Nâng cao sức chiến đấu của Đảng từ chi bộ

(Baonghean.vn) - Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng có vai trò, ý nghĩa quyết định đến các phong trào ở từng địa phương. Bởi vậy, Huyện ủy Nghĩa Đàn vừa ban hành Đề án số 01-ĐA/HU, ngày 7/7/2021 về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, trước hết là từ chi bộ, giai đoạn 2021 - 2025.

Khâu mấu chốt ở cán bộ

Nghĩa Mai là xã có diện tích lớn nhất huyện Nghĩa Đàn, xa trung tâm huyện, tiếp giáp với huyện Quỳ Hợp. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 70% dân số. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, từng chi bộ chưa thật sự rõ nét mà một trong những nguyên nhân xuất phát từ nội bộ chưa đoàn kết, đồng thuận cao; phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ, công chức chưa sâu sát, cụ thể. Nghĩa Mai vẫn là xã khó của huyện Nghĩa Đàn.

Từ sự sâu sát cơ sở từ cán bộ lãnh đạo xã Nghĩa Mai, đã, đang tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Mai Hoa
Sự sâu sát cơ sở từ cán bộ lãnh đạo xã Nghĩa Mai, đã, đang tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Mai Hoa

Sau đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, đội ngũ cán bộ xã được kiện toàn. Bí thư đảng ủy xã được luân chuyển từ xã khác về và chủ tịch UBND xã được bầu mới. Cách thức lãnh đạo, chỉ đạo cũng thay đổi với phương châm “tập trung dân chủ”; phân vai, phân việc cụ thể gắn với kiểm tra, giám sát để cán bộ, công chức “sát việc, sâu cơ sở”. Đảng ủy xã cũng đã kịp thời ban hành nghị quyết nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể; nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ; phân công từng đồng chí Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ, ngoài sinh hoạt ở chi bộ mình, hàng tháng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ phụ trách để kịp thời thông tin các chủ trương cũng như nắm bắt, định hướng lãnh đạo kịp thời cho chi bộ.

Đồng chí Trần Đăng Huy - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Mai chia sẻ: Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị; trong đó vai trò nêu gương của người đứng đầu các tổ chức, các đảng viên sẵn sàng “xung trận” ở những lĩnh vực, địa bàn khó, đã tạo luồng “gió mới” ở Nghĩa Mai. Điển hình nhất là hai tuyến đường nối Quốc lộ 48E về trung tâm xã kéo dài 8 km dù không có kinh phí bồi thường nhưng cấp ủy, chính quyền đã vận động 220 hộ bị ảnh hưởng đồng thuận giải phóng mặt bằng. Địa phương cũng đã vận động nhân dân hiến đất, tài sản, đóng góp tiền làm 2km đường bê tông; xây dựng một số mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt tại làng Giàn, làng Cáo…

Đảng ủy xã cũng tập trung lãnh đạo các chi bộ, MTTQ và các đoàn thể triển khai các giải pháp phát triển đảng viên. Trong 6 tháng đầu năm đã kết nạp được 4 đảng viên và 5 đối tượng đảng đang tiếp tục làm thủ tục kết nạp.

Đồng chí Trần Đăng Huy - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Mai 

Một góc nông thông mới ở xã Nghĩa Mai. Ảnh: Mai Hoa
Một góc nông thông mới ở xã Nghĩa Mai. Ảnh: Mai Hoa

Có thể nói, từ việc sâu sát cơ sở, quan tâm địa bàn, chi bộ khó của cán bộ xã đã tạo động lực, niềm tin, chỗ dựa vững chắc cho các chi ủy, chi bộ nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào. Như chia sẻ của đồng chí Cao Thị Liên - Bí thư Chi bộ làng Mai Thịnh: Ở Chi bộ làng Mai Thịnh, từ không có ki lô mét đường bê tông nào thì trong 6 tháng đầu năm 2021 đã làm được hơn 600m và hệ thống đường trong nội làng cũng được bà con đồng thuận nâng cấp, tôn tạo, tạo đi lại thuận lợi cho nhân dân. Gần 10 năm không kết nạp được đảng viên thì 6 tháng đầu năm 2021, chi bộ cũng đã cử 2 quần chúng ưu tú tham gia lớp đối tượng Đảng. Sinh hoạt chi bộ đi vào nề nếp và ý thức tham gia đóng góp của đảng viên sôi nổi, trách nhiệm hơn. Sự lãnh đạo của chi ủy, chi bộ luôn “lấy dân làm gốc”, mọi chủ trương, phong trào đều thông qua nhân dân và phát huy sức mạnh nhân dân.

Xác định khâu mấu chốt để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng chính là đội ngũ cán bộ, đảng viên; cho nên ở xã Nghĩa Trung, thời gian qua, cấp ủy đã đề ra nhiều biện pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Ngoài tạo điều kiện cho cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo với 100% có trình độ chuyên môn đại học, 87% có trình độ chính trị trung cấp; Nghĩa Trung quan tâm nâng cao tinh thần, thái độ trách nhiệm của đội ngũ trước công việc và trước nhân dân. Cùng với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, cấp ủy cũng quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sinh hoạt các chi bộ địa phương.

Xã Nghĩa Trung (Nghĩa Đàn) tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Mai Hoa
Xã Nghĩa Trung (Nghĩa Đàn) tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Phan Văn Hiển - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Trung chia sẻ: Trong lãnh đạo, chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền đề cao sự chủ động của các ngành, lĩnh vực, tổ chức trong việc tham mưu; đồng thời các chủ trương cấp ủy, chính quyền đề ra đều được giao cụ thể và đặt ra yêu cầu về chất lượng, khối lượng, thời gian thực hiện rõ ràng. Cấp ủy duy trì chế độ giao ban hàng tuần, hàng tháng; đặc biệt là tổ chức chào cờ đầu tuần để đánh giá, kiểm điểm công việc, nhất là phân tích, nhắc nhở thường xuyên, kịp thời những cán bộ, công chức chểnh mảng công việc hoặc có phản ánh của nhân dân về tinh thần, thái độ làm việc.

Ở các chi bộ, đảng ủy xã đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thông qua tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng sinh hoạt chi bộ, cung cấp các tài liệu, thông tin cho các chi bộ; phân công cấp ủy viên tham gia sinh hoạt các chi bộ xóm và các ủy viên ban thường vụ chịu trách nhiệm chính về kết quả của chi bộ được giao phụ trách.

Công tác phát triển đảng viên được gắn trách nhiệm cho từng chi bộ, các đoàn thể cấp xã và từng ủy viên chấp hành. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2021, Đảng bộ xã Nghĩa Trung đã kết nạp được 5 đảng viên mới và dự kiến cả năm là 9 đảng viên.

Đồng chí Phan Văn Hiển - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Trung

Huyện Nghĩa Đàn có tới 40 - 60% diện tích mía được áp dụng cơ giới hóa hoàn toàn ở các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch. Ảnh: Mai Hoa
Huyện Nghĩa Đàn có tới 40 - 60% diện tích mía được áp dụng cơ giới hóa hoàn toàn ở các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch. Ảnh: Mai Hoa

Nhiều giải pháp đồng bộ

Đồng chí Phan Tiến Hải - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghĩa Đàn chia sẻ: Thực tiễn chứng minh, nơi nào năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng tốt thì nơi đó có các phong trào tốt; các vấn đề bức xúc, đơn thư, phản ánh của   nhân dân được quan tâm giải quyết, tạo sự yên dân để phát triển. Năng lực lãnh đạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như về chất lượng đội ngũ; về năng lực đề ra các chương trình, nghị quyết, nhiệm vụ trọng tâm, sát với thực tế địa phương; có phương thức, cách thức lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, trong đạo đức, lối sống...

Ở huyện Nghĩa Đàn, thời gian qua, bên cạnh một số tổ chức đảng thể hiện rõ năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu thì vẫn còn tổ chức đảng còn hạn chế. Biểu hiện là việc ban hành chủ trương, nghị quyết của cấp ủy đảng chất lượng chưa cao; khả năng vận dụng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết cấp trên chưa hiệu quả; thiếu chủ động trong phát hiện, đấu tranh, giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở…

Trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho học sinh Trường THPT 1-5 (Nghĩa Đàn). Ảnh tư liệu: Minh Thái
Trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho học sinh Trường THPT 1-5 (Nghĩa Đàn). Ảnh tư liệu: Minh Thái

Mặt khác, chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ còn hạn chế; nhiều chi bộ không tổ chức được sinh hoạt chuyên đề theo quy định. Công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên ở chi bộ khu dân cư còn gặp nhiều khó khăn, nhất là ở vùng đặc thù. Hiện Nghĩa Đàn vẫn còn 2 xóm chưa có đảng viên tại chỗ và 8 xóm có nguy cơ không còn chi bộ; một số chi bộ nhiều năm không kết nạp được đảng viên. Trong cán bộ, đảng viên, một số năng lực công tác hạn chế, ý thức trách nhiệm chưa cao; việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau kiểm điểm kết quả chưa cao…

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, Huyện ủy Nghĩa Đàn ban hành Đề án số 01-ĐA/HU, ngày 7/7/2021 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, trước hết là từ chi bộ, giai đoạn 2021 - 2025” với nhiều nhóm giải pháp chung và cho từng loại hình tổ chức Đảng cụ thể. Trong đó tập trung nhất là tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng; quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Đàn cũng khẳng định quyết tâm sẵn sàng điều chuyển, thay thế cán bộ đối với những nơi năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu hạn chế, dẫn đến phong trào của đơn vị yếu kém hoặc trì trệ.

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng được xác định là nhiệm vụ quan trọng và quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng cũng như lãnh đạo thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp trên bàn huyện Nghĩa Đàn.

Đồng chí Phan Tiến Hải - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghĩa Đàn

Quang cảnh thị trấn Nghĩa Đàn. Ảnh tư liệu
Quang cảnh thị trấn Nghĩa Đàn. Ảnh tư liệu

Tin mới