Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong phản biện xây dựng văn bản pháp luật

(Baonghean.vn) - Tham gia đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiều đại biểu cho rằng cần quy định vai trò phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật một cách rõ ràng, thống nhất hơn.
Sáng 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tham gia ý kiến xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Nguyễn Thanh Hiền, Trần Văn Mão chủ trì hội nghị.Tham dự có đại diện các Sở, Ban, Ngành liên quan. Ảnh: Thanh Quỳnh
Sáng 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tham gia ý kiến xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Nguyễn Thanh Hiền, Trần Văn Mão chủ trì hội nghị.Tham dự có đại diện các sở, ban, ngành liên quan. Ảnh: Thanh Quỳnh

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được ban hành và có hiệu lực vào năm 2015 với nhiều nội dung, chính sách của Luật mới được triển khai thực hiện. Do vậy, trong quá trình triển khai vào thực tiễn vẫn còn tồn tại một số vấn đề vướng mắc, bất cập liên quan đến: Phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật; bổ sung một số quy định về bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; vai trò phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, nghị quyết...

Thống nhất trong quy định vai trò phản biện của MTTQ

Liên quan đến vai trò phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận tổ quốc trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Quế Thị Trâm Ngọc - Trưởng phòng kiểm tra và xây dựng văn bản Quy phạm Pháp luật sở Tư pháp cho rằng Luật cần quy định nội dung này một cách rõ ràng, thống nhất hơn.

Thời gian qua, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác tham gia xây dựng pháp luật được quy định bởi Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 và các luật liên quan.
Đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo luật tại hội nghị. Ảnh: Thanh Quỳnh
Đại diện Sở Tư pháp đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo luật tại hội nghị. Ảnh: Thanh Quỳnh
Vai trò này được quy định trong quy trình xây dựng pháp luật gồm: Quyền kiến nghị ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quyền soạn thảo văn bản, trình dự thảo văn bản ra trước cơ quan có thẩm quyền, kiểm soát trước văn bản quy phạm pháp luật; đến thực hiện pháp luật đều có vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tuy nhiên, tại khoản 2, điều 6 (Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung) quy định vai trò của MTTQ Việt Nam thực hiện phản biện "chỉ trong trường hợp những dự thảo văn bản pháp luật này được phản biện". Điều này gây ra sự lúng túng, thiếu đồng bộ trong việc thực hiện vai trò phản biện của Mặt trận và quá trình gửi văn bản thực hiện phản biện từ cơ quan chủ trì.

Để khắc phục, đại biểu kiến nghị xem xét việc thực hiện tham gia phản biện của Ủy ban MTTQ đối với tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là đối với văn bản do cấp tỉnh ban hành.

Nâng cao hiệu lực các văn bản dưới Luật
Nhiều ý kiến cho rằng, thực tế hiện nay, các văn bản luật được ban hành, đã có hiệu lực nhưng các văn bản dưới luật như: nghị định, thông tư, hướng dẫn... chưa được ban hành kịp thời, nhanh chóng. Thậm chí, có những nghị định, hướng dẫn lại không trùng khớp với những nội dung của văn bản luật đã được ban hành trước đó.
Tuyên truyền chính sách pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số tại Thanh Chương. Ảnh: Thanh Quỳnh
Tuyên truyền chính sách pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số tại Thanh Chương. Ảnh: Thanh Quỳnh
Thực trạng này dẫn đến hạn chế trong giải quyết thủ tục hành chính, giải thích pháp luật tạo khoảng trống pháp lý trong thời gian chờ văn bản dưới luật. Đồng thời gây khó khăn trong việc áp dụng, thi hành các văn bản dưới luật trong thực tiễn.
Các đại biểu cũng đề nghị xem xét việc mở rộng thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật cho chính quyền cấp huyện, xã trong quy định các vấn đề, chính sách đặc thù của địa phương theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đây là cơ sở để giải quyết các vấn đề bức thiết liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy các chính sách khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư của mỗi đơn vị địa phương.
Một số vấn đề khác liên quan đến việc xây dựng nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND cấp tỉnh; thành lập Ban soạn thảo dự án luật, pháp lệnh; về việc thẩm tra dự án luật, pháp lệnh; văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh; xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở trung ương, địa phương... cũng được các đại biểu cho ý kiến góp ý tại hội nghị. 

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội, các đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội ghi nhận, tổng hợp ý kiến của các đại biểu tham gia xây dựng dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tới.

Tin mới