Nên hay không nên 'bó đũa chọn cột cờ' trong xếp hạng di tích?

(Baonghean.vn) - Bà Hoàng Thị Quỳnh Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Việc xếp hạng di tích là nhằm tranh thủ sự đầu tư của nhà nước và huy động xã hội hóa trong việc quản lý di tích, đồng thời vinh danh giá trị các di tích, bởi vậy việc xếp hạng di tích không nên hạn chế theo kiểu “bó đũa chọn cột cờ”.

Đồng chí Hoàng Viết Đường - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện UBMTTQ tỉnh; lãnh đạo huyện Đô Lương tham dự Ngày hội Đại đoàn kết với nhân dân xóm Xuân Bài
Đồng chí Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Sáng 5/5, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh có cuộc làm việc với Sở Văn hóa - Thể thao theo chương trình giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với hoạt động thể dục, thể thao theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành và khảo sát việc thực hiện các kiến nghị, đề xuất của Ban sau khi giám sát công tác quản lý nhà nước đối với các di tích lịch sử - văn hóa được thực hiện năm 2014. Tham gia cuộc giám sát có ông Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao, thời gian qua, phong trào thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh cả về chiều rộng và bề sâu; thu hút được các lứa tuổi tham gia rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại.

Công tác đào tạo thể thao thành tích cao được quan tâm chỉ đạo với 20 bộ môn thể thao, gồm 515 vận động viên và 64 huấn luyện viên. Bình quân hàng năm, Sở tổ chức 4 - 7 giải thể thao thành tích cao cấp tỉnh, thu hút 150 - 500 người tham gia giải. Đối với các giải quốc gia, quốc tế hàng năm đều tham gia và có giải. Riêng năm 2016, tỉnh đã tham gia 62 giải quốc gia, quốc tế và đạt 304 huy chương các loại.

Bên cạnh những kết quả tích cực, trên cơ sở giám sát trực tiếp một số địa phương trước khi có cuộc làm việc với Sở sáng nay, vấn đề được nhiều thành viên đoàn giám sát quan tâm là cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động thể dục, thể thao ở nhiều địa phương còn quá khó khăn.

Ông Hồ Mậu Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao giải trình một số nội dung mà đoàn giám sát quan tâm. Ảnh: Mai Hoa
Ông Hồ Mậu Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao giải trình một số nội dung mà đoàn giám sát quan tâm. Ảnh: Mai Hoa

Thừa nhận thực trạng này, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, khẳng định, nguồn lực đầu tư cho hoạt động thể dục, thể thao còn hạn chế, chưa đảm bảo việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện ở các trung tâm huấn luyện thể dục, thể thao thành tích cao và kể cả cấp huyện. Hiện tỉnh vẫn chưa có khu liên hợp thể thao; ở cấp huyện, một số công trình thể thao đã xuống cấp nhưng chậm được đầu tư nâng cấp khó khăn.

Bà Hương cũng thừa nhận việc quản lý hoạt động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực thể dục, thể thao chưa được siết chặt. Trong hơn 70 doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực này trên địa bàn thành phố Vinh thì mới chỉ có 10 tổ chức, hộ kinh doanh cá thể được cấp phép.

Liên quan đến việc thực hiện các kiến nghị, đề xuất của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh thông qua kết giám sát công tác quản lý nhà nước đối với các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh được thực hiện năm 2014, đã được Sở Văn hóa và Thể thao quan tâm thực hiện liên quan đến công tác kiểm kê, đánh giá, thẩm định, xếp hạng cũng như tôn tạo, tu bổ, phục hồi các di tích... Tuy nhiên, tại cuộc làm việc, một số thành viên đoàn giám sát nêu lên một số băn khoăn đang đặt ra.

Bộ môn bóng đá thành tích cao được tỉnh chú trọng đầu tư. Ảnh tư liệu
Bộ môn bóng đá thành tích cao được tỉnh chú trọng đầu tư. Ảnh tư liệu

Nêu thực tiễn một số di tích đã xếp hạng nhưng không được đầu tư tương xứng, dẫn đến có những di tích mặc dù đã được xếp hạng nhưng vẫn còn nhếch nhác, xập xệ, ông Bùi Đình Long - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Nam Đàn, thành viên đoàn giám sát đề nghị Sở cần xem xét lại giữa vấn đề xếp hạng với đầu tư. Ông Long cũng nêu một số băn khoăn liên quan đến xếp hạng các di tích nhà thờ các dòng họ cần đảm bảo phù hợp với thực tế, tránh dị nghị trong dư luận nhân dân.

Về vấn đề này, bà Hoàng Thị Quỳnh Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, cho rằng: Việc xếp hạng di tích là nhằm tranh thủ sự đầu tư của nhà nước và huy động xã hội hóa để quản lý di tích, đồng thời vinh danh giá trị các di tích, bởi vậy việc xếp hạng di tích không nên hạn chế theo kiểu “bó đũa, chọn cột cờ”.

Về việc xếp hạng di tích các dòng họ, bà Hoàng Thị Quỳnh Anh cũng khẳng định: Văn hóa dân tộc được xuất phát từ nguồn cội văn hóa các dòng họ cho nên việc xếp hạng di tích dòng họ là việc cần làm. Ngoài ra, đoàn giám sát cũng tiếp tục kiến nghị Sở tiếp tục quan tâm phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, đồng thời khắc phục những bất cập về vệ sinh môi trường, quản lý các hoạt động dịch vụ tại các di tích tâm linh.... 

Bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc
Bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh kết luận tại cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Kết thúc cuộc làm việc, thay mặt đoàn giám sát, bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng ban Văn hóa và Xã hội, HĐND tỉnh đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao tiến hành rà soát những bất cập về chế độ chính sách trong hoạt động thể dục, thể thao để kiến nghị với HĐND tỉnh kịp thời bổ sung, sửa đổi. Quan tâm rà soát, thống kê và có biện pháp quản lý các cơ sở dịch vụ thể thao, nhất các dịch vụ bể bơi, bi-a, khu vui chơi cho trẻ. Nghiên cứu để tham mưu UBND tỉnh phân cấp quản lý các dịch vụ thể thao; quản lý tốt các diện tích đã quy hoạch dành cho hoạt động thể dục, thể thao trên địa bàn tỉnh, tránh các diện tích đã được quy hoạch trở thành các hoạt động của các doanh nghiệp.

Về công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa, bà Lan đề nghị Sở có giải pháp tuyên truyền, phát huy giá trị các di tích lịch sử. Nghiên cứu có quy định cụ thể về quản lý các hoạt động dịch vụ tại các di tích cũng như đảm bảo văn minh, giữ gìn bản sắc truyền thống./.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN

Tin mới