Nga, Pháp, Đức, Ukraine sẽ họp thượng đỉnh bàn về hòa bình ở Donbass

(Baonghean) - Sau hơn 3 năm, lần đầu tiên, các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Nga và Ukraine đã xác nhận sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh “Bộ Tứ Normandy” tại Paris (Pháp) vào tháng tới, nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức sau khi đạt được nhiều tiến bộ lớn trong các cuộc đàm phán kể từ mùa hè cho đến nay, theo đó dẫn đến việc các bên rút quân tại một số khu vực tiền tuyến căng thẳng, mở ra một giai đoạn mới trong tiến trình thực hiện Thỏa thuận Minsk.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Getty
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Getty

Việc nhóm họp tại Paris sẽ là động thái mới nhất trong nỗ lực thúc đẩy đàm phán của Pháp và các đồng minh trong Liên minh châu Âu (EU) để “làm ấm” mối quan hệ giữa Kiev và Moskva kể từ khi Vladimir Zelensky trở thành Tổng thống Ukraine.

Cuộc xung đột kéo dài hơn 5 năm ở miền Đông Ukraine giữa phe ly khai và lực lượng quân đội Chính phủ Ukraine - cuộc xung đột kéo dài nhất trong lịch sử châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ hai, đã lấy đi sinh mạng hơn 13.000 người.

Bộ Tứ Normandy bao gồm 4 nước: Pháp, Nga, Đức, Ukraine được thành lập nhân dịp kỷ niệm Ngày D-Day (ngày quân Đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandy, miền Bắc nước Pháp chính thức mở cuộc tấn công phát xít Đức), đã đạt được những tiến bộ ban đầu về các cuộc đàm phán ngừng bắn, song ảnh hưởng của “bộ tứ” này đã suy yếu khi cuộc xung đột vẫn diễn ra. Hội nghị thượng đỉnh của nhóm tổ chức lần gần đây nhất vào tháng 10/2016 tại Berlin.

Hội nghị thượng đỉnh lần này diễn ra tại Paris, Pháp với tiến trình chấm dứt xung đột Ukraine được xem là một thử thách lớn đối với Tổng thống Emmanuel Macron trong nỗ lực cải thiện quan hệ của EU với Nga.

Pháp, Đức và các quốc gia đồng minh EU trước đã từng khẳng định rằng, Điện Kremlin phải thực hiện đầy đủ các điều khoản trong Thỏa thuận Minsk, bao gồm rút toàn bộ lực lượng quân đội ra khỏi lãnh thổ Ukraine, và trả lại quyền kiểm soát biên giới cho Kiev. Tuy nhiên, Nga đã lên tiếng phủ nhận sự hiện diện của quân đội nước này ở miền Đông Ukraine.

Quan hệ giữa Ukraine và Nga đã sụp đổ kể từ khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Nỗ lực đạt được hòa bình ở Ukraine bắt đầu có những dấu hiệu khởi sắc sau khi Tổng thống Vladimir Zelensky lên cầm quyền với lời cam kết chấm dứt cuộc xung đột “sôi sục” này.

Kể từ đó, Tổng thống Zelensky tăng cường kết nối, điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin, hay như thành công trao đổi 35 tù nhân với Nga…

Tin mới