Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 87% của Lào

Năng suất lao động của Việt Nam tuy có sự cải thiện nhưng vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực, chỉ bằng 7,0% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào.

Năng suất lao động tăng nhưng vẫn ở mức thấp

Theo công bố của Tổng cục Thống kê chiều 27/12, năng suất lao động (NSLĐ) toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD/lao động). Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm. 

Năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tuy có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN, nhưng mức NSLĐ của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7,0% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philipiné và bằng 87,4% NSLĐ của Lào. Đáng chú ý là chênh lệch về NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.

Năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 87% của Lào ảnh 1

Năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn khá thấp so với khu vực. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng, Tổng cục Thống kê cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thấp và còn khoảng cách xa so với các nước trong khu vực ASEAN như: Cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, trong khi năng suất lao động ngành nông nghiệp ở nước ta còn thấp, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu, chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu. 


Ngoài ra, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, một số yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua như: Xuất phát điểm của nền kinh tế thấp; trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập; tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn thấp; còn một số “điểm nghẽn” về cải cách thể chế và thủ tục hành chính. 

Gần một nửa số doanh nghiệp cho rằng xu hướng kinh doanh sẽ tốt lên

Về tình hình sản xuất kinh doanh, tính chung cả năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.295.000 tỷ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và tăng 45,4% về số vốn đăng ký so với năm 2016. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỷ đồng, tăng 26,2%. 

Bên cạnh đó, còn có 26.448 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,9% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm lên 153.300 doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2017 là 1.161.000 người, giảm 8,4% so với năm 2016. 

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2017 là 60.553 doanh nghiệp, giảm 0,2% so với năm trước, bao gồm 21.684 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 8,9% và 38.869 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, giảm 4,6%.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2017 là 12.113 doanh nghiệp, giảm 2,9% so với năm trước, trong đó 11.087 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,5%.  

Bên cạnh đó, theo kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2017 cho thấy: Có 44,8% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV năm nay tốt hơn quý III; 18,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 36,5% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.

Dự kiến quý I/2018 so với quý IV năm nay, có 48,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 16,1% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 35,7% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, trong các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý IV, có 61,1% số doanh nghiệp cho rằng khả năng cạnh tranh cao của hàng hóa trong nước là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 45,1% số doanh nghiệp cho rằng do nhu cầu thị trường trong nước thấp; 32,7% số doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn về tài chính; 31,5% số doanh nghiệp cho rằng không tuyển được lao động theo yêu cầu; 27,9% số doanh nghiệp cho rằng lãi suất cao và 22,2% số doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh cao của hàng nhập khẩu là yếu tố quan trọng.

 » Doanh nghiệp Nhật 'đặt hàng' tuyển lao động Nghệ An

Theo H.V/baotintuc

TIN LIÊN QUAN

Tin mới