Nga “phản đòn” Anh vụ cựu điệp viên Skripal; Trump mời Putin hội đàm tại Nhà Trắng

(Baonghean.vn) - Ông Poroshenko tuyên bố “ép” ông Putin ký lệnh ngừng bắn tại Donbass; Mỹ sắp trừng phạt Trung Quốc "tội ăn cắp"; Nga tố ngược tình báo Anh hạ độc cựu điệp viên Skripal; Ông Trump mời ông Putin hội đàm tại Nhà Trắng;... là những tin tức quốc tế nổi bật 24h qua.

1. Ông Poroshenko tuyên bố “ép” ông Putin ký lệnh ngừng bắn tại Donbass

Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Ukraine Poroshenko.
Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Ukraine Poroshenko.
Tổng thống Ukraine Poroshenko tuyên bố rằng ông cùng với Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel đã thành công trong việc “ép" Tổng thống Nga Vladimir Putin ký lệnh ngừng bắn mới ở Donbass - miền Đông Ukraine
Bình luận của Thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov cho rằng: “Ông Poroshenko không phải thảo luận việc đưa Lực lượng gìn giữ hòa bình vào Donbass với Thủ tướng Đức Merkel hay ông Volker – Đặc phái viên Hoa Kỳ về Ukraine, mà là phải thảo luận với đại diện của nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk. Thiếu sự đồng ý của họ thì tại Donbass sẽ không có bất kỳ một lính gìn giữ hòa bình nào. Cả bà Merkel lẫn ông Volker đều không thể giúp gì được trong chuyện này".

2. Ông Trump mời ông Putin hội đàm tại Nhà Trắng

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mở lời mời người đồng cấp Nga Vladimir Putin tới thăm Washington và hội đàm, RT dẫn lời trợ lý Điện Kremlin Yury Ushakov cho biết ngày 2/4.

Theo RT, trợ lý Điện Kremlin Yuri Ushakov cho biết, Tổng thống Trump đã đưa ra lời mời này trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo hôm 20/3.

Tuy nhiên, không lâu sau đó, Washington tuyên bố trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga và yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Nga tại Seattle để đáp trả việc Nga bị cáo buộc có liên quan đến việc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal nghi bị đầu độc tại Anh hôm 4/3.

"Trong bối cảnh này, rất khó để thảo luận về khả năng tổ chức một cuộc hội đàm (giữa ông Trump và Putin)", người phát ngôn Yuri Ushakov cho biết trong cuộc họp báo ngày 2/4.

3. Mỹ sắp trừng phạt Trung Quốc "tội ăn cắp"
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthize.  Ảnh: Reuters
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthize. Ảnh: Reuters
Cuộc điều tra của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) kết luận Trung Quốc đã tìm cách đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ thông qua các yêu cầu khi liên doanh, mua các công ty công nghệ Mỹ bằng ngân sách nhà nước và trộm cắp hoàn toàn.

Dựa trên kết luận điều tra, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế đối với số hàng hóa nhập khẩu trị giá từ 50 đến 60 tỉ USD từ Trung Quốc.

Hãng tin Reuters ngày 2/4 dẫn các nguồn thạo tin cho biết phần lớn các mặt hàng bị trừng phạt sẽ nằm trong nhóm các sản phẩm "công nghệ cao". Số lượng các mặt hàng có thể được mở rộng 2 tháng trước khi biểu thuế mới chính thức có hiệu lực.

Mục đích của việc trừng phạt nhằm buộc Bắc Kinh phải thay đổi các quy định trong việc chuyển giao công nghệ khi doanh nghiệp Mỹ làm ăn ở Trung Quốc. USTR cáo buộc những quy định kiểu Trung Quốc là "phi kinh tế" và ăn cắp tài sản Mỹ một cách tinh vi.

4. Phe nổi dậy rút hết khỏi Đông Ghouta, Chính phủ Syria thắng lớn?

Binh sĩ Syria ăn mừng chiến thắng ở Douma. Ảnh: AFP
Binh sĩ Syria ăn mừng chiến thắng ở Douma. Ảnh: AFP
Các tay súng nổi dậy đã bắt đầu rời khỏi thị trấn Douma, thành trì cuối cùng ở "điểm nóng" Đông Ghouta, gần thủ đô Damascus của Syria.

Đây được coi là một chiến thắng lớn, có ý nghĩa đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad, bởi quân đội Chính phủ Syria đã giành được thành trì lớn cuối cùng của  phe đối lập ở sát thủ đô Damascus.

Thỏa thuận sơ tán các tay súng nổi dậy khỏi Douma đạt được sau nhiều ngày đàm phán để chấm dứt tình trạng đổ máu tại đây. Theo thỏa thuận, các tay súng thuộc nhóm Jaish al-Islam cùng thân nhân và dân thường sẽ được sơ tán đến các khu vực quân nổi dậy chiếm giữ tại tỉnh Aleppo, miền Bắc Syria.

Đại úy Sergei Rudskoi, thuộc Trung tâm hòa giải Nga tại Syria nói: “Chúng tôi đã đạt được các thỏa thuận với các nhà lãnh đạo các nhóm vũ trang bất hợp pháp về việc sơ tán các chiến binh và gia đình của họ khỏi thị trấn Douma. Trung tâm Hòa giải Nga đã tiến hành các biện pháp nhằm ổn định và đưa các cư dân địa phương trở về nhà của họ”.

5. Nga tố ngược tình báo Anh hạ độc cựu điệp viên Skripal

Máy bay chở các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất khỏi Mỹ hạ cánh xuống sân bay Vnukovo. Ảnh: AFP
Máy bay chở các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất khỏi Mỹ hạ cánh xuống sân bay Vnukovo. Ảnh: AFP
Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko tuyên bố, có lý do để tin rằng vụ Skripal là một hành động khiêu khích của các cơ quan đặc vụ Anh.

Ông Yakovenko đã đưa ra cáo buộc nói trên trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh NTV (Nga). “Chúng tôi có những nghi ngờ rất nghiêm trọng rằng, hành động khiêu khích này (vụ ám sát Skripal) đã được tiến hành bởi các cơ quan đặc vụ Anh. Họ từ chối hợp tác với chúng tôi, cũng không trưng ra được bất cứ chứng cứ nào về vụ việc”.

Đại sứ Yakovenko cũng lưu ý rằng, vụ ám sát cựu điệp viên Skripal xảy ra trong bối cảnh Anh đang trải qua “một tình thế rất khó khăn vào lúc này” bởi hai lý do. Lý do thứ nhất liên quan tới việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).

Lý do thứ hai, theo Đại sứ Yakovenko, có liên quan tới vai trò của Anh ở phương Tây. “Khi khái niệm an ninh quốc gia được thông qua và, sau đó, được (Thủ tướng Anh) Theresa May xác nhận, Anh đã lãnh vai trò đi đầu trong cái gọi là ‘ngăn chặn Nga’”, ông nói.

6. Nga thử nghiệm thành công hệ thống phòng thủ tên lửa mới

Nga thử nghiệm thành công hệ thống phòng thủ tên lửa mới.
Nga thử nghiệm thành công hệ thống phòng thủ tên lửa mới.
Tờ báo chính thức của Bộ Quốc phòng Nga “Krasnaya Zvezda” đưa tin ngày 2/4, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo mới được nâng cấp của Nga đã được thử nghiệm thành công tại thao trường Sary Shagan ở Kazakhstan.

"Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo mới được nâng cấp đã thực hiện tốt nhiệm vụ và tiêu diệt được mục tiêu thông thường vào thời điểm quy định", tờ báo dẫn lời Phó Tư lệnh đơn vị phòng không và phòng thủ tên lửa thuộc Lực lượng không quân vũ trụ Nga (VKS), Thiếu tướng Andrey Prikhodko cho biết.

Theo tờ báo này, hệ thống phòng thủ tên lửa nói trên đang được biên chế trong Lực lượng Không quân – Vũ trụ Nga, được thiết kế để bảo vệ thủ đô Moscow khỏi các đòn tấn công trên không và trong không gian; cũng như thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ hệ thống cảnh báo tên lửa và kiểm soát không gian.

7. Thủ tướng Nhật sắp đến Mỹ, bàn về Triều Tiên

Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump trong lần gặp đầu tiên sau khi ông Trump nhậm chức hồi đầu năm 2017. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump trong lần gặp đầu tiên sau khi ông Trump nhậm chức hồi đầu năm 2017. Ảnh: Reuters.
Reuters cho biết vào ngày 2/4, Thủ tướng Abe nói rằng ông sẽ yêu cầu Tổng thống Trump đề cập việc Triều Tiên từng bắt cóc công dân Nhật trong cuộc gặp của ông Trump với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, dự kiến diễn ra vào tháng 5.

Trước đó, sau tuyên bố đột ngột của ông Trump đồng ý gặp ông Kim, Thủ tướng Abe đã ngỏ ý ông sẽ đến Mỹ vào tháng 4. Diplomat nhận định đối với chính quyền của ông Abe, ý định gặp ông Kim của Trump, được quyết định đột ngột, không kèm chương trình nghị sự hay thậm chí là địa điểm, đã đặt ra một bài toán khó cho Nhật Bản.

Tokyo đã luôn nhất quán với chiến lược "gây áp lực tối đa" lên Triều Tiên của Mỹ, theo đó Washington thuyết phục các đối tác và đồng minh siết chặt trừng phạt, buộc Bình Nhưỡng phải nhượng bộ về chương trình hạt nhân, tên lửa. Đến tháng 2 vừa qua, Abe và Trump vẫn bày tỏ quyết tâm duy trì áp lực này.

8. Nga bán tên lửa "khủng" S-400 cho Ấn Độ, căng thẳng Mỹ - Ấn châm ngòi?

Khả năng Nga sẽ bán hệ thống tên lửa phòng không
Khả năng Nga sẽ bán hệ thống tên lửa phòng không "khủng" S-400 cho Ấn Độ ngay trong năm nay.
Việc Ấn Độ mua hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 của Nga có thể khiến nước này bị liệt vào trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Động thái này cũng sẽ châm ngòi cho căng thẳng ngoại giao Mỹ - Ấn.

Theo tạp chí National Interest, Nga và Ấn Độ đang trong quá trình thảo luận về các điều khoản mua bán hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400.

Điều đáng nói, theo nội dung trong đạo luật "chống lại những đối thủ của nước Mỹ thông qua lệnh trừng phạt" (CAATSA) vốn được chính phủ Mỹ thông qua hồi tháng Tám năm ngoái, Ấn Độ hoàn toàn có thể bị liệt vào danh sách trừng phạt của Mỹ vì mua S-400 của Nga. 

    Tin mới