Nên hay không việc chấp nhận tố cáo qua điện thoại

(Baonghean.vn) - Đây là một trong những nội dung được nhiều đại biểu đề cập và thảo luận sôi nổi tại hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổ chức sáng 10/4.
Phó trưởng đoàn ĐBQH Trần Văn Mão chủ trì hội nghị. Ảnh: Mỹ Nga
Phó trưởng đoàn ĐBQH Trần Văn Mão chủ trì hội nghị. Ảnh: Mỹ Nga 
Dự thảo Luật tố cáo (sửa đổi) gồm 9 chương, 68 điều, bổ sung thêm 1 chương và 18 điều so với Luật Tố cáo trước đây. Dự kiến, Dự thảo luật sẽ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5 sắp tới.

Phạm vi điều chỉnh của luật quy định về: tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong quản lý công tác giải quyết tố cáo (thời hiệu của tố cáo; cấp thẩm quyền giải quyết tố cáo; bảo vệ người tố cáo.

Thảo luận các nội dung liên quan của dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi, hình thức tố cáo và phương thức bảo vệ người tố cáo là nội dung được nhiều đại biểu đề cập.

Đại biểu Lê Anh Sơn - Phó Chánh Thanh tra tỉnh, cho rằng việc quy định hình thức tố cáo cần tránh tình trạng lợi dụng để tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của người bị tố cáo. Tuy nhiên, không vì thế mà không chấp nhận các hình thức tố cáo tiện lợi khác trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay. Đại biểu nhấn mạnh, dù bằng hình thức nào, thì cơ quan tiếp nhận tố cáo cũng phải làm việc trực tiếp với người tố cáo, và phải bí mật bút tích của người tố cáo.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Đông Đức - Ủy ban MTTQ tỉnh nhận định việc bổ sung việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại. là hình thức thể hiện mới.

Ông Đức cho rằng, việc tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại thực chất cũng chỉ là phương thức thể hiện khác nhau của 2 hình thức tố cáo mà dự thảo Luật đã quy định là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Do đó, dù tố cáo được thể hiện dưới hình thức nào thì quan trọng trong giai đoạn xử lý ban đầu thông tin tố cáo, cơ quan có thẩm quyền giải quyết cũng đều phải xác định rõ được họ tên, địa chỉ (nhân thân) của người tố cáo, nội dung tố cáo phải có cơ sở để xác minh, kết luận thì mới có căn cứ để quyết định có thụ lý giải quyết tố cáo hay không.

Coi trọng việc lắng nghe, và giải quyết những kiến nghị của người dân. Ảnh tư liệu
Coi trọng việc lắng nghe, và giải quyết những kiến nghị của người dân. Ảnh tư liệu
Đối lập với những quan điểm đồng tình, đại biểu Phan Quý Hương - Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh bày tỏ băn khoăn khi việc tố cáo qua điện thoại sẽ gặp khó khăn trong tiếp nhận và thụ lý do tính khả thi, và độ chính xác không cao.  
Đồng quan điểm, đại biểu Đinh Xuân Quế - Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn phân tích, khi mở rộng các hình thức tố cáo, lo ngại dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan, thiếu căn cứ. Vị đại biểu này cho rằng, tố cáo bằng lời nói có thể chấp nhận việc tố cáo trực tiếp, nhưng tố cáo qua điện thoại với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì đề nghị phải cân nhắc. Mặc dù tại khoản 3 điều 19 dự thảo luật quy định việc tố cáo qua điện thoại, người nhận có trách nhiệm hướng dẫn, tuy nhiên, dù có hướng dẫn nhưng việc tố cáo qua điện thoại thì “độ tin cậy là không cao”. Vì vậy trước mắt cần tập trung giải quyết tốt đối với tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.
Làm tốt công tác hòa giải, giảm khiếu nại, tố cáo. Ảnh tư liệu
Làm tốt công tác hòa giải, giảm khiếu nại, tố cáo. Ảnh tư liệu
Tại hội nghị, về quan hệ phối hợp giữa người giải quyết tố cáo và các cơ quan tổ chức có liên quan trong bảo vệ người tố cáo, các đại biểu cho biết, dự thảo cần quy định trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo trước hết thuộc về người giải quyết tố cáo, sau đó là trách nhiệm của các cơ quan phối hợp.
Các đại biểu cũng đồng tình với Dự thảo không quy định thời hiệu tố cáo, bởi vì bản chất của tố cáo là việc cá nhân báo cho cơ quan có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật, giúp cơ quan Nhà nước phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm. Do đó, không thể buộc từng cá nhân phải xác định xem có còn thời hiệu hay không trước khi quyết định thực hiện quyền tố cáo.
Còn liên quan đến việc bảo vệ người tố cáo, một số đại biểu đề nghị, người tố cáo ngoài được bảo vệ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì trong một số trường hợp đặc biệt cần có những biện pháp tích cực, chủ động hơn để bảo vệ quyền của người tố cáo, người thân, người làm chứng của người tố cáo…

Kết thúc hội nghị, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Trần Văn Mão ghi nhận, đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu. Đồng thời các ý kiến góp ý này sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi, thông qua trong thời gian tới./

 
Điều 18 của dự thảo Luật về hình thức tố cáo là: Việc tố cáo được thực hiện bằng văn bản hoặc bằng lời nói; văn bản tố cáo bao gồm bản giấy, bản fax, thư điện tử; tố cáo bằng lời nói bao gồm: người tố cáo trình bày trực tiếp bằng lời nói tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc với cá nhân có thẩm quyền; tố cáo qua điện thoại với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định chặt chẽ hơn về quy trình tiếp nhận tố cáo. Cụ thể là quy định cụ thể về các điều kiện để tiếp nhận tố cáo tương ứng với từng hình thức; xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải công khai địa chỉ trụ sở làm việc, hòm thư điện tử (email), điện thoại, số fax để người tố cáo gửi tố cáo đến đúng địa chỉ quy định (Điều 19); xác định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong việc kiểm tra, xác minh điều kiện thụ lý tố cáo trước khi quyết định thụ lý hay không thụ lý tố cáo (Điều 20).

Tin mới