Nếu chỉ có lương thì đào đâu ra biệt phủ

Với mức lương của cán bộ, công chức hiện nay, chỉ đủ xây mái nhà đơn sơ, cả đời cũng không thể có biệt phủ.

Trò chuyện với VietNamNet về cải cách tiền lương, Phó chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi nêu nghịch lý giữa lương và thu nhập của cán bộ, công chức.

Nếu chỉ có lương thì đào đâu ra biệt phủ ảnh 1
Ông Bùi Sỹ Lợi. Ảnh: Phạm Hải

Thu nhập bằng “cảm ơn”, phong bì rất cao

Theo ông, chính sách tiền lương hiện nay có những bất cập gì?

Sau 25 năm, tính từ 1993, qua 2 lần cải cách tiền lương (1993, 2004) đời sống người hưởng lương, đặc biệt là công chức ít được cải thiện. Tuy nhiên, tiền lương công chức hành chính không đủ sống nhưng thu nhập lại khá cao.

Điều đó chứng tỏ có nhiều khoản thu nhập ngoài lương, trong đó có thu nhập công khai từ ngân sách. 

Một khảo sát của Cơ quan Phát triển LHQ cho thấy 14,4% lao động trong khu vực nhà nước có từ 2 việc làm trở lên, nói cách khác là “chân trong, chân ngoài” mà nguyên nhân chính là lương không đủ sống.

Tình trạng công chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về” khá nhiều trong khi thiếu nhân tài và chảy máu chất xám. Theo ước tính của các chuyên gia, có tới 30% công chức không làm được việc, tiêu tốn nhiều nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước mỗi năm.

Đội ngũ người hưởng lương từ ngân sách quá lớn, gây rất nhiều khó khăn cho cải cách chính sách tiền lương. Mặt khác, lương của công chức hành chính bị đánh đồng với các đối tượng khác, mang tính cào bằng, lệ thuộc vào thâm niên…

Vì sao kêu lương công chức không đủ sống nhưng một bộ phận cán bộ công chức vẫn giàu, thậm chí có người xây cả biệt phủ, sắm xe sang? Có người sẵn sàng bỏ khoản tiền lớn để "chạy" vào cơ quan nhà nước?

Đấy là mâu thuẫn có tính bản chất của tiền lương khu vực hành chính công hiện nay. Có nghĩa là cơ chế tiền lương của ta hiện nay đã bị phá vỡ, không còn bản chất của tiền lương nữa.

Theo nguyên lý chung, phần lương chính bao giờ cũng chiếm 70% trở lên trong tổng thu nhập, các khoản phụ cấp tối đa không quá 30%. Nhưng ở nước ta, điều này ngược lại, tiền lương là lại bé hơn phần phụ.

Một bộ phận cán bộ, đặc biệt cán bộ công chức liên quan đến các dịch vụ công, lương thấp nhưng họ làm thêm bên ngoài hoặc thu nhập chính bằng “cảm ơn”, phong bao phong bì… rất cao.

Rất nhiều người giàu có bằng “chân ngoài”, bằng làm thêm và hình như họ vào công chức cho có vị trí để hưởng các chính sách và quyền lợi khác chứ không phải để kiếm thu nhập từ lương.

Từ đó dẫn đến ai cũng nói công chức lương thấp nhưng khi tuyển dụng người ta lại tuyển con cháu, người thân quen, thậm chí có người phải bỏ tiền để được vào công chức nhà nước.

Tất cả những việc chạy chọt để vào công chức nhà nước để có vị trí, việc làm cũng như chạy chọt để được đề bạt, cất nhắc rõ ràng bao giờ họ cũng xem tiền bỏ ra là đầu tư ban đầu, dứt khoát phải thu lại vốn.

Điều này cũng nói lên sự không minh bạch trong hệ thống tiền lương và thu nhập của cán bộ công chức.

Cả đời cũng không thể có biệt phủ

Những bất cập trong chính sách tiền lương ảnh hưởng như thế nào đến nền công vụ?

Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm vô hiệu hóa cải cách nền hành chính. Nhiều người dân, DN đến làm việc với cơ quan nhà nước phải có bôi trơn.

Một bộ phận cán bộ, công chức hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu chẳng qua là muốn vòi vĩnh để thêm thu nhập và họ luôn viện cớ rằng tiền lương thấp nên phải làm như thế để cải thiện cuộc sống.

Cũng phải nhìn nhận, nếu công chức làm việc toàn tâm, toàn sức nhưng với thu nhập như tiền lương hiện nay thì chưa tương xứng, chưa đảm bảo cuộc sống cho họ và gia đình họ.

Cho nên cải cách chính sách tiền lương có một vai trò tác động thay đổi nhận thức, tạo cơ hội cho người lao động, công chức nhà nước lương đủ sống, không nghĩ đến tiêu cực, nhũng nhiễu.

Rõ ràng với mức lương của cán bộ, công chức hiện nay thì chỉ có thể có mái nhà đơn sơ thôi chứ không có cách gì để có biệt phủ nguy nga được, trừ khi có tài sản của cha ông để lại hoặc cách gì đó ngoài lương.

Kể cả lương cán bộ công tác 30-40 năm và lên đến chức bộ trưởng, lương 20-30 triệu/tháng, cả đời cũng không thể có biệt phủ.

Vậy theo ông, cần có những giải pháp đột phá gì để giải bài toán tiền lương hiện nay?

Đã đến lúc phải cải cách toàn diện cả thang lương, bảng lương, mức lương cơ sở, hệ số lương, bội số lương và các khoản phụ cấp nhằm đảm bảo tiền lương thực sự là đòn bẩy thúc đẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác và coi đầu tư cho tiền lương cũng là đầu tư cho phát triển.

Cải cách chính sách tiền lương phải được thực hiện đồng bộ với cải cách cơ bản đội ngũ cán bộ công chức. Chúng ta không thể chỉ nghiên cứu tăng lương, mà chấp nhận một bộ phận công chức, dựa dẫm hoặc lợi dụng vị thế về quyền lực, mưu cầu lợi ích riêng.

Ngược lại, cũng không nên chỉ nhấn mạnh đến việc cải cách hành chính mà để mức lương của cán bộ công chức không đủ sống. 

Chính sách tiền lương phải đủ khả năng thu hút và trọng dụng những người có tài, có đức, tận tâm; đồng thời cũng là những tiêu chuẩn để sa thải những người không đủ năng lực làm việc, loại bỏ những công chức biến chất, lợi dụng chức quyền, hạch sách, tham nhũng làm mất lòng tin của nhân dân đối với chính quyền.

Chính sách tiền lương cùng với chính sách cán bộ phải công khai, minh bạch. 

Tại hội nghị tham gia ý kiến dự thảo đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược mới đây, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đề nghị điều chỉnh ngay chính sách tiền lương.

“Bản thân tôi là bộ trưởng lương chỉ 11,690 triệu, với mức lương này, tôi hỏi thật chúng ta có đang sống bằng lương không hay giả vờ với nhau”, Bộ trưởng nói và đề nghị phải thật sự thẳng thắn nhìn nhận thực tế này mới giải quyết được vấn đề.

Theo ông, lương có cao thì mới đi liền với trách nhiệm; cán bộ, công chức mới đóng góp tận tâm. Như Singapore trả lương cho cán bộ, công chức rất cao, họ làm việc tận tâm, tận lực và rất sợ mất chức.

Tin mới