Nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác dân số ở Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Trong những năm qua, đội ngũ làm công tác dân số ở Nghệ An có nhiều biến động và đang từng bước được bố trí sắp xếp lại. Điều này cũng sẽ góp phần không nhỏ đến hiệu quả của việc truyền thông dân số ở cơ sở và triển khai các nhiệm vụ của ngành.

Biến động đội ngũ

Thực hiện Nghị quyết số 15/2020/NQ-HĐND quy định một số chính sách về công tác dân số trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đội ngũ cộng tác viên dân số ở thôn, bản cũng có nhiều biến động kể từ khi tỉnh có chủ trương nhân viên y tế thôn, bản sẽ kiêm nhiệm thêm vai trò của cộng tác viên dân số.

Hiện toàn xã Nga My (Tương Dương) có 9 thôn, bản, trong đó, có 4 bản là Na Ngân, Na Kho, Xốp Kho, bản Canh nằm ở vùng trong, đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, đội ngũ cộng tác viên dân số đa phần là mới, trong đó, có đến 5 người là nam giới, chưa quen việc nên ảnh hưởng khá nhiều đến công tác tuyên truyền, vận động.

Người dân huyện Tương Dương tham gia chiến dịch truyền thông dân số. Ảnh: CSCC
Người dân huyện Tương Dương tham gia chiến dịch truyền thông dân số. Ảnh: CSCC

Chia sẻ thêm về điều này, chị Vy Thị Khế là viên chức dân số mới được tuyển dụng của xã Nga My được 2 năm, cho biết: Đặc thù của xã dân số đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số Thái, Thanh và Ơ đu nên trình độ văn hóa không đồng đều, nhận thức về vấn đề dân số - kế hoạch hóa gia đình còn nhiều hạn chế. Vì thế, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, đòi hỏi người cộng tác viên dân số phải sâu sát, đi đến từng hộ dân để có thể tuyên truyền, vận động. Đây là một thách thức với những người làm dân số hiện nay, bởi hiện nay cộng tác viên dân số phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên khó có thể dành hết tâm huyết cho công tác dân số như các mẹ, các chị trước đây.

Hơn nữa, 2 năm ảnh hưởng dịch bệnh, đội ngũ dân số cơ sở gần như tập trung phần lớn cho công tác phòng, chống dịch nên việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn bị ảnh hưởng. Để thích ứng với hoàn cảnh mới, chúng tôi tăng cường phối hợp với các ban, ngành nhằm huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị.

Trong khoảng 3 năm trở lại đây, đội ngũ những người làm công tác dân số ở xã Xiêng My (Tương Dương) cũng có nhiều thay đổi, trong đó, chủ yếu là đội ngũ cộng tác viên dân số ở cơ sở. Nói thêm về điều này, chị Lương Thị Son - viên chức dân số xã cho biết: Tôi đã có gần 15 năm làm công tác dân số nên thấy được những khó khăn của công tác dân số hiện nay sau khi có sự thay đổi về đội ngũ. Đơn cử như trước đây, những người làm cộng tác viên chủ yếu là nữ, có kinh nghiệm nên trong quá trình làm việc họ rất sát với chị em, dễ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Đây là điều căn bản của công tác tuyên truyền dân số. Trong khi đó, hiện nay, đội ngũ cộng tác viên kiêm nhiệm y tế thôn, bản họ có lợi thế về chuyên môn, nhanh nhẹn nhưng để “đi sâu đi sát, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” thì còn nhiều khó khăn.

Cung cấp dịch vụ dân số cho người dân xã Yên Hòa, huyện Tương Dương. Ảnh: CSCC
Cung cấp dịch vụ dân số cho người dân xã Yên Hòa, huyện Tương Dương. Ảnh: CSCC

Cùng với thay đổi về đội ngũ, việc sáp nhập thôn, xóm cũng ảnh hưởng khá nhiều đến các hoạt động. Như tại xã Nghi Trường (Nghi Lộc), sau sáp nhập xã từ 19 xóm chỉ còn lại 5 xóm. Địa bàn mỗi xóm rộng, dân số đông, trong khi đội ngũ cộng tác viên dân số lại có nhiều thay đổi nên việc nắm bắt dữ liệu dân cư hoặc triển khai các hoạt động rơi vào khó khăn.

Nói về điều này, chị Nguyễn Thị Thu Huyền - viên chức dân số xã Nghi Trường chia sẻ: Địa bàn quá rộng, cộng tác viên dân số không thể bao quát được hết các hộ dân, kể cả việc biến động dân số như số trẻ sinh ra, số người chuyển đi… Vì vậy, ngoài kênh cộng tác viên chúng tôi phải phối hợp với tư pháp và công an để cập nhật số liệu nhưng khó có thể đảm bảo. Bên cạnh đó, hiện nay, chúng tôi không tuyên truyền đến được từng hộ dân. Thay vào đó, phải phối hợp với phụ nữ, hội nông dân, tư pháp và tuyên truyền lồng ghép trong các hoạt động.

Nâng cao năng lực

Tại thành phố Vinh, do đặc thù riêng nên sau khi Nghị quyết số 15/2020/NQ-HĐND tỉnh được ban hành, đội ngũ cộng tác viên dân số của thành phố Vinh đã được kiện toàn lại theo 2 hướng. Trong đó, với các phường, cộng tác viên dân số sẽ kiêm công tác y tế tại khối. Với các xóm thuộc các xã thì nhân viên y tế kiêm nhiệm công tác dân số.

Trong quá trình thực hiện, do quy định mới nên việc tổ chức lại đội ngũ cộng tác viên dân số ở các khối, xóm gặp nhiều khó khăn và nhiều thôn, xóm vẫn chưa có cộng tác viên dân số vì không đủ tiêu chuẩn tuyển dụng (phải có chứng chỉ y tế).

Các học viên tham gia lớp tập huấn về truyền thông dân số. Ảnh: CSCC
Các học viên tham gia lớp tập huấn về truyền thông dân số. Ảnh: CSCC

Để gỡ khó cho cơ sở, trong mấy năm trở lại đây, năm nào ngành Dân số của thành phố Vinh cũng tham mưu cho địa phương cấp kinh phí để tổ chức các lớp tập huấn để tăng cường nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm công tác dân số. Thông qua lớp tập huấn, các cộng tác viên dân số cơ sở cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình hoạt động, những khó khăn ở các phường, xã để từ đó tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với công tác dân số trên địa bàn thành phố.

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An cũng là đơn vị đi đầu trong cả nước trong việc triển khai tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ dân số từ tỉnh xuống cơ sở và đến từng thôn, xóm. Trong tháng 8, lớp tập huấn với sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu đã được những chuyên gia đầu ngành về dân số giới thiệu về nhiều chuyên đề như: Truyền thông nâng cao chất lượng dân số tại cơ sở và vai trò của Ban chỉ đạo công tác dân số và phát triển cấp huyện, cấp xã đối với công tác dân số và phát triển.

Lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ dân số. Ảnh: Mỹ Hà
Lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ dân số. Ảnh: Mỹ Hà

Tham gia trực tiếp các lớp tập huấn ở Nghệ An, bác sĩ Mai Xuân Phương - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cũng đánh giá rất cao sự nỗ lực, vượt khó của ngành Dân số Nghệ An. Đồng thời cho rằng, Nghệ An là một trong những tỉnh đi đầu trong công tác tuyên truyền truyền thông dân số từ tỉnh đến cơ sở với nhiều hình thức đa dạng, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn khác nhau. Trong quá trình triển khai, đội ngũ làm dân số của tỉnh cũng nhiệt tình, trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ để hoàn thành nhiệm vụ.

Về vấn đề nâng cao năng lực cho đội ngũ những người làm dân số, ông Nguyễn Bá Tân – Chi cục Trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cũng chia sẻ về những khó khăn trong công tác dân số hiện nay ở cơ sở. Vì vậy, trong khả năng của ngành, ngành luôn tạo mọi điều kiện để tổ chức các lớp tập huấn, triển khai các chương trình để đội ngũ cộng tác viên có nhiều cơ hội tham gia và để chia sẻ học hỏi kinh nghiệm.

Các học viên trao đổi tại buổi tập huấn về nâng cao năng lực truyền thông cho cán bộ dân số.

Các học viên trao đổi tại buổi tập huấn về nâng cao năng lực truyền thông cho cán bộ dân số.

Chi cục Trưởng Chi cục Dân số cũng khẳng định: Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững. Vì vậy, thời gian tới, song song với việc tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực, chúng tôi sẽ chú trọng xây dựng các chuyên đề xuất phát từ những vấn đề khó khăn, thuận lợi thực tiễn của địa phương trong thực hiện công tác dân số./.

Tin mới