Nga đối mặt sức ép từ một phương Tây chia rẽ

(Baonghean.vn) - Hồi tuần trước, Mỹ và châu Âu dường như cùng sát cánh với Anh nhằm tiếp tục gây sức ép đối với Tổng thống Vladimir Putin liên quan tới việc Nga bị cáo buộc tấn công bằng chất độc thần kinh nhằm vào cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal tại Anh. Tuy nhiên, “mặt trận đoàn kết” này của phương Tây không kéo dài lâu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP
Tổng thống Donald Trump thậm chí không nêu vấn đề này trong cuộc gọi chúc mừng ông Putin tái đắc cử Tổng thống Nga hôm 20/3 vừa qua. Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) cho biết không xem xét các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, liên quan tới vụ tấn công mà theo các nhà lãnh đạo châu Âu lần đầu tiên một chất độc thần kinh được sử dụng ở châu Âu kể từ khi Thế chiến II kết thúc. 

Ông Valery Solovei, một nhà khoa học chính trị tại Học viện Quan hệ Quốc tế Moskva nhận xét: “Tổng thống Putin đánh cược rằng phương Tây đang suy yếu và chia rẽ. Người Nga rất giỏi tận dụng cơ hội này”.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát và phân tích tại Nga, động lực thúc đẩy điện Kremlin lại nằm ở tham vọng đối đầu với phương Tây trước cuộc bầu cử tổng thống Nga hồi cuối tuần qua.

Bằng cách nêu bật sự chia rẽ và điểm yếu trong số những người sẽ tìm cách cô lập Nga, ông Putin lại mong muốn tình trạng lắng dịu mới song phải theo quan điểm của ông ấy.

Ông Gleb Kuznetsov, một nhà tư vấn chính trị làm việc cho điện Kremlin, nhận định: “Chiến thắng của ông Putin chứng tỏ cho phương Tây thấy lòng yêu mến của người dân đối với ông ấy, và sức ép từ phương Tây là vô nghĩa, và giờ quả bóng nằm trong tay của tòa án phương Tây. Trong tình huống này, khi phương Tây nhắc đến Nga như một điều xấu xa, thì không sự thay đổi hay bước đi nào hướng tới hòa giải có thể tới từ phía Nga”. 

Chuyên gia Solovei cho rằng mục tiêu của Tổng thống Putin là rõ ràng, đó là: “Công nhận nguyên trạng chính sách đối ngoại mới, dỡ bỏ trừng phạt và thiết lập điều kiện cho sự chuyển giao quyền lực suôn sẻ” tại Nga khi nhiệm kỳ tổng thống của ông kết thúc vào năm 2024.

Ông Solevei cho biết: “Chiến lược của ông ấy rõ ràng: sự kiên nhẫn chiến lược trong các điều kiện khó khăn”.

Giới phân tích phương Tây cho rằng cách tiếp cận này dường như phát huy tác dụng. Chuyên gia Joerg Forbrig, Giám đốc chương trình cao cấp của Quỹ Marshall (Mỹ) nhận xét: “Cho tới nay ông Putin đã chứng minh mình đúng. Ông ấy chắc đang cảm thấy phương Tây đang chia rẽ”./.

Tin mới