Nga kỷ niệm 73 năm ngày Chiến thắng; Mỹ vứt bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran

(Baonghean.vn) - Thế giới 24h qua đã diễn ra nhiều sự kiện như: Nga duyệt binh kỷ niệm ngày Chiến thắng phát xít, Tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Forbes bầu Chủ tịch Trung Quốc là người quyền lực nhất thế giới 2018, Triều Tiên thả ba công dân Mỹ...

13.000 binh sĩ Nga duyệt binh kỷ niệm 73 năm Chiến thắng phát xít

Những hình ảnh ấn tượng trong Duyệt binh Chiến thắng Nga
Dẫn đầu đội hình cơ giới tham gia duyệt binh là xe tăng T-34, khí tài đã đi vào huyền thoại trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

Ngày 9/5, Nga tổ chức Lễ duyệt binh kỷ niệm 73 năm ngày chiến thắng phát xít Đức, kết thúc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Phát biểu tại sự kiện, Tổng thống Putin khẳng định đây là ngày lễ mà cả dân tộc luôn tự hào và nhớ đến. "Tất cả quốc gia hiểu rằng phát xít bị đánh bại bởi người lính Xô Viết. Tuy nhiên, giờ đang có những nỗ lực nhằm viết lại lịch sử. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để giữ gìn những ký ức này. Chúng tôi sẽ luôn tự hào rằng Liên Xô đã không cúi đầu, khi các nước khác quyết định đầu hàng", ông nhấn mạnh. 

Kết thúc bài phát biểu của ông Putin, lễ duyệt binh diễn ra với hai phần diễu hành của khối quân nhân và khí tài.

12.500 học viên quân sự và binh sĩ tới từ nhiều quân binh chủng trong lực lượng vũ trang Nga, cùng 159 khí tài cơ giới và 75 máy bay các loại sẽ diễu qua Quảng trường Đỏ. Nhiều vũ khí tối tân cũng được Bộ Quốc phòng Nga giới thiệu trong lễ duyệt binh hoành tráng này, trong đó có tiêm kích tàng hình Su-57, tiêm kích đánh chặn MiG-31K mang tên lửa diệt hạm siêu vượt âm Kinzhal, xe thiết giáp yểm trợ tăng BMPT-72, tổ hợp robot chiến đấu Uran-9 và máy bay không người lái chiến đấu (UCAV) đa năng Korsar.

Tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Trump xe bo thoa thuan Iran, nguy co xung dot tang manh o Trung Dong hinh anh 1
Tổng thống Trump thông báo quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hôm 8/5 ở Phòng Ngoại giao của Nhà Trắng. Ảnh:AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chiều 8/5 (rạng sáng 9/5 theo giờ Hà Nội) đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và 6 cường quốc năm 2015.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: "Tôi sẽ ký một bản ghi nhớ của tổng thống để bắt đầu khôi phục các biện pháp trừng phạt của Mỹ liên quan tới vấn đề hạt nhân nhằm vào chính quyền Iran. Chúng tôi sẽ bắt đầu áp đặt mức cao nhất của các biện pháp trừng phạt".

Theo ông Trump, thỏa thuận trên bị khiếm khuyết ngay từ bên trong. "Thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ, Đức) dưới thời chính quyền Tổng thống Obama là một thảm họa, không mang lại hiệu quả thực sự, không mang lại hòa bình cũng như ổn định cho khu vực. Việc Mỹ đồng ý theo đuổi thỏa thuận trên sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân tại Trung Đông", Tổng thống Mỹ nhấn mạnh.

Người đứng đầu nước Mỹ cũng đe dọa Iran sẽ gặp phải "những vấn đề lớn hơn" nếu tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển hạt nhân.

Tuy nhiên, ông Trump cũng để ngỏ khả năng đàm phán về một thỏa thuận mới khi liên hệ với các tiến bộ trong tiến trình giải quyết căng thẳng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thời gian qua.

Syria cáo buộc Israel tấn công 15 người thiệt mạng

syria cao buoc israel tan cong 15 nguoi thiet mang hinh 1

(Ảnh: sott.net)

Syria cáo buộc Israel đã thực hiện cuộc tấn công vào khu vực Kaswa, phía nam Damascus của Syria vào cuối ngày 8/5 làm chết ít nhất 15 người sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Vụ tấn công nhằm vào một kho vũ khí do lực lượng quân đội Iran bảo vệ.

Syria cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên khu vực này là mục tiêu tấn công của Isarel. 26 người trong đó hầu hết là binh sĩ Iran đã thiệt mạng bởi các cuộc tấn công bằng tên lửa của Isarel từ cuối tháng 4 tới nay. Vào ngày 9/4, Syria cáo buộc các máy bay của Israel nhắm vào căn cứ quân sự Tayfur (T-4) ở tỉnh Homs, miền Trung Syria khiến 7 người Iran thiệt mạng. Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Syria vào năm 2011, Israel đã liên tục ném bom các mục tiêu quân sự của chế độ Syria hoặc của Hezbollah ở Syria.

Israel không xác nhận đã thực hiện các vụ tấn công này. Tuy nhiên, quân đội nước này cũng đã tăng cường cảnh giác cao vì lo ngại nguy cơ bị tấn công, đồng thời triển khai các hệ thống phòng thủ dọc biên giới và trên cao nguyên Golan. Israel từ lâu đã nhắc lại rằng sẽ không cho phép Iran củng cố sự hiện diện quân sự của mình tại Syria.

Ông Tập Cận Bình được bầu là người quyền lực nhất thế giới 2018 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: SCMP.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh:SCMP.

Năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã soán ngôi đầu bảng của Tổng thống Nga Putin, đẩy ông xuống vị trí thứ hai sau 4 năm liên tục đứng đầu. Theo đánh giá của Forbes, việc sửa đổi Hiến pháp hồi tháng ba về xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước đã giúp ông Tập mở rộng quyền hạn và ảnh hưởng, trở thành người nắm quyền lực tuyệt đối ở Trung Quốc.

Putin vẫn là người rất quyền lực bởi ông vừa đắc cử và tiếp tục lãnh đạo nước Nga trong vai trò tổng thống lần thứ 4. Sau một năm nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rơi xuống vị trí thứ ba. Thủ tướng Đức Angela Merkel xếp thứ 4, còn Tổng thống Pháp Macron xếp thứ 12.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xếp thứ 36, Thủ tướng Ấn Độ Modi xếp thứ 9, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là cái tên mới trong danh sách năm nay, xếp thứ 54. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long xếp thứ 61, Tổng thống Indonesia Joko Widodo xếp thứ 74.

Danh sách của Forbes gồm chính trị gia, doanh nhân, lãnh tụ tinh thần..., được đánh giá dựa trên tầm ảnh hưởng của họ với cộng đồng, tài sản cá nhân, quyền lực tác động tới số lượng người và trong lĩnh vực ngành nghề riêng. Theo đó, người sáng lập tập đoàn bán lẻ Amazone Jeff Bezos xếp thứ 5, Giáo Hoàng Francis, lãnh đạo tinh thần của hơn một tỷ tín đồ Công giáo, xếp thứ 6; tỷ phú Bill Gates, người sáng lập hãng công nghệ Microsoft và quỹ Bill & Melinda xếp thứ 7.

Triều Tiên thả ba công dân Mỹ

Từ trái sang,Kim Hak-song,Kim Dong-chul vàKim Sang-duk, ba công dân Mỹ bị Triều Tiên bắt.Ảnh:CNN.

Từ trái sang, Kim Hak-song, Kim Dong-chul và Kim Sang-duk, ba công dân Mỹ bị Triều Tiên bắt.Ảnh:CNN.

"Tôi vui mừng thông báo rằng Ngoại trưởng Mike Pompeo đang trên chuyến bay trở về từ Triều Tiên cùng với ba quý ông tuyệt vời mà mọi người đều mong được gặp. Họ dường như có sức khỏe tốt", Tổng thống Mỹ Trump hôm nay đăng trên Twitter.

Trump cho biết ba người Mỹ bị Triều Tiên giam giữ đã được trả tự do và đang trên đường về nước cùng với Ngoại trưởng.  Ông sẽ chào đón Pompeo và ba người Mỹ khi họ hạ cánh xuống căn cứ không quân Andrews bên ngoài Washington lúc 2h giờ miền đông Mỹ (13h giờ Hà Nội) ngày 10/5. Nhà Trắng coi việc Triều Tiên thả tù nhân là cử chỉ tích cực thể hiện thiện chí trước thềm hội nghị thượng đỉnh. Họ nói thêm rằng ba người này đều có thể tự đi lên máy bay mà không cần hỗ trợ.

Ba công dân Mỹ được thả là Kim Dong-chul, bị Triều Tiên bắt vào tháng 10/2015 với cáo buộc là gián điệp; Kim Sang-duk, bị giam giữ từ tháng 4/2017 với cáo buộc có hành vi thù địch chống lại chính quyền. Kim Hak-song bị bắt vào tháng 5/2017 với cáo buộc tương tự.

Tây Ban Nha ngăn chặn việc tái bầu ông Puigdemont đứng đầu Catalonia

Cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont (giữa) sau khi được trả tự do khỏi trại giam ở Neumuenster, miền bắc Đức ngày 6/4. Nguồn: AFP/TTXVN
Cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont (giữa) sau khi được trả tự do khỏi trại giam ở Neumuenster, miền bắc Đức ngày 6/4. Nguồn: AFP/TTXVN

Tây Ban Nha ngày 9/5 tuyên bố sẽ ngăn chặn cựu Thủ hiến khu vực tự trị Catalonia Carles Puigdemont được tái bầu làm người đứng đầu khu vực này.

Đồng thời, Chính phủ Tây Ban Nha gây sức ép buộc các lực lượng ly khai tại Catalonia phải chọn ứng cử viên khác và thành lập một chính quyền khu vực trong bối cảnh thời hạn chót thành lập một chính quyền Catalonia sắp đến gần và để tránh tổ chức các cuộc bầu cử mới.

Phát biểu với các phóng viên, người phát ngôn Chính phủ Tây Ban Nha, Inigo Mendez de Vigo cho biết Chính phủ Tây Ban Nha đã đề nghị Tòa án Hiến pháp nước này hủy bỏ một đạo luật mới được Hội đồng lập pháp Catalonia thông qua hồi tuần trước, cụ thể là cho phép ông Puigdemont, hiện đang sống lưu vong ở nước ngoài, được bầu vắng mặt làm Thủ hiến vùng Catalonia.

Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha sẽ phải xem xét đề nghị này của Madrid và ra phán quyết. Tuy nhiên, trong thời gian tòa án tiến hành xem xét, đạo luật của vùng Catalonia sẽ tự động bị đình, đồng nghĩa với việc ông Puigdemont sẽ không thể được bổ nhiệm theo kế hoạch vào cuối tuần.

Bạo loạn nhà tù tại Indonesia, 5 cảnh sát và 1 tù nhân thiệt mạng

Nga kỷ niệm 73 năm ngày Chiến thắng; Mỹ vứt bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran ảnh 7

5 cảnh sát và 1 tù nhân đã thiệt mạng trong vụ nổi loạn tại một nhà tù ở ngoại ô thủ đô Jakarta. Ảnh: foxnews.com

Giới chức Indonesia ngày 9/5 thông báo 5 cảnh sát và 1 tù nhân đã thiệt mạng trong vụ nổi loạn có dính líu đến các tù nhân từng là phiến quân tại một nhà tù ở ngoại ô thủ đô Jakarta. Hiện còn 1 cảnh sát khác đang bị các tù nhân nổi loạn bắt giữ làm con tin. 

Vụ nổi loạn xảy ra vào đêm 8/5 tại trại giam ở trụ sở Lữ đoàn Cảnh sát Cơ động thành phố Depok, thuộc tỉnh Tây Java, ngoại ô thủ đô Jakarta. Cảnh sát đang tiếp tục thương thuyết để các tù nhân thả con tin. 

Nhà chức trách Indonesia cũng đã lên tiếng bác bỏ thông tin tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng thừa nhận tiến hành vụ bạo loạn nhà tù được đăng tải trên Amaq - kênh tuyên truyền mà IS sử dụng để đưa tin về các cuộc tấn công và truyền bá thông điệp của tổ chức khủng bố này. 

Tin mới