Nâng cao kỹ năng chuyên sâu cho các hòa giải viên

(Baonghean.vn) - Đây là lưu ý của bà Lương Ngọc Trâm - Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với hoạt động của các trung tâm hòa giải, đối thoại tỉnh Nghệ An.
Chiều 2/4, các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo thí điểm hòa giải tỉnh Nghệ An; Lương Ngọc Trâm – Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chủ trì Hội nghị sơ kết thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, hành chính tại TAND 2 cấp tỉnh Nghệ An. Dự hội nghị có đồng chí Cao Thị Hiền – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các thành viên ban chỉ đạo, đại diện các trung tâm hòa giải, đối thoại trên địa bàn tỉnh.
Hòa giải
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hoài Thu

Hòa giải thành công gần 1.000 vụ việc

Tại hội nghị, Ban chỉ đạo đánh giá việc đi vào hoạt động của các trung tâm hòa giải, đối thoại đã tạo ra hiệu quả xã hội tích cực, giúp giải quyết các tranh chấp nhanh chóng, bền vững, tiết kiệm được nhiều thời gian, kinh phí tham gia tố tụng. Kết quả hòa giải cũng tác động tích cực hiệu quả trong việc giảm áp lực án gia tăng tại các cơ quan Tòa án.

Đến tháng 3/2019, Các trung tâm hòa giải, đối thoại đã thụ lý 1.528 đơn, đã giải quyết 1.269 đơn (đạt 83%); trong đó số vụ việc được triệu tập để hòa giải là 1.049 và hòa giải thành công 825 vụ việc, đạt 65%; giảm 28% các vụ việc Tòa án thụ lý so cùng kỳ năm 2018. Riêng trung tâm hòa giải tại TAND tỉnh thụ lý 585 vụ việc, đã giải quyết 451 vụ, đạt 77%. Tỷ lệ hòa giải thành là 279/451 vụ việc, đạt 61,8%.

Bên cạnh đó, các đại biểu tham gia hội nghị cũng nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thí điểm trong đó có khó khăn về kinh phí; kỹ năng, kinh nghiệm của một số hòa giải viên; một số vụ việc thời gian hòa giải còn kéo dài; tỷ lệ vụ việc tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại được xử lý còn thấp.

Nâng hiệu quả hoạt động các trung tâm hòa giải

Nêu một số vấn đề cần giải quyết, tháo gỡ, đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo cho rằng, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền để người dân biết đến các trung tâm hòa giải nhiều hơn (hiện chỉ mới đạt tỷ lệ người dân nộp đơn trực tiếp tại các trung tâm hòa giải là gần 12% so với các vụ việc được thụ lý). Bên cạnh đó, cần đề xuất các giải pháp để nâng cao hơn nữa các hoạt động hòa giải đảm bảo thuận lợi cho các đương sự, phục vụ người dân tốt hơn.

Đề nghị các Tòa án tạo điều kiện, hỗ trợ tốt các trung tâm để giải quyết các vướng mắc, các thủ tục pháp lý liên quan.
Hoạt động tại Trung tâm hòa giải TAND tỉnh. Ảnh: Hoài Thu
Hoạt động tại Trung tâm hòa giải TAND tỉnh. Ảnh: Hoài Thu

Đồng chí Hồ Đình Trung - Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh khẳng định, các thủ tục pháp lý tại trung tâm hòa giải nếu được giải quyết cũng có giá trị pháp lý tương đương phán quyết của tòa án, được pháp luật công nhận mà không cần phải mở phiên tòa xét xử.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lương Ngọc Trâm đánh giá cao công tác chỉ đạo và hoạt động của các trung tâm hòa giải, đối thoại ở Nghệ An. Đồng chí cho biết, lãnh đạo ban nắm rất chắc và hiểu sâu bản chất của hoạt động các trung tâm hòa giải. Những vướng mắc lớn mà các trung tâm còn gặp phải sau thời gian thí điểm cũng được nêu cụ thể.
"Nghệ An có nhiều điểm sáng tạo cần nhân rộng, là tỉnh thuộc nhóm thứ 2 số lượng đơn nhiều sau Hà Hội, TP Hồ Chí Minh nhưng lại thuộc nhóm giải quyết đạt hiệu quả cao nhất. Nghệ An cũng có sáng tạo là thành lập trung tâm hòa giải của Tòa án tỉnh phối hợp với Tòa án thành phố, đây là cách làm cần nhân rộng trong cả nước" - đồng chí Lương Ngọc Trâm đánh giá. Ảnh: Hoài Thu
"Nghệ An có nhiều điểm sáng tạo cần nhân rộng, là tỉnh thuộc nhóm thứ 2 số lượng đơn nhiều sau Hà Hội, TP Hồ Chí Minh nhưng lại thuộc nhóm giải quyết đạt hiệu quả cao nhất. Nghệ An cũng có sáng tạo là thành lập trung tâm hòa giải của Tòa án tỉnh phối hợp với Tòa án thành phố, đây là cách làm cần nhân rộng trong cả nước" - đồng chí Lương Ngọc Trâm đánh giá. Ảnh: Hoài Thu
Thẩm phán TAND tối cao cũng lưu ý một số nội dung, đó là số liệu tỷ lệ giải quyết cần đúng theo quy định; một số nội dung hướng dẫn cần phối hợp, định hướng phù hợp với dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại.
Đồng chí cũng đề nghị Nghệ An tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quán triệt các thẩm phán, luật sư hợp tác, tuân thủ các quy định liên quan hoạt động của trung tâm hòa giải; thường xuyên trau dồi kinh nghiệm và kỹ năng chuyên sâu cho các hòa giải viên.
Đồng chí Nguyễn Văn Thông- Phó bí thư Tỉnh ủy thăm Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND tỉnh. Ảnh: Tư liệu
Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy trao đổi với cán bộ Trung tâm hòa giải, đối thoại tại TAND tỉnh. Ảnh: Tư liệu
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo thí điểm hòa giải, đối thoại tỉnh ghi nhận, đánh giá cao vai trò của các trung tâm hòa giải, tạo tâm lý tốt cho người dân trong giải quyết các vụ việc.
Tuy thời gian hoạt động chưa nhiều nhưng tỷ lệ hòa giải thành đạt cao. Đồng chí Trưởng Ban chỉ đạo tỉnh cũng lưu ý các trung tâm cần thường xuyên trao đổi, rút kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm hòa giải, tiến tới xây dựng hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại.
Nhằm tạo ra bước cải cách đột phá trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương đã chỉ đạo triển khai thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trước tố tụng trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại thành phố Hải Phòng. Từ thành công của mô hình thí điểm này, Tòa án nhân dân tối cao đã mở rộng thực hiện thí điểm tại 16 tỉnh và thành phố, trong đó có Nghệ An. Hiện 6 trung tâm hòa giải, đối thoại tại Nghệ An có trụ sở văn phòng đặt tại TAND tỉnh Nghệ An và các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương.

Tin mới