Nét đời giản dị và tầm nhìn chiến lược của Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

(Baonghean.vn)- Từng có hơn 20 năm công tác tại Báo Quân khu 4, Đại tá Nguyễn Khắc Thuần có vinh dự nhiều lần tháp tùng nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mỗi khi ông về thăm, làm việc tại Quân khu 4 và tỉnh Nghệ An.
Trong tâm trạng xúc động, nghẹn ngào ông kể...

Những củ khoai lang đã bóc vỏ sẵn

“Cách đây 4 ngày, một người bạn của tôi gọi về từ Hà Nội cho biết vừa vào thăm Thượng tướng Lê Khả Phiêu. Bạn tôi nói: “Cụ không nói được nữa”. Vẫn biết ngày này, phút giây này sẽ đến nhưng tâm trạng chung của những người lính từng được làm việc, gặp gỡ Thượng tướng Lê Khả Phiêu không khỏi hụt hẫng. Đây là mất mát lớn lao không chỉ của gia đình Thượng tướng mà còn là mất mát của Đảng và Quân đội.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Sư đoàn không quân 370 trong năm 1997 lúc còn đang đương nhiệm. Ảnh tư liệu
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Sư đoàn không quân 370 trong năm 1997 lúc còn đang đương nhiệm. Ảnh tư liệu

Khi còn là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Lê Khả Phiêu có chuyến về thăm, làm việc tại Quân khu 4. Trong chuyến công tác này, ông đến thăm Lữ đoàn công binh 414 đóng ở huyện Nam Đàn. Vào bữa trưa, biết ông không thích ngồi ăn cơm mâm riêng, Lữ đoàn bố trí 5-6 mâm cơm cho cả đoàn công tác và đơn vị.

Khi mọi người đã ngồi yên vị bên bàn ăn, ông vẫy một chiến sỹ phục vụ lại và bảo: “Cháu vào cho bác mượn vài chiếc đĩa”. Mọi người ngạc nhiên không hiểu Thượng tướng “mượn đĩa” để làm gì. Khi cậu chiến sỹ trẻ mang đĩa tới, bằng một thao tác đơn giản, mau lẹ, vị tướng liền gắp và san thức ăn ra từ các đĩa đã được bày trong mâm. Ông bảo: “Thức ăn nhiều, gắp riêng ra phần cho các cháu phục vụ”. Kết thúc bữa trưa, khi mọi người đã ngồi quây quần uống nước, giọng của vị tướng nhiều năm xông pha trận mạc như lắng xuống.

Ông kể: Thời điểm năm 1969 chiến trường Trị Thiên rất ác liệt. Sau chiến dịch Mậu Thân năm 1968 chúng ta gặp rất nhiều khó khăn, tại chiến trường bộ đội ta rất thiếu thốn. Cán bộ cấp cục như ông mỗi ngày chỉ được cấp 1 lạng gạo, còn bộ đội chủ yếu phải ăn cháo rau qua bữa. Thương thủ trưởng Phiêu, người chiến sỹ cần vụ hàng ngày vào nương rẫy của bà con Pa Cô Vân Kiều mót khoai về luộc cho ông lót dạ thêm.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: NT/LĐO
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: NT/LĐO

Có điều lạ, mỗi lần người cần vụ đưa khoai lên thì ông đã thấy khoai được bóc vỏ sẵn, ban đầu chỉ nghĩ là cậu lính trẻ muốn quan tâm, chăm sóc thủ trưởng chu đáo hơn. Sau ông biết, người chiến sỹ cần vụ ấy đã nhường khoai cho thủ trưởng, còn mình chỉ ăn vỏ khoai. Anh cũng rất đói. Tự trong lòng ông trào dâng một cảm xúc vừa day dứt, vừa thương mến, vừa ấm áp nhưng cũng lại vừa xót xa. Điều đáng tiếc nhất là người cần vụ tốt bụng ấy đã hy sinh bởi bom máy bay B52 trong lần cùng ông đi công tác.

Mấy chục năm trôi qua nhưng hình ảnh nắm vỏ khoai năm ấy luôn là nỗi trăn trở day dứt trong lòng của vị tướng già. Ông nói đây là một hình ảnh sống của đời ông nên không bao giờ quên, và không được phép quên.

Qua câu chuyện, mỗi người có một cảm nhận riêng, nhưng với tôi đó là tấm lòng nhân văn cao cả của một người đã kinh qua khói lửa, không màng sống chết, tình cảm của một vị tướng chân chính với những chiến sỹ mà ông xem như ruột thịt, con cái mình.

Xây dựng tuyến đường quốc phòng ven biển kết hợp mở mang kinh tế, văn hóa

Khi đã là Thường trực Ban Bí thư, trong một lần khác về thăm Quân khu 4 và Nghệ An, các buổi làm việc đồng chí Lê Khả Phiêu vạch ra nhiều gợi mở, chỉ đạo có tính chất then chốt, chiến lược cho khu vực này.

Đối với Quân khu 4, ông vạch ra định hướng xây dựng phòng tuyến quốc phòng ven biển kết hợp phát triển kinh tế. Theo ông, phải hình thành nhanh tuyến đường ven biển để củng cố quốc phòng từ phía Đông, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương vùng biển. Ông chỉ đạo Quân khu 4 phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh xây dựng tuyến giao thông Nghi Xuân - Hộ Độ; phối hợp với tỉnh Nghệ An để hình thành tuyến giao thông Hoàng Mai - Cửa Lò.

Làng biển ở xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu). Ảnh: Nhật Thanh
Làng biển ở xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu). Ảnh: Nhật Thanh

Theo Thượng tướng Lê Khả Phiêu, cốt lõi nhất trong xây dựng tuyến đường ven biển là hình thành cụm tuyến phòng thủ, bên cạnh đó tạo điều kiện để phát triển kinh tế biển và nhằm lan tỏa các giá trị văn hóa mới vào cộng đồng dân cư nơi đây. Ngay từ thời điểm đó, đồng chí Lê Khả Phiêu đã nhận thấy một thực tế: chỉ cách tuyến Quốc lộ 1 vài km nhưng đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư ven biển còn lạc hậu, dân trí thấp, nhiều người không biết chữ. Bởi vậy, giao thông đi đến đâu kinh tế, văn hóa sẽ mở tới đó và điều này cũng đồng thời có ý nghĩa đảm bảo tốt hơn nền quốc phòng và chiến lược phòng thủ ven biển.

Phát triển kinh tế biển, nâng cao đời sống cho ngư dân còn có ý nghĩa sâu xa khác. Theo Thượng tướng Lê Khả Phiêu, mỗi một con tàu đánh cá trên Biển Đông là một cột mốc chủ quyền của Tổ quốc trên vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế của đất nước. Trong chiến lược bảo vệ chủ quyền biển đảo, xây dựng lực lượng Hải quân là nòng cốt nhưng biển và đảo chủ yếu do ngư dân bảo vệ, giữ gìn. Ở đâu có sự hiện diện của ngư dân Việt Nam trên Biển Đông, ở đó vùng trời, vùng biển của cha ông được gìn giữ.

Đây quả là tầm nhìn xa, nhãn quan sâu sắc, trí tuệ mẫn tiệp của một nhà Quân sự - Chính trị trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước bối cảnh quốc tế nhiều nguy cơ và biến động như lịch sử đã chứng minh.

Tỉnh Nghệ An khởi công Dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An). Ảnh: Thành Duy
Tỉnh Nghệ An khởi công Dự án Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An). Ảnh: Thành Duy

Sau chỉ đạo của đồng chí Lê Khả Phiêu, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã hình thành tuyến đường 22/12 từ Nghi Xuân đi Hộ Độ, còn tỉnh Nghệ An mãi về sau mới hình thành tuyến giao thông quốc phòng ven biển.

Tầm nhìn về xây dựng con người mới

Khi còn giữ chức vụ Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị  Quân đội nhân dân Việt Nam, về thăm Quân khu 4, đi đến đâu Thượng tướng Lê Khả Phiêu cũng nhìn thấy chăng các băng rôn, khẩu hiệu về xây dựng môi trường văn hóa. Ông đem điều này hỏi Đại tá Trịnh Bá Giản bấy giờ là Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân khu 4:  Xây dựng môi trường văn hóa là xây dựng con người mới, để thực hiện Quân khu 4 căn cứ vào yếu tố nào để đưa ra tiêu chí chung nhưng vẫn có tính đặc sắc riêng? Và ông trả lời luôn: Đó là tiêu chí anh Bộ độ Cụ Hồ trên quê Bác.

Thượng tướng Lê Khả Phiêu giải thích: Đã là anh Bộ đội tức là con người mới chung của cả nước, nhưng quê Bác Hồ thì chỉ có Nghệ An và Quân khu 4. Theo ông, những đánh giá về thanh niên Khu 4 là dũng cảm, kiên cường, sáng tạo là đúng nhưng chưa đủ. Con người mới ở Khu 4 phải tiếp cận được trí tuệ và tri thức hiện đại qua việc tự học và học tập.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Báo Nghệ An năm 2012. Ảnh: Tư liệu
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Báo Nghệ An năm 2012. Ảnh: Tư liệu

Đánh giá về xây dựng môi trường văn hóa lúc bấy giờ, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Lê Khả Phiêu thẳng thắn chỉ ra: Phong trào xây dựng môi trường văn hóa như một thứ “mốt”, đến đâu cũng thấy căng băng rôn, khẩu hiệu, ở đâu cũng cờ quạt, mít-tinh. Điều này dễ sa vào chủ nghĩa hình thức. Theo đồng chí Lê Khả Phiêu, bản chất và chiều sâu của văn hóa là xây dựng giá trị con người trên 3 phương diện: Đạo đức - nhân văn - trí tuệ.

"Phong trào xây dựng môi trường văn hóa như một thứ “mốt”, đến đâu cũng thấy căng băng rôn, khẩu hiệu, ở đâu cũng cờ quạt, mít-tinh. Điều này dễ sa vào chủ nghĩa hình thức". 

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Đặc biệt muốn xây dựng nền chính trị vững mạnh phải bắt đầu từ xây dựng con người mới, đề cao các giá trị về con người trong xu thế phát triển. Đây chính là chiều sâu, tầm cao tư duy của một vị Nguyên thủ Quốc gia trước những biến động và đòi hỏi của sự phát triển.

Hình thành chiến lược phát triển miền Tây Nghệ An

Làm việc với Tỉnh ủy Nghệ An, đồng chí Lê Khả Phiêu đặc biệt quan tâm đến phát triển khu vực miền Tây của tỉnh. Nguyên Tổng Bí thư cho rằng, việc phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Tây có tính chất sống còn không chỉ của Nghệ An mà của cả nước.

Tuyến đường . Ảnh Hải Vương
Miền Tây Nghệ An là nơi có khu dự trữ sinh quyển có tầm quan trọng bậc nhất khu vực và thế giới. Ảnh: Hải Vương

Sự chênh lệch quá lớn về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội  giữa khu vực miền núi và đồng bằng của Nghệ An có lỗi của cán bộ lãnh đạo. “Để một triệu người dân miền Tây nghèo đói thì chúng ta làm cán bộ làm gì?”- đồng chí Lê Khả Phiêu nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu lãnh đạo tỉnh Nghệ An phải xây dựng một chiến lược riêng về phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực miền Tây, qua đó trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết riêng cho khu vực chiếm hơn 80% diện tích của tỉnh.

Cơ sở để đồng chí Lê Khả Phiêu chỉ đạo nội dung này có lẽ còn xuất phát từ việc ông là người được rèn luyện, trưởng thành từ trong Quân đội. Chẳng thế vị tướng khẳng định: Miền Tây Nghệ An là vấn đề chiến lược của quốc gia, chiến lược của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào. Lịch sử các cuộc đấu tranh cách mạng và bảo vệ Tổ quốc đã chứng minh điều này.

"Sự chênh lệch quá lớn về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội  giữa khu vực miền núi và đồng bằng của Nghệ An có lỗi của cán bộ lãnh đạo. Để một triệu người dân miền Tây nghèo đói thì chúng ta làm cán bộ làm gì?”-

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Đại tá, Nhà báo Nguyễn Khắc Thuần người vinh dự nhiều lần được gặp Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Đào Tuấn
Đại tá, Nhà báo Nguyễn Khắc Thuần người vinh dự nhiều lần được gặp Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: Đào Tuấn 

Theo tôi, tư duy, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về miền Tây Nghệ An là một trong những yếu tố manh nha hình thành Nghị quyết số 26, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Thực hiện nghị quyết này, năm 2013 Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 2355 về việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

Xã Thạch Giám, huyện Tương Dương đón nhận danh hiệu nông thôn mới. Ảnh: Hồ Phương
Xã Thạch Giám, huyện Tương Dương đón nhận danh hiệu nông thôn mới. Ảnh: Hồ Phương

Tuy nhiên khi chỉ đạo địa phương phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng nhắc nhở, đây là vùng đất đang rất “trong sáng” nên yêu cầu tiên quyết là phát triển kinh tế đến đâu phải bảo vệ môi trường đến đó, bảo vệ các giá trị đặc hữu của hệ sinh thái trên khu dự trữ sinh quyển có tầm quan trọng bậc nhất của Việt Nam và thế giới. Cùng với việc bảo vệ môi trường sinh thái là bảo vệ nền văn hóa truyền thống đặc sắc của các cộng đồng dân tộc sinh sống trên khu vực miền Tây Nghệ An.

Tin mới