trực tiếp đi từng bản, đến từng nhà, rà từng chòi rẫy hoặc lồng ghép thông qua các buổi họp bản, họp các chi hội đoàn thể, tuyên truyền thông qua tiếng nói của già làng, người có uy tín trên địa bàn…).

Bên cạnh vận động các hộ dân ký cam kết thực hiện quy chế biên giới, không phát nương, làm rẫy, xâm canh trái phép, xã Mường Típ cũng duy trì hoạt động có hiệu quả 9 tổ tự quản đường biên, cột mốc và 9 tổ tự quản về an ninh, trật tự thôn, bản. Trong năm 2022, cấp ủy, chính quyền phối hợp với lực lượng Công an xã triển khai Đề án “Xây dựng xã sạch về ma túy” và ra mắt mô hình “Hệ thống chính trị chung tay, góp sức giúp đỡ, giáo dục người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng”.

Khi người dân đã thông tư tưởng, hiểu biết về những quy định của pháp luật, họ sẽ tự ý thức và nhắc nhở những người xung quanh nói không với vi phạm pháp luật.

Chủ tịch UBND xã Mường Típ Hạ Bá Thái

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật khu vực biên giới ảnh 3

UBND xã Mường Típ và các lực lượng phối hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân. Ảnh: PV

Nhận thức rõ thực trạng khu vực miền núi Nghệ An địa hình hiểm trở, đời sống vật chất, tinh thần, phong tục, tập quán của đồng bào các DTTS còn nghèo nàn, lạc hậu, nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế, dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép ma túy, mua bán người… UBND tỉnh Nghệ An đã tập trung chỉ đạo UBND các huyện biên giới giáp Lào tăng cường công tác PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp để người dân dễ tiếp thu và tuân thủ.

Nhiều mô hình tuyên truyền có tính sáng tạo như: "Bản tin vùng biên" phát bằng tiếng đồng bào và tiếng phổ thông trên hệ thống truyền thanh của các bản làng; mô hình "Mỗi tuần học một điều luật", "Tiết học vùng biên"; “Lá chắn phòng chống mua bán người”; mô hình phiên toà giả định; hoạt động trợ giúp pháp lý, xét xử lưu động tại thôn, bản… đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật, phòng ngừa các hành vi vi pháp luật trong nhân dân.

Đồng hành với các địa phương, các ngành chức năng cũng triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền thiết thực gắn với địa bàn. Điển hình như Bộ đội Biên phòng tỉnh duy trì hiệu quả 84 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới; 716 tổ tự quản an ninh thôn, bản. Công an tỉnh xây dựng, duy trì hoạt động hiệu quả gần 40.000 tổ tự quản về an ninh trật tự. Đồng thời, ban hành Đề án xây dựng “Xã biên giới sạch về ma túy”.

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật khu vực biên giới ảnh 4

Lãnh đạo Công an tỉnh trực tiếp chỉ đạo quá trình tấn công các tụ điểm ma túy tại Quế Phong vào rạng sáng 20/4/2022. Ảnh tư liệu: Vương Linh

Qua 6 tháng thực hiện, Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, bắt 83 vụ, 96 đối tượng phạm tội về ma túy tại các xã biên giới, thu gần 15 kg ma túy các loại, 50 khẩu súng, dao, kiếm và 28 điểm bán lẻ ma túy tại các xã biên giới. Đến nay, 26/27 xã biên giới đạt tiêu chí sạch người nghiện ma túy, góp phần đảm bảo trật tự an toàn khu vực biên giới, đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh nói chung và trên tuyến biên giới Việt - Lào nói riêng.

Tăng cường phối hợp với các tỉnh của nước bạn Lào

Nghệ An có đường biên giới dài 468,281km, có 6 huyện biên giới với 27 xã, 247 thôn, bản tiếp giáp với 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và Bôlykhămxay của nước bạn Lào. Có 2 cửa khẩu chính là Nậm Cắn, Thanh Thủy, 4 cửa khẩu phụ cùng nhiều đường tiểu ngạch, lối mở qua biên giới. Người dân Việt và Lào sống ở vùng biên giới đã có sự di cư tự do qua lại trong một thời gian dài.

Thời gian qua, thực hiện Thỏa thuận giữa Chính phủ 2 nước về tình hình di cư tự do, kết hôn không giá thú tại vùng biên giới, Nghệ An đã tích cực vào cuộc sớm để rà soát, phân loại, lập danh sách trình cơ quan có thẩm quyền của 2 nước phê duyệt. Từ năm 2019 đến năm 2021, Nghệ An đã trình Chủ tịch nước Quyết định nhập và trao quốc tịch Việt Nam cho 211 người Lào sinh sống trên địa bàn các xã biên giới của Nghệ An.

Mặt khác, Sở Tư pháp còn tổ chức các Hội nghị tuyên truyền pháp luật về quốc tịch, hộ tịch, kết hôn cho các trường hợp người di cư được phép cư trú tại các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong. Đồng thời, biên soạn, in ấn và phát hành 25.000 tờ gấp về “Một số quy định của pháp luật Việt Nam về quốc tịch” cấp phát cho cán bộ và nhân dân vùng biên.

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật khu vực biên giới ảnh 5

Hướng dẫn thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam cho người Lào ở địa bàn huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu: KL

UBND tỉnh Nghệ An cũng đã chỉ đạo tăng cường các hoạt động hợp tác giữa các cơ quan tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới thông qua việc Ký kết Biên bản ghi nhớ thảo thuận hợp tác giữa Sở Tư pháp Nghệ An và Sở Tư pháp tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn.

Qua đó, các bên cùng trao đổi kinh nghiệm và thông tin về công tác giải quyết các vấn đề về luật pháp và công tác tư pháp; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý và hòa giải ở cơ sở để người dân khu vực biên giới hiểu về pháp luật của hai nước, từ đó có cách hành xử đúng pháp luật.

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật khu vực biên giới ảnh 6

Xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) phối hợp với lực lượng chức năng lồng ghép tổ chức PBGDPL cho học sinh tại chương trình Sinh hoạt dưới cờ. Ảnh: CSCC

Nhiều hoạt động đối ngoại vùng biên cũng được các địa phương, các lực lượng chức năng triển khai hiệu quả, đến nay đã tổ chức kết nghĩa 21 cặp bản hai bên biên giới, 8 đồn biên phòng với 8 đơn vị đại đội, Công an Lào. Các huyện chung biên giới với nước bạn Lào duy trì tốt hoạt động giao ban thường niên, qua đó nắm bắt, xử lý kịp thời những nội dung phát sinh, định hướng tuyên truyền cho nhân dân hai bên biên giới thực hiện nghiêm Hiệp định quy chế biên giới Việt Nam - Lào.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thùy Dương - Phó phòng Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp): Do điều kiện, nguồn lực để triển khai thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân vùng biên còn thiếu, nhất là về kinh phí nên số lượng các cuộc tuyên truyền, PBGDPL có chất lượng tại các thôn, bản, vùng sâu, vùng xa chưa nhiều và thường xuyên. Đối tượng được tuyên truyền là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, nhiều người không biết tiếng phổ thông gây khó khăn trong quá trình truyền tải các thông tin pháp luật đến với người dân. Đội ngũ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL ở cơ sở còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng tuyên truyền…

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật khu vực biên giới ảnh 7

Lãnh đạo Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào ký kết Chương trình hợp tác năm 2023. Ảnh tư liệu: Phạm Bằng

Do vậy, cần tập trung đổi mới hình thức, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, áp dụng các hình thức sinh động, dễ hiểu, phù hợp với đối tượng, địa bàn và nhu cầu của nhân dân. Đẩy mạnh lồng ghép công tác phổ biến giáo dục pháp luật với các hoạt động giao lưu văn hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, gắn tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL; phát huy tốt vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời có chế độ chính sách hợp lý đối với các đối tượng thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL cho người dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Tin mới