Nêu gương tạo giá trị lớn trong giáo dục tư tưởng tại địa phương cơ sở ở Nghệ An

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) -  Công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng luôn đi trước, tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và Nhân dân chung sức thực hiện các mục tiêu đề ra. Để làm tốt công tác này, một giải pháp quan trọng là sự nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Đề cao sự nêu gương

Xã miền núi Tân Thành, huyện Yên Thành đang vươn lên phát triển mạnh mẽ. Trong sản xuất nông nghiệp, việc ứng dụng công nghệ cao được người dân tích cực triển khai, từ mô hình nhà màng đến liên kết doanh nghiệp sản xuất hàng hoá, toàn xã hiện có hơn 100 ha lúa giống và hơn 60 ha dứa. Hơn 80 trang trại, gia trại được hình thành; trong đó có những trang trại nuôi lợn, bò, gà,... quy mô hàng nghìn con.

Với xuất phát điểm thấp, nhưng kết quả mà xã Tân Thành đạt được rất ấn tượng, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021, và hiện đang đặt mục tiêu về đích nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024.

Cán bộ xã Tân Thành (Yên Thành) tìm hiểu, nắm bắt tâm tư của người trồng dứa. Ảnh: Mai Hoa
Cán bộ xã Tân Thành (Yên Thành) tìm hiểu, nắm bắt tâm tư của người trồng dứa. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Trần Duy Liêm - Bí thư Đảng uỷ xã khẳng định, gặt hái được những thành quả đó, khâu quyết định là công tác tư tưởng. Trên cơ sở nghị quyết được cụ thể hoá bằng các kế hoạch nội dung, nhiệm vụ của từng năm, từng quý, từng tháng để tuyên truyền, chuyển tải, trước hết trong cán bộ, công chức xã, đến cán bộ xóm và đảng viên.

"Ngoài "thông" nhận thức, tư tưởng thì sự nêu gương trong hành động của cán bộ, đảng viên tác động tích cực đến tư tưởng và hành động của người dân"

Đồng chí Trần Duy Liêm - Bí thư Đảng uỷ xã Tân Thành, huyện Yên Thành

Thực tiễn ở xã Tân Thành, mọi phong trào, nhiệm vụ ở khu dân cư, từ làm đường bê tông, hệ thống chiếu sáng, đường cờ…, cán bộ, công chức sinh sống tại địa bàn đều là những người tiên phong. Họ cũng là những người chủ động đóng góp tiền mua vật liệu và trực tiếp tham gia ngày công lát sân, xây dựng bồn hoa trụ sở xã; nhiều cán bộ đóng góp từ 5 – 25 triệu đồng, kết hợp xã hội hoá, tham gia ngày công làm 3 cổng chào bằng đèn led.

Cán bộ, công chức cấp xã được phân công phụ trách cụm, điểm và sinh sống trên địa bàn tự bỏ tiền và đứng ra kêu gọi xã hội hoá theo hình thức tự nguyện và đề xuất ban quản lý xóm xây dựng cổng, bờ rào, lát sân, làm bồn hoa… tại nhà văn hoá. “Khi cán bộ, công chức, đảng viên thực sự lo cái chung thì dân cũng rất có tinh thần và không tiếc gì cả”- Bí thư Trần Duy Liêm chia sẻ.

Ở xã Long Thành, công tác tư tưởng cũng được đặt lên hàng đầu và đi trước. Đồng chí Nguyễn Văn Hưng – Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Xã duy trì “Ngày tư tưởng” 2 tháng/lần với thành phần tham gia toàn bộ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã, xóm.

Tuỳ tính chất, nội dung công việc trong từng thời điểm có mời thêm tổ trưởng, tổ phó ở 98 tổ liên gia để quán triệt, thống nhất tư tưởng chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng thời tiếp thu, giải đáp kịp thời các băn khoăn, vướng mắc ở cơ sở.

Chỗ nào khó khăn đích thân Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã về họp dân tại từng tổ liên gia để đả thông tư tưởng. Phương châm “Chung sức xây dựng nông thôn mới vì ấm no, hạnh phúc của Nhân dân”, “Sự hài lòng của Nhân dân là mục tiêu phục vụ của cơ quan hành chính”… không chỉ bằng lời nói mà cán bộ, công chức tích cực hành động và để người dân giám sát cán bộ nói có đi đôi với làm.

Đồng chí Trần Thị Bình – Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Yên Thành khẳng định, đạt chuẩn huyện nông thôn mới là sự khẳng định phát triển toàn diện của địa phương. Có được kết quả đó không phải dễ dàng, bởi nhiều thói quen, tập quán của người dân không phải nói là thay đổi ngay được.

Mặt khác, xây dựng nông thôn mới đồng nghĩa phải huy động nguồn lực, lợi ích, tiền túi người dân bỏ ra và còn tài sản đất, công trình... Bởi vậy, công tác tuyên truyền, vận động, công tác tư tưởng được đặt vị trí quan trọng để dân thông, dân hiểu, dân đồng thuận khi đó mới có thể làm tiếp các bước tiếp theo.

Giải ngân cho hộ nghèo ở Yên Thành vay phát triển sản xuất. Ảnh tư liệu

Giải ngân cho hộ nghèo ở Yên Thành vay phát triển sản xuất. Ảnh tư liệu

"Giải pháp trong công tác tư tưởng ở Yên Thành chính là sự kiên trì, đi sâu, đi sát tuyên truyền, gắn với sự tự giác nêu gương “nói đi đôi với làm” của cán bộ, đảng viên để Nhân dân soi rọi, noi theo.

Nếu cán bộ, công chức, đảng viên không gương mẫu thì công tác tư tưởng chính trị, thuyết phục, vận động của cấp uỷ, chính quyền sẽ mất đi ý nghĩa thực tiễn. Đây là việc tiếp tục được huyện chỉ đạo cả hệ thống chính trị quan tâm trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội" - Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Yên Thành nhấn mạnh.

Nếu cán bộ, công chức, đảng viên không gương mẫu thì công tác tư tưởng chính trị, thuyết phục, vận động của cấp uỷ, chính quyền sẽ mất đi ý nghĩa thực tiễn.

Đồng chí Trần Thị Bình – Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Yên Thành

Đi trước, mở đường

Công tác tư tưởng là 1 trong 3 nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng và được xác định ở vị trí hàng đầu, “đi trước, mở đường”, tạo sự thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động trong từng tổ chức và cán bộ, đảng viên, người dân.

Từ nhận thức đó thời gian qua, ở từng cấp uỷ quan tâm đến công tác này bằng nhiều giải pháp cụ thể. Như huyện Quỳnh Lưu, theo chia sẻ của đồng chí Lê Xuân Kiên – Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, công tác tư tưởng được tập trung vào 4 nội dung.

Đó là kịp thời nắm bắt tình hình dư luận xã hội, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân để định hướng, chấn chỉnh, đồng thời giao cho các phòng, ban cấp huyện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ tập trung giải quyết kịp thời. Huyện cũng quan tâm kiện toàn đội ngũ làm công tác tuyên giáo, tăng cường đấu tranh, phản bác các thông tin, luận điệu sai trái trên không gian mạng.

Quỳnh Lưu thành lập các tổ công tác xử lý các vấn đề bức xúc, nổi cộm để yên dân và tạo lòng tin của Nhân dân vào hệ thống chính trị. Một yếu tố quan trọng để làm công tác tư tưởng nữa, đó là vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật và đạo đức, lối sống.

Đường về làng Quỳnh (xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu). Ảnh tư liệu: Nhật Thanh

Đường về làng Quỳnh (xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu). Ảnh tư liệu: Nhật Thanh

Ở thành phố Vinh, bên cạnh tăng cường nắm bắt tình hình, dư luận và kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở, cấp uỷ, chính quyền thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết đơn thư tồn đọng kéo dài, những vấn đề “nóng” như ngập úng, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường…

Đối với các huyện Thanh Chương, Quỳ Châu, Tương Dương, Kỳ Sơn…, công tác tư tưởng được gắn với việc triển khai các giải pháp khắc phục tư tưởng bảo thủ, trông chờ ỷ lại, trì trệ, ngại khó, sớm thoả mãn; đổi mới cách nghĩ, cách làm, tạo sự đồng thuận cao để giảm nghèo, thúc đẩy phát triển.

Hiện nay, có tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống ở một số cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tư tưởng. Hoặc “một lần bất tín, vạn lần bất tin” khi cán bộ, đảng viên nói không đi đôi với làm, “nói đằng, làm nẻo”, nói không đúng sự thật…

Bên cạnh đó, nhiều vấn đề hạn chế, bất cập, khó khăn, bức xúc và đơn thư, kiến nghị, phản ánh chính đáng của người dân chậm được giải quyết cũng ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tư tưởng ở từng cấp, ngành, địa phương, đơn vị. Đó là những vấn đề đã được nhận diện và cần giải pháp hiệu quả, góp phần phát huy, lan tỏa tinh thần trách nhiệm từ sự nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Tin mới