Nâng giá trị hải sản sau khai thác: Bài 2: Bất cập trong bảo quản, chế biến

Hoạt động khai thác trên biển được ví như là đầu tàu, nếu đánh bắt hiệu quả thì hoạt động hậu cần trên bờ phát triển. Ngược lại, khi tàu nằm bờ, hoạt động kém hiệu quả thì dịch vụ hậu cần bộc lộ bất cập, yếu kém. Mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng hạ tầng bảo quản hải sản trên tàu cá cũng như dịch vụ trên bờ của Nghệ An còn không ít bất cập.

Từ thực tế khảo sát tại các tàu xa bờ cũng như vùng lộng, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh một số tàu được đóng mới theo Nghị định 67 có hệ thống kho đông bảo quản hải sản khá hiện đại, đầu tư bằng chất liệu mút xốp P.U hoặc dưới hầm lạnh có các khay nhựa đựng cá. Số còn lại, đa phần các tàu do bà con ngư dân đầu tư từ trước đến nay nên sử dụng công nghệ hầm bảo quản thủy sản truyền thống. Đó là cách nhiệt bằng tấm xếp ép chặt vào vách hầm; một số tàu đi giã hoặc chụp, ngoài thùng đông lạnh còn có thêm thùng nhựa dùng muối để ướp, bảo quản cá, tôm nên khá thủ công, lạc hậu. Trao đổi với chúng tôi, nhiều ngư dân xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) và xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) thành thật nói: Tàu cũ trị giá chỉ dăm bảy chục triệu đến vài trăm triệu đồng, nên không thể đầu tư kho đông hàng trăm triệu đồng.

Chia sẻ với thực trạng này, ông Hoàng Huy Phương – chủ một cơ sở thu mua, chế biến hải sản tại cảng Quỳnh Phương (TX. Hoàng Mai) bổ sung: Kho đông của gia đình khi nào cũng ưu tiên mua hải sản của bà con ngư dân Nghệ An, nhưng nhiều lúc buộc phải mua hàng nơi khác vì bà con các tỉnh bảo quản hải sản tốt hơn, tỷ lệ hao hụt thấp. Hàng hải sản đưa vào kho đông thường là loại ngon, giá cao, nếu không tươi và chất lượng thì khi bán sẽ đối mặt với nguy cơ bị khách hàng trả lại thì mất uy tín, rất khó làm ăn sau này.

Hầm bảo quản hải sản trên những tàu cá cũ, nhỏ, chưa được hiện đại hóa. Ông Lê Hội Huấn - xóm Tâm Tiến giới thiệu dàn cấp lạnh cho kho đông mới và hiện đại nhất Quỳnh Lập. Ảnh: Xuân Hoàng - Nguyễn Hải
Hầm bảo quản hải sản trên những tàu cá cũ, nhỏ, chưa được hiện đại hóa. Ông Lê Hội Huấn - xóm Tâm Tiến giới thiệu dàn cấp lạnh cho kho đông mới và hiện đại nhất Quỳnh Lập. Ảnh: Xuân Hoàng - Nguyễn Hải

Từ thực tế quan sát, tìm hiểu tại các cảng cá cho thấy, một số tàu đi vây, công nghệ bảo quản hải sản trên tàu chủ yếu bằng đá lạnh, thêm nặng tàu, nên khi di chuyển hao tốn nhiên liệu. Trên tàu, mặc dù đã có khay nhựa nhưng sắp đặt còn khá cẩu thả, chất lượng các khay không đều; hải sản trong quá trình bốc dỡ lên bờ chưa đảm bảo vệ sinh nên hải sản khi mới đánh được thì nhìn khá tươi ngon nhưng qua quá trình bảo quản đã bầm dập, giảm chất lượng.

Ông Hồ Thanh Hải ở xóm Đồng Tiến, xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) cho rằng: Nghề biển đang khó khăn, tàu 7 tỷ đồng do có 5-7 người chung vốn, giờ đánh bắt khó khăn, chuyển đổi công nghệ bảo quản hay mua sắm thêm máy dò cá thì số tiền lên tới 500-700 triệu đồng là không đơn giản. Đầu tư xong đánh bắt được thì không sao nhưng lỡ may không được thì không trả được nợ. Đơn cử như thay bóng đèn chiếu sáng trên tàu từ công nghệ halogen công suất hàng trăm watt/chiếc để giảm tiền dầu chạy phát sáng bằng công nghệ đèn led, chỉ mất 40 triệu đồng, trong đó được tỉnh hỗ trợ 30% nhưng các ngư dân vẫn không hào hứng và mặn mà.

Ngoài đánh bắt chưa hiệu quả, hiện nay do quy trình khai thác và điều kiện chế biến bảo quản trên tàu còn khá lạc hậu nên chất lượng hải sản sau khi khai thác bị ảnh hưởng. Tại Hội thảo về Chương trình Quốc gia phát triển hải sản bền vững do Tổng cục Thủy sản phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An tổ chức đã công bố tỷ lệ hao hụt của hải sản sau khai thác của ngư dân nước ta là 30%. Ngoài hao hụt về số lượng, do bảo quản kém nên khi ra thị trường, chất lượng và giá trị hải sản cũng bị giảm và sức cạnh tranh kém.

Bên cạnh bất cập về công nghệ bảo quản hải sản trên tàu, các cơ sở thu mua, bảo quản trên các vùng hậu cần nghề cá của tỉnh cũng còn không ít hạn chế. Một ví dụ rõ nhất là tại cảng cá Cửa Hội thuộc phường Nghi Hải (TX. Cửa Lò) cho thấy đây là trung tâm hậu cần nghề cá của khu vực Bắc Trung Bộ khi được Bộ Nông nghiệp và PTNT đầu tư trên 100 tỷ đồng để làm cầu cảng và chợ. Hiện tại, khu vực này có trên 20 cơ sở, công suất lên tới hàng ngàn tấn hải sản tươi sống nhưng số lượt tàu ra, vào rất hạn chế. Đặc biệt, có khu vực kho bãi là chợ cá gần 1 ha đang bỏ hoang. Các cơ sở đại lý thu mua trên bờ, thay vì hợp tác chặt chẽ với chủ tàu cá để có nguồn hàng ổn định thì các cơ sở này thường xuyên gây khó dễ cho chủ tàu, nhất là các tàu cá ngoại tỉnh.

Một góc cảng cá Cửa Hội (phường Nghi Hải, Cửa Lò). Ảnh: Trung Hà
Một góc cảng cá Cửa Hội (phường Nghi Hải, Cửa Lò). Ảnh: Trung Hà

Trong khi nghề đánh bắt đang gặp khó khăn, thì khâu thu mua hải sản cũng bộc lộ không ít bất cập. Hiện nay, dọc 82 km bờ biển và các cửa lạch ven biển đều có các nhà máy thu mua, chế biến bột cá làm thức ăn gia súc quy mô lớn. Tuy nhiên, do công nghệ chế biến lạc hậu nên mỗi khi nhà máy hoạt động thường gây ô nhiễm môi trường. Tiếp sau Nhà máy Chế biến bột cá Hải An tại Lạch Quèn (Quỳnh Thuận) phần vì khó khăn, phần vì ô nhiễm mùi phải đóng cửa, thì mới đây là Nhà máy chế biến bột cá Bắc Miền Trung tại bờ Nam Lạch Quèn đang bị người dân sở tại phản đối, yêu cầu đóng cửa.

Nghệ An từng có các cơ sở sản xuất nước mắm quy mô lớn như Công ty CP Thủy sản Nghệ An, Công ty CP nước mắm Tân Hội và Cửa Hội tại phường Nghi Hải (TX. Cửa Lò); Công ty nước mắm Vạn Phần (Diễn Châu), Công ty CP chế biến hải sản 559 tại Quỳnh Thuận, Nhà máy chế biến thủy sản 38B tại xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu)… mỗi năm các cơ sở sản xuất hàng chục triệu lít nước mắm, tương đương với hàng chục ngàn tấn thủy sản. Tuy nhiên, các nhãn hiệu nước mắm công nghiệp Nghệ An thương hiệu quá yếu nên hiện mới chỉ có sản phẩm Công ty Tân Hội vào được chuỗi siêu thị BigC.

Bên cạnh khó khăn trên, các làng nghề chế biến hải sản truyền thống với tư cách là một trong những nơi thu mua, chế biến đầu ra mang lại giá trị lớn cho hải sản sau khai thác tại Nghệ An cũng gặp một vài vướng mắc. Nguyên do là vì thủ tục kiểm tra để chứng nhận an toàn thực phẩm quá phức tạp. Theo quy định của UBND tỉnh thì Chi cục Chế biến nông, lâm, thủy sản chỉ kiểm tra cấp cho doanh nghiệp, còn lại các hộ kinh doanh và cơ sở sản xuất thuộc làng nghề thì do các phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện hoặc Phòng Kinh tế (địa bàn đô thị) kiểm tra cấp chứng nhận. Tuy nhiên, do các phòng này không có chuyên môn thẩm định nên việc thẩm định khá lúng túng và chậm trễ.

Phần lớn các làng nghệ chế biến nước mắm trên địa bàn Nghệ An áp dụng công nghệ thủ công; Sau khi được cấp đông thì giá trị hải sản tăng gấp đôi. Ảnh: Xuân Hoàng - Nguyễn Hải
Phần lớn các làng nghệ chế biến nước mắm trên địa bàn Nghệ An áp dụng công nghệ thủ công; Sau khi được cấp đông thì giá trị hải sản tăng gấp đôi. Ảnh: Xuân Hoàng - Nguyễn Hải

Ông Nguyễn Văn Hà – Chi cục trưởng Chi cục Chế biến nông, lâm, hải sản Nghệ An chia sẻ: Hiện nay, hải sản đánh bắt được tại Nghệ An, từ cá cơm, cá thu, cá đốm cho đến mực, sứa… được bà con chế biến khá đa dạng. Khi thì làm nước mắm, hấp khô, nộm, tẩm ớt hoặc làm 1 nắng, cấp đông… Rõ ràng, trong khi Đề án phát triển chuỗi thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh chưa ứng dụng và phát huy hiệu quả thì đây là một trong giải pháp đầu ra và mang lại giá trị cho hải sản sau khai thác. Các sản phẩm chủ yếu bán qua thân quen hoặc xuất bán qua đường tiểu ngạch nhưng đã tạo giá trị tăng gấp 2-3 lần sau khai thác.

Ngoài 5 công ty chế biến nước mắm lớn với công suất 12-15 triệu lít/năm, Nghệ An có khoảng 300 cơ sở sản xuất nước mắm quy mô gia đình. Phần lớn các cơ sở chế biến gia đình dùng bể chượp bằng bê tông hoặc nhựa để ướp và chế biến cá làm nước mắm khiến nguyên liệu bị hư hao; nước mắm chưa có máy lọc xử các chất cặn và làm sạch nên chất lượng nước mắm sản xuất ra chưa đồng đều, giá trị thương hiệu chưa cao.

(Còn nữa)