Nâng giá trị hải sản sau khai thác: Bài 1: Khó khăn chồng lên khó khăn

Tại Nghệ An, mặc dù bà con ngư dân đã có nhiều cố gắng để giữ nghề và vươn khơi bám biển. Thế nhưng do đánh bắt không hiệu quả và chi phí đầu vào tăng quá cao nên thường xuyên rơi vào cảnh thua lỗ. Mỗi lần cho tàu cá ra khơi là lựa chọn đầy khó khăn vì đánh cược với may rủi, được thua…

Nghệ An là một trong những tỉnh được thiên nhiên ưu đãi với bờ biển kéo dài 82 km cùng hệ thống sông ngòi phát triển. Dọc bờ biển có 6 cửa lạch (Lạch Cờn, Lạch Vạn, Lạch Thơi, Lạch Quèn, Cửa Lò, Cửa Hội). Hải phận rộng 4.230 hải lý vuông; ven biển có trên 3.000 ha diện tích mặt nước mặn lợ, có khả năng nuôi tôm cua, nhuyễn thể… Đây là điều kiện thuận lợi để những hộ dân ven biển làm kinh tế bao gồm phát triển du lịch, làm muối, khai thác thuỷ sản cùng với đó là các hoạt động sản xuất, kinh doanh kéo theo khác như đóng tàu, làm đá, chế biến thuỷ sản. Mặc dù vậy, khi kinh tế biển chưa phát triển xứng đáng với tiềm năng, thì những hoạt động của con người đã gây ô nhiễm và tổn hại nghiêm trọng tới nguồn lợi thuỷ sản.

Về các xã vùng biển trọng điểm đánh bắt hải sản của huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai dịp này, không khó nhận ra không khí lo lắng ở các làng biển. Lo lắng là bởi, khi ngoại trừ một số ít tàu đánh bắt hiệu quả nên trả được phần lớn nợ vay đóng mới tàu, còn lại đa phần các tàu hình thành là do vay vốn, trong đó chủ yếu là vốn từ ngân hàng.

Tàu cá của ngư dân Nghệ An vươn khơi khai thác hải sản. Ảnh: Xuân Hoàng
Tàu cá của ngư dân Nghệ An vươn khơi khai thác hải sản. Ảnh: Xuân Hoàng

Quả thực, nếu như trước đây, tàu công suất 600 CV mỗi chuyến chỉ 100 triệu đồng tiền dầu, thì nay lên tới 150 triệu. Anh Ân cũng như một số hộ có tàu nên gọi là nhà nghề, cùng vay vốn và tự đi đóng tàu nên trả được nợ dù không quá áp lực nhưng do đánh bắt không được nên từ ra Tết đến giờ mới đi có 1 chuyến và chỉ đủ tiền dầu. Cái khó đối với ngư dân là đánh bắt kém hiệu quả nên các đại lý xăng dầu cũng ngại cho ứng trước tiền dầu, và nếu có thì cũng chỉ được chịu vài chuyến với 5 ngàn lít dầu.

Ngư dân Bùi Xuân Vinh là lao động làm thuê ở xóm Phú Thành, xã Quỳnh Long, cho biết thêm: Các năm trước, 4 tháng đầu năm nay, tàu đi vây đánh được cả chục chuyến biển rồi nhưng năm nay, do giá dầu tăng và biển động liên tục nên mới đi được 2 chuyến, trong đó 1 chuyến lỗ dầu, 1 chuyến vừa rồi đủ chi phí và có công hơn 1 triệu mang về cho gia đình. Xăng dầu tăng mà ra khơi đánh bắt được thì cũng không sợ vì chi phí lớn, về bán sản phẩm cao cũng đủ bù đắp. Đằng này, tàu đóng theo NĐ 67, khi giá xăng dầu lên cộng đánh bắt kém hiệu quả nên khó khăn nhân lên gấp đôi, gấp ba.

Theo thống kế của các hội nghề cá tại Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai, từ cuối năm ngoái đến nay, nhiều tàu càng đi càng lỗ khiến số lượng tàu trên địa bàn đang giảm rất nhanh. Một số ngư dân, dù yêu nghề nhưng đánh bắt kém hiệu quả và càng đánh càng lỗ nên đành “cắn răng” bán tháo tàu cá với giá rẻ mạt để “cắt lỗ”.

Theo ông Lê Bá Kỷ – Chủ tịch Hội Nông dân xã Quỳnh Lập, trước đây, ngư dân trên địa bàn chủ yếu bán tàu do cũ nát, còn gần đây tàu đang tốt và hoạt động bình thường cũng bán. Tại Quỳnh Long, Sơn Hải (Quỳnh Lưu) hay Quỳnh Lập (TX Hoàng Mai, có những con tàu 67 trước đây đóng mới 12-14 tỷ đồng hoặc tàu cá do ngư dân tự đóng trị giá 3 – 5 tỷ đồng nhưng nay bị ngân hàng hóa giá chỉ 800 triệu đến 1 tỷ đồng, có tàu ngư dân vẫn chấp nhận bán 500 đến 700 triệu đồng. Cụ thể, từ đầu năm 2022 đến nay, xã Sơn Hải đã có hơn 10 tàu 4 sào đi câu mực, xã Quỳnh Long có gần 50 tàu đi vây, xã Quỳnh Lập có 8 chiếc tàu cá công suất trên 90 CV trên địa bàn xã phải bán khỏi địa bàn.

Nghề đi vây đánh xa bờ tại Quỳnh Long, Tiến Thủy đã thế còn đánh giã 4 sào vùng lộng cũng tương tự. Đang lúc chuẩn bị hậu cần cho chuyến biển mới, anh Hồng, xóm 4 xã Sơn Hải chìa biên lai 40 triệu  đồng tiền dầu và cho biết: Tàu gia đình đánh ở vùng lộng, từ 50 hải lý trở ra. Vài năm lại đây, do nguồn lợi thủy sản giảm và tàu đi nghề giã đơn nên phải chịu khó và may thì mới đủ tiền dầu. Mỗi chuyến đi vài ba ngày, chi phí khoảng 40 triệu tiền dầu nên phải tính toán, không thể cứ dong khơi được.

Ông Hoàng Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải xác nhận: xã có đội tàu gần 100 chiếc chuyên đi 2 sào và 4 sào để câu mực, câu cá hố xuất khẩu, từng là điểm sáng nghề cá của tỉnh và góp phần thúc đẩy các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề biển phát triển. Tuy nhiên, hiện nghề cá xã đang ở thời điểm vô cùng khó khăn, chi phí xăng dầu quá lớn và đánh bắt không được; 3 năm lại đây, bình quân mỗi lao động nghề cá thu nhập chỉ vài triệu đồng/tháng, nên quá nửa trong tổng số 100 tàu thuyền đã nằm bờ từ đầu năm đến nay và gần 500 lao động trên tổng số 1.200 lao động nghề cá đã học chứng chỉ để đi vận tải biển và xuất khẩu lao động.

Từ đầu năm tới nay, hàng chục ngư dân xã Quỳnh Lập đã phải ngậm ngùi bán tàu cá. Ảnh: Xuân Hoàng
Từ đầu năm tới nay, hàng chục ngư dân xã Quỳnh Lập đã phải ngậm ngùi bán tàu cá. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Trần Như Long – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An cho biết: Từ năm 2020 đến nay, dù đi vây đánh bắt xa bờ của Quỳnh Long, Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa  (Quỳnh Lưu) hay nghề câu mực, đánh cá hố ở Sơn Hải (Quỳnh Lưu), nghề đánh lưới rê ở Quỳnh Phương, Quỳnh Lập (TX Hoàng Mai); nghề giã ở Diễn Châu đều gặp khó khăn. Gần 5 tháng đã qua và vụ cá Nam truyền thống được 1 tháng nhưng tỷ lệ tàu ra khơi rất ít, số nằm bờ chiếm gần 40%. Mặc dù thống kê sản lượng đánh bắt vẫn tăng nhưng do chi phí đầu tư cao và chi phí xăng dầu lớn nên thu nhập của bà con ngư dân bị giảm.

Báo cáo của Tổng cục Thủy sản tại hội thảo nâng cao hiệu quả nghề cá cuối tháng 4 vừa rồi cho thấy: năm 2020, sản lượng và năng suất khai thác trên cả nước có chiều hướng tăng khi bình quân trên tàu thuyền khoảng 41 tấn/tàu/năm. Tuy nhiên, tính bình quân sản lượng khai thác trên đơn vị công suất đã giảm đi rõ rệt. Cụ thể, nếu như năm 1985, năng suất bình quân đạt 1,1 tấn/CV/năm thì nay chỉ còn 0,26 tấn/CV/năm; công lao động chỉ vài triệu đồng/người/tháng.

Có thể nói, hiệu quả khai thác đánh bắt hải sản trên địa bàn Nghệ An nói riêng và các tỉnh ven biển nước ta nói chung ngày càng giảm là do đội tàu phát triển quá nhanh, cường lực khai thác quá mạnh so với khả năng sinh sản, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên biển. Song song với phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, thì đội tàu đánh gần bờ cũng không giảm mà tìm cách đầu tư, cải tiến để đánh bắt với cường lực mạnh thêm.

Có mặt tại cảng cá Lạch Vạn (Diễn Châu) cho thấy, ngày nào cũng có hàng chục đôi tàu về cảng, mang theo hàng tạ hải sản là cá tạp, mang tính tận diệt. Một ngư dân xã Diễn Ngọc bị bắt và xử phạt vì nghề giã cào bộc bạch: làm nghề giã gần bờ, hải sản không có giá trị cao, chủ yếu nhập cho các thương lái thu mua về cho các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi. Mỗi chuyến đi giã, may thì được 3-5 triệu đồng vừa đủ tiền công, dầu còn nếu không may thì bị bắt, nhà có tàu không đi biển không được nhưng tàu nhỏ, máy yếu nên không đánh ra vùng lộng được.

Tàu cá neo đậu tại cảng cá Lạch Vạn (Diễn Châu). Ảnh: Quang An
Tàu cá neo đậu tại cảng cá Lạch Vạn (Diễn Châu). Ảnh: Quang An

Bên cạnh nguyên nhân năng lực đội tàu nhỏ nên ngư dân “cái khó bó cái khôn”, thì còn không ít ngư dân khi bất chấp, dùng kích điện, thậm chí thuốc nổ để đánh bắt. Ông Trần Văn Nguyện – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long thừa nhận: So với trước đây, dù hiện tượng đánh bắt trái phép bằng hình thức tận diệt đã giảm nhưng vẫn còn không ít tàu cá và ngư dân tàng trữ và sử dụng. Hiện tượng cá bị chết do vỡ bụng dạt vào bờ biển Quỳnh Lưu gần đây nhiều khả năng do bị đánh mìn.

Tham gia các đoàn kiểm tra khai thác ven biển 2 năm lại đây, tỷ lệ các tàu cá tàng trữ các công cụ đánh bắt trái phép không ít, chỉ cần các cơ quan chức năng kiểm tra gắt gao là ngư dân cắt ngư cụ vi phạm hoặc vứt dây cháy chậm để tẩu tán.

Theo khảo sát đánh giá của Viện nghiên cứu hải sản, Tổng cục Thủy sản công bố vào tháng 7/2021 cho biết: 5 năm lại đây, số lượng giống loài hải sản và trữ lượng hải sản trên vùng biển Vịnh Bắc bộ đã giảm mạnh. Trước đây, nhiều loài thường xuyên xuất hiện nhưng thì nay không còn nữa. Ông Bùi Văn Nam- ngư dân xã Quỳnh Long đơn cử: Trước đây, đánh ở Vịnh Bắc bộ có cá hố và cá thu loại to nhưng nay gần như rất ít và hiếm gặp.

Mặt khác, do nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm và Hiệp định nghề cá tại vùng Vịnh Bắc bộ không được ký lại nữa và Trung Quốc thường xuyên cấm biển từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm, trong đó kiểm tra, kiểm soát vùng đánh cá chung nên các tàu xa bờ của bà con muốn đánh bắt thường phải xuôi xuống vùng biển phía Nam như Hà Tĩnh, Quảng Bình mới có cá.

Ông Vũ Ngọc Chắt – Chủ tịch Hội nghề cá Quỳnh Long nhớ lại: Trước đây, khi mới triển khai chuyển đổi đánh bắt từ câu mực sang đi vây, mỗi chuyến biển từ 5-7 ngày mà được vài ba chục tấn cá và thu 1-2 tỷ đồng/tàu nhưng nay do thủy sản cạn kiệt và đội tàu đánh quá dày nên rất hiếm tàu được hàng chục tấn cá. Tính riêng Vịnh Bắc bộ đã có hàng ngàn tàu đánh xa bờ của các tỉnh Nghệ An, Nam Định, Thanh Hóa, Hải Phòng và vùng biển ven bờ Nghệ An cũng còn tới 2.000 tàu dưới 15 m đang đánh bắt nên nguồn lợi thủy sản suy giảm là khó tránh khỏi.

Được biết, cùng với việc tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thủy sản đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng tái cơ cấu, nâng tỷ lệ hải sản từ khai thác là chính sang nuôi trồng ven bờ, để giảm cường lực đánh bắt… Bộ Nông nghiệp & PTNT, Tổng Cục Thủy sản đã giới hạn hạn ngạch cấp phép mới với hoạt khai thác đối với các tỉnh và đang nghiên cứu chính sách hỗ trợ ngư dân để cấm biển vào mùa sinh sản nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

(Còn nữa)