![]() |
Đêm đến, bà con nông dân huyện Yên Thành ra đồng "săn" cua đồng, tuy nhiên, cua bắt ban đêm phần lớn là con nhỏ. Ảnh: Xuân Hoàng |
Đêm đến, trên các cánh đồng của các huyện Yên Thành, Đô Lương, Diễn Châu... bà con đội đèn pin ra đồng "săn" cua đồng. Tại góc ngã tư trên một số trục đường chính, thỉnh thoảng bắt gặp cảnh thương lái ngồi thu mua cua đồng nhộn nhịp.
![]() |
Cua đồng được thương lái thu mua với giá từ 110.000 - 120.000 đồng/kg. Ảnh: Xuân Hoàng |
Chị Đặng Thị Thu Hiển, thương lái thu mua cua ở xã Bắc Thành (Yên Thành) cho biết, thị trường Hà Nội và các thành phố khác tiêu thụ cua đồng mạnh, nên cua đồng tự nhiên ở quê càng tăng giá. Tuy nhiên, thời điểm này bà con bắt được cua giảm hẳn. Trước đây 1 người có thể bắt được 2 - 3 kg/ngày, thì nay may ra chỉ được 1 kg.
![]() |
Nhu cầu tiêu thụ cua tăng mạnh tại các thành phố phía Bắc, nhưng dịp này cua đồng ở Nghệ An hiếm, nên lượng cua bắt được mỗi ngày không nhiều. Ảnh: Xuân Hoàng |
Song, thời điểm này nhiều cánh đồng khô cạn nước, cua ít ra khỏi hang, nên khó bắt. Thương lái Nguyễn Văn Tần ở xã Long Thành cho hay, dịp này cua hiếm nên mỗi ngày ông thu mua gom trên địa bàn các xã; Long Thành, Khánh Thành, Nam Thành... (Yên Thành) chỉ được hơn 100 kg, trong khi trước đây ông thu mua được 2 - 3 tạ cua/ngày.
![]() |
Cua đồng được đóng vào bao tải để gửi xe khách vận chuyển ra phía Bắc để tiêu thụ, trong đó Hà Nội là nhiều nhất. Ảnh: Xuân Hoàng |
Ông Thái Văn Ngân, thương lái thu mua cua trên địa bàn huyện Đô Lương cho biết thêm, cua đồng không chỉ vận chuyển ra Hà Nội, mà còn đến các thành phố lớn: Hải Phòng, Thái Bình... nên nhu cầu rất lớn. Tuy nhiên, do thời điểm này cua khó bắt nên sản lượng bắt được của bà con giảm, cung không đủ cầu.