Nga cấp tập chuyển vũ khí tới Syria, Trung Quốc lo khi Trump cân nhắc quay lại TPP

(Baonghean.vn) - Nga cấp tập chuyển vũ khí tới Syria, Trump chỉ trích cựu giám đốc FBI; Tổ chức Cấm vũ khí hóa học bắt đầu họp khẩn; Trung Quốc lo ngại Trump trở lại TPP... là những tin tức quốc tế nổi bật 24h qua.

OPCW bắt đầu cuộc họp khẩn

Những đứa trẻ được cho là bị ảnh hưởng trong vụ tấn công hóa học ở Douma ngày 7/4. Ảnh: AFP.
Những đứa trẻ được cho là bị ảnh hưởng trong vụ tấn công hóa học ở Douma ngày 7/4. Ảnh: AFP.

Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã bắt đầu cuộc họp khẩn cấp nhằm thảo luận về vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, thuộc Đông Ghouta của Syria. Các thanh sát viên OPCW đã có mặt tại thủ đô Damascus để bắt đầu công tác điều tra. Nhóm chuyên gia sẽ có nhiệm vụ xác định rằng liệu 1 vụ tấn công vũ khí hóa học có xảy ra tại đây hay không, chứ không phải xác định đối tượng chịu trách nhiệm. 

OPCW đã có mặt ở Syria vào cuối năm 2013 khi quân đội Syria đồng ý chuyển giao kho vũ khí hóa học. Đến tháng 6/2014, toàn bộ kho vũ khí hóa học của quân đội Syria đã được bàn giao cho OPCW. Tuy nhiên, đến nay các nước phương Tây vẫn liên tục cáo buộc lực lượng quân Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học trong các vụ tấn công, bất chấp việc chính quyền Damascus nhiều lần bác bỏ chưa bao giờ sử dụng loại vũ khí như vậy. 

Nga chuyển thêm nhiều vũ khí tới Syria

Tàu đổ bộ số hiệu 148 mang theo xe thiết gipas BTR-80. Ảnh Yoruk Isik
Tàu đổ bộ số hiệu 148 mang theo xe thiết giáp BTR-80. Ảnh Yoruk Isik
Yoruk Isık, nhà quan sát khí tài quân sự tại eo biển Bosphorus, công bố hình ảnh tàu hải quân Nga trên đường tới quân cảng Tartus tại Syria, mang theo nhiều xe thiết giáp BTR-80, xe tải và xuồng hạng nặng. Động thái này diễn ra ngay sau cuộc không kích tên lửa của Mỹ và đồng minh nhằm vào Syria.

Chiếc dẫn đầu là tàu đổ bộ số hiệu 148 thuộc Đề án 1171 "Tapir", chở theo nhiều xe thiết giáp BTR-80 được trang bị tổ hợp gây nhiễu Pelena 6B, nhằm phát hiện và vô hiệu hóa các loại chất nổ tự chế (IED) kích hoạt bằng sóng vô tuyến. Trên tàu còn có một số xe tải Kamaz và xe cứu thương.

Tàu còn lại mang tên Alexandr Tkachenko mang theo xuồng cao tốc BMK-T, chuyên dùng cho nhiệm vụ dựng cầu dã chiến, bên cạnh đó là nhiều cấu kiện xây cầu và trang thiết bị quân sự.

Giới chuyên gia nhận định đây là đợt chuyển hàng hóa theo kế hoạch cho lực lượng bộ binh Nga đóng tại Syria, không liên quan tới cuộc không kích do Mỹ, Anh và Pháp tiến hành hôm 14/4.

Tổng thống Pháp cảm ơn quân đội
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ lòng biết ơn đối với quân đội vì "hoạt động xuất sắc" ở Syria.

Ông Macron cho biết trong cuộc phỏng vấn với BFMTV: "Không kích ở Syria đã được thực hiện một cách hoàn hảo… Và tôi muốn cảm ơn họ vì nó đã được thực hiện chuyên nghiệp… các lực lượng hàng không và hải quân tham gia và chúng tôi tiếp xúc trực tiếp với các đồng minh của chúng tôi".

Ông nói thêm rằng tất cả tên lửa được phóng lên trong chiến dịch ở Syria đã đạt được mục tiêu của mình, và điều này có thể được coi là thành công quân sự.

Theo tổng thống Pháp cuộc tấn công vào Syria là hợp pháp và "được tiến hành trong dạng đa phương". "Cộng đồng quốc tế đã can thiệp vào thời gian thích hợp".

Tổng thống Czech chỉ trích cuộc tấn công vào Syria
Tổng thống Czech Milos Zeman. Ảnh: Independent
Tổng thống Czech Milos Zeman. Ảnh: Independent
Trong cuộc phỏng vấn với kênh phát thanh Frekvince, Tổng thống Czech Milos Zeman tuyên bố, vụ tấn công tên lửa nhằm vào Syria do Mỹ, Pháp và Anh thực hiện chỉ chứng minh sự ngớ ngẩn của phương Tây.

“Nó (vụ tấn công Syria) là một chuyện ngu ngốc”, ông nói. “Đó là từ ngữ nhẹ nhàng nhất tôi có thể dùng để miêu tả việc đó”.

Theo nhà lãnh đạo Czech, vụ tấn công hôm 14/4 nhằm vào Syria do Mỹ, Anh và Pháp thực hiện theo cách vi phạm các thông lệ quốc tế đã được thừa nhận, đã đột ngột khiến tình hình tại quốc gia này trở nên bất ổn, trong khi vừa mới bắt đầu cho thấy những tín hiệu về khả năng cải thiện. 

Nhịp sống ở thủ đô Syria bình yên sau vụ tấn công

Một phụ nữ chụp ảnh selfie với đàn chim bồ câu ở quảng trưởng tại thủ đô. Ảnh Reuters.
Một phụ nữ chụp ảnh selfie với đàn chim bồ câu ở quảng trưởng tại thủ đô Damascus, Syria. Ảnh Reuters.
Sau vụ tấn công của Mỹ và đồng minh, người dân Damascus đi chợ, uống cà phê, buôn bán như bình thường, không một dấu hiệu nào chứng tỏ sự lo lắng, sợ hãi.

Liên quân Mỹ đã không kích vào ba mục tiêu mà họ cho là cơ sở liên quan đến vũ khí hóa học của Syria, đồng thời đe dọa tiếp tục sử dụng vũ lực nếu chính quyền Tổng thống Syria Assad vẫn sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường.

Chưa đầy 24 giờ sau khi liên quân Mỹ - Anh - Pháp phóng hơn 100 tên lửa vào các mục tiêu ở Syria, Tư lệnh Quân đội Syria tuyên bố họ đã giải phóng hoàn toàn Đông Ghouta khỏi tay nhóm chiến binh nổi dậy.

Trung Quốc lo ngại khi Trump cân nhắc quay lại TPP

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago vào ngày 6/4/2017. Ảnh Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago vào ngày 6/4/2017. Ảnh Reuters.

Tổng thống Mỹ yêu cầu các quan chức kinh tế xem xét khả năng tái đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi một nhóm các nghị sĩ bày tỏ quan ngại về một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và cho rằng TPP là cách tốt nhất để gây sức ép với Bắc Kinh.

Huo Jianguo, cựu cán bộ nghiên cứu trưởng của Bộ Thương Mại Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh có lý do để lo lắng về tuyên bố cân nhắc quay lại TPP của Tổng thống Trump nhưng chưa cần phải đưa chính sách đáp trả. "Chúng ta nên kiên định và tập trung vào việc ổn định nền kinh tế, mở cửa để đảm bảo thị trường Trung Quốc vẫn hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài", chuyên gia Huo nói. Trước các phỏng đoán của giới chuyên gia, Bộ Thương mại Trung Quốc chưa có bình luận chính thức.

 Cựu tổng thống Hàn Quốc từ bỏ kháng án
Bà Park trong phiên tòa hồi tháng 10/2017. Ảnh AP
Bà Park trong phiên tòa hồi tháng 10/2017. Ảnh AP
Yonhap dẫn lời các quan chức Hàn Quốc cho biết, cựu tổng thống Park Geun-hye nộp giấy từ bỏ kháng cáo lên Tòa án quận trung tâm Seoul. Động thái này cho thấy bà sẽ tiếp tục tẩy chay phiên tòa phúc thẩm, tương tự phiên tòa đầu tiên. Bà Park đã tẩy chay tất cả phiên tòa vì cho rằng bà bị đối xử không công bằng. 

Phiên tòa phúc thẩm xét xử bà Park dự kiến vẫn diễn ra bởi các công tố viên đang tìm kiếm một án phạt nặng hơn với bà. 

Tòa án quận trung tâm Seoul tháng này tuyên án bà Park 24 năm tù và phạt tiền 17 triệu USD vì các tội danh nhận hối lộ, lạm quyền và cưỡng ép. Bà đã bác bỏ mọi hành vi sai trái. Luật sư của bà Park hiện chưa bình luận.

Thủ tướng Nhật khó tại vị trong nhiệm kỳ mới

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) và cự thủ tướng Junichiro Koizumi. Ảnh: Nuclearnews
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) và cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi. Ảnh: Nuclearnews
Cựu thủ tướng Nhật Bản Koizumi đưa ra dự đoán thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe sẽ thôi chức sau hàng loạt bê bối gần đây. Ông Koizumi cho rằng, nếu ông Abe tiếp tục giữ chức, điều này sẽ ảnh hưởng đến các ứng viên đảng Dân chủ Tự do Nhật (LDP) trong cuộc bầu cử thượng viện mùa hè tới.

Đám đông người biểu tình cuối tuần trước tụ tập gần Quốc hội, cầm biểu ngữ: "Abe đã hết thời" và hô to: "Abe hãy từ chức!". Ban tổ chức cho biết 50.000 người tham gia biểu tình. 

Ông Abe tuần trước một lần nữa bác bỏ cáo buộc can dự để đảm bảo thiên vị cho cơ sở giáo dục Kake Gakuen lập một trường thú y. Cơ sở do Kotaro Kake, bạn ông Abe, điều hành.

Thủ tướng Nhật cũng liên tục bác bỏ cáo buộc ông hoặc vợ can thiệp thương vụ bán giảm giá đất công cho một người điều hành trường học có mối liên hệ với vợ ông Abe.

Khảo sát của đài truyền hình Nippon TV hôm 15/4 cho thấy tỷ lệ ủng hộ Abe sụt xuống còn 26,7%, mức thấp nhất kể từ khi ông lên nắm quyền hồi tháng 12/2012. Theo khảo sát của báo Asahi ngày 16/4, tỷ lệ này là 31%.  

Đấu khẩu giữa Trump và cựu giám đốc FBI

Cựu giám đốc FBI James Comey trong buổi phỏng vấn với ABC. Ảnh: ABC.
Cựu giám đốc FBI James Comey trong cuộc phỏng vấn với ABC. Ảnh: ABC.
Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với đài ABC phát sóng lúc 22h ngày 15/4, cựu giám đốc FBI James Comey đã mô tả Tổng thống Mỹ Donald Trump là một người nguy hiểm, "không đủ phẩm chất đạo đức", "gây tổn hại lớn" cho các chuẩn mực và thể chế văn hóa.

Comey lo ngại có thể ông Trump đã bị Nga đe dọa phơi bày chuyện từng thuê gái mại dâm tới phòng khách sạn trong chuyến thăm thủ đô Moskva năm 2013.

Comey bị Trump sa thải vào tháng 5/2017 khi Cục Điều tra Liên bang (FBI) đang tìm bằng chứng liên hệ giữa chiến dịch của Trump với Nga trong cuộc vận động bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Nga phủ nhận can thiệp bầu cử Mỹ, còn ông Trump cũng khẳng định không thông đồng hay có hoạt động trái phép nào.

Cựu giám đốc Comey đã viết một cuốn sách nói về toàn bộ quá trình làm việc với Trump tên là "A Higher Loyalty" (Lòng trung thành cao hơn) dự kiến phát hành ngày hôm nay (17/4).

Cuốn sách cùng với cuộc phỏng vấn trên ABC News đã khiến Tổng thống Trump đưa ra một loạt chỉ trích nhằm vào Comey, thách thức những cáo buộc trong sách và khẳng định ông chưa bao giờ bắt Comey phải trung thành với ông.

"James Comey, một kẻ chẳng ra gì, một kẻ thảm bại, sẽ trở thành giám đốc FBI yếu kém nhất trong lịch sử", ông Trump viết đăng trên Twitter sáng ngày 15/4, trong loạt 5 bài chỉ trích Comey.

 

Tin mới