Nga sản “soán ngôi” Anh ở vị trí thứ hai về sản xuất vũ khí sau Mỹ

Vũ khí Nga được đánh giá có chất lượng tốt, hoạt động bền bỉ, giá cả phải chăng và không có điều kiện ràng buộc.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga tại bán đảo Crimea, tháng 11/2018. Ảnh: RIA Novosti.

Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga tại bán đảo Crimea, tháng 11/2018. Ảnh: RIA Novosti.

Nga vượt qua Anh trở thành nước sản xuất vũ khí lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, theo báo cáo được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 10/12. Anh từng liên tục nắm giữ vị trí thứ hai trong danh sách các nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới kể từ năm 2002, RIA Novosti đưa tin.

"Các hãng vũ khí Nga gia tăng đáng kể doanh số bán hàng từ năm 2011, điều này nằm trong lộ trình chương trình hiện đại hóa vũ khí của nước này", chuyên gia cao cấp Siemon Wezeman của SIPRI phát biểu. 10 công ty sản xuất vũ khí của Nga lọt vào danh sách 100 hãng sản xuất vũ khí và dịch vụ quân sự hàng đầu thế giới trong năm 2017 của SIPRI, chiếm 9,5% thị phần toàn thế giới với doanh thu 37,7 tỷ USD.

Nga chi trich My dung lenh trung phat de tranh gianh khach mua vu khi hinh anh 1
Tiêm kích Su-35 của Nga. Ảnh: Sputnik.

Phần lớn các hãng vũ khí của Nga có doanh thu năm 2017 tăng so với năm 2016, ba hãng có doanh thu tăng trên 15% là Tập đoàn Động cơ Thống nhất (tăng 25%), Công ty Vũ khí Chính xác thuộc Tập đoàn Rostec (tăng 22%) và Tập đoàn Tên lửa Chiến thuật (tăng 19%). Hãng sản xuất xe tăng Uralvagonzavod là hãng vũ khí duy nhất của Nga có doanh thu năm 2017 giảm so với năm 2016.

Mỹ chiếm vị trí đầu bảng với thị phần 57% với doanh thu 226,6 tỷ USD và 42 công ty nằm trong danh sách của SIPRI. Lockheed Martin là hãng sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới trong năm 2017 với doanh thu 44,9 tỷ USD. "Các công ty của Mỹ hưởng lợi trực tiếp từ các đơn hàng hiện có của Bộ Quốc phòng nước này", Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Vũ khí và Ngân sách Quốc phòng của SIPRI Aude Fleurant giải thích.

Các thiết bị quân sự của Nga được đánh giá có chất lượng cao, hoạt động bền bỉ và giá cả phải chăng hơn thiết bị của Mỹ. Nhiều loại vũ khí của Nga được chứng minh có hiệu quả thực tế thông qua hoạt động thực chiến tại Syria. Ngoài ra, Nga không đưa ra điều kiện ràng buộc trong các thương vụ vũ khí như Mỹ.

Nhằm hạn chế các quốc gia mua vũ khí Nga, Mỹ ban hành Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua Lệnh trừng phạt (CAATSA) để trừng phạt Nga và các nước mua vũ khí của Nga. Trung Quốc trở thành nạn nhân đầu tiên của CAATSA khi Mỹ trừng phạt Cục Phát triển Thiết bị, cơ quan chuyên trách vấn đề mua bán vũ khí của quân đội Trung Quốc, vì mua tiêm kích Su-35 và tên lửa S-400 của Nga. Các thương vụ mua tổ hợp phòng không S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ cũng nằm trong tầm ngắm của CAATSA.

Cơ sở dữ liệu về ngành công nghiệp quân sự được SIPRI xây dựng từ năm 1989, bao gồm báo cáo tài chính của các công ty sản xuất vũ khí trên thế giới. Các công ty của Nga được đưa vào cơ sở dữ liệu từ năm 2002, Trung Quốc hiện chưa được thống kê.

Tin mới