Nga tích cực xoay trục sang châu Á: Tiện cả đôi đường!

(Baonghean) - Lần đầu tiên kể từ khi trở thành thành viên chính thức của Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan, năm nay, Nga đã gây chú ý với sự góp mặt của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Việc ông Putin đích thân tham dự sự kiện này thay cho Thủ tướng Medvedev như thường lệ đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Nhưng nếu nhìn tổng thể loạt động thái gần đây của chính quyền Moscow, đặc biệt tại “Tuần lễ châu Á - Thái Bình Dương” đang diễn ra, dư luận sẽ không khó nhận ra nỗ lực đẩy mạnh “xoay trục” của Tổng thống Putin sang khu vực địa chiến lược này.

Dấu ấn Nga tại “Tuần lễ Châu Á”

Với loạt sự kiện quan trọng hàng đầu trong năm là Hội nghị cấp cao ASEAN, các hội nghị liên quan tại Singapore và Tuần lễ cấp cao APEC tại Papua New Guinea, dư luận đã gọi đây là “Tuần lễ thượng đỉnh châu Á - Thái Bình Dương”. Trong loạt hoạt động này, người ta cũng đang chứng kiến những động thái rất tích cực của phái đoàn Nga.

Phía Nga đã đăng ký tham gia đầy đủ các diễn đàn quan trọng như Hội nghị cấp cao Nga - ASEAN, tiến hành nhiều cuộc hội đàm song phương với các nhà lãnh đạo châu Á như Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hay Thủ tướng Lý Khắc Cường và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha. Đặc biệt, Tổng thống Nga Putin đã lần đầu tiên đích thân tới Singapore tham sự Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS).

Tổng thống Nga Vladimir Putin duyệt đội danh dự trong chuyến thăm Singapore. Ảnh: TASS
Tổng thống Nga Vladimir Putin duyệt đội danh dự trong chuyến thăm Singapore. Ảnh: TASS
Cần nhắc lại, EAS là hội nghị thường niên giữa các quốc gia thành viên ASEAN và 8 đối tác đối thoại gồm: Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ. Và càng đáng chú ý hơn khi Hội nghị cấp cao EAS lần này lại vắng bóng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cũng có nghĩa, Tổng thống Nga Putin đã “vô tình” trở thành mối quan tâm hàng đầu tại hội nghị quan trọng này. Không bỏ lỡ cơ hội, Nga được cho là sẽ thúc đẩy các sáng kiến về đối thoại các cấp về một cấu trúc an ninh khu vực, tất nhiên trong đó sẽ có một phần đóng góp không nhỏ của Nga.

Thực tế không phải đến bây giờ, chính quyền Tổng thống Nga Putin mới thể hiện sự quan tâm tới khu vực châu Á. Còn nhớ hồi năm 2010, Nga đã đưa ra chính sách “Hướng Đông”. Nhưng từ đó đến nay, Nga lại chưa thực sự đầu tư đúng mức và có những động thái cụ thể để hiện thực hóa chính sách này. Bởi vậy, đây được coi là thời điểm cần thiết để Nga điều chỉnh lại chiến lược tại khu vực.

Theo giới quan sát, đây còn là cách để Nga bù đắp lại những khoảng trống thời gian qua trong quan hệ với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bởi trước đó, Nga vốn luôn chỉ coi trọng quan hệ với các nước châu Âu - những đối tác truyền thống của Moskva. Nhưng mọi việc đã thay đổi khi quan hệ giữa Nga và châu Âu rơi vào khủng hoảng sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga hồi năm 2014. Từ đó đến nay, Nga đã trở thành đối tượng để Mỹ và châu Âu liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt mạnh mẽ. Nền kinh tế của Nga từ đó cũng rơi vào vòng xoáy khủng hoảng với tăng trưởng chậm, đồng tiền mất giá, các mối quan hệ hợp tác kinh tế bị gián đoạn hoặc bị cắt đứt…

Hâm nóng “chính sách Hướng Đông”

Tất yếu, tìm kiếm những đối tác hợp tác tiềm năng mới đã trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Nga kể từ khi quan hệ với phương Tây trở nên căng thẳng. Từ khu vực châu Phi, Trung Đông và nay là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN với các nền kinh tế phát triển năng động. Đây sẽ là thị trường tiềm năng để Nga tái lập các kênh cung ứng xuất nhập khẩu, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu dầu sang châu Âu, mở ra các cơ hội hợp tác với các đối tác mới cũng như giảm bớt sức ép từ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào nền kinh tế Nga.

Chiến lược xoay trục sang châu Á của Nga từ đó đến nay thể hiện trong hàng loạt lĩnh vực, từ kinh tế đến chính trị - an ninh - quốc phòng. Về kinh tế, kể từ năm 2015, Nga đã thiết lập một diễn đàn kinh tế mới có tên “Diễn đàn Kinh tế Phương Đông” (EEF) - tương tự như Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg (SPIEF) tại vùng Viễn Đông.

Đây đã trở thành cầu nối mở ra các cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Nga và khu vực châu Á năng động. Năm 2018 này, Diễn đàn EEF do Nga chủ trì cũng đã thu hút được các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Hợp tác năng lượng cũng là một trong những trọng tâm mà Nga hướng tới trong quan hệ với các nước châu Á, đặc biệt là ASEAN.

Rõ ràng, các quốc gia Đông Nam Á với tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng là những thị trường nhiều tiềm năng cho việc xuất khẩu dầu và khí đốt cũng như điện hạt nhân của Nga. Một minh chứng là Tập đoàn năng lượng hạt nhân Nga Rosatom hiện đang trong quá trình đàm phán với Indonesia và Philippines để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.

Không dừng ở kinh tế, Nga còn thúc đẩy hợp tác quốc phòng với khu vực, thể hiện qua việc Nga tiếp tục là nhà cung cấp quân sự chính tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Hơn 60% vũ khí của Nga được xuất khẩu đến các quốc gia châu Á, trong đó Đông Nam Á chiếm số lượng lớn.

Nổi bật như tháng 8 năm ngoái, Indonesia thông báo mua 11 máy bay chiến đấu Sukhoi trị giá 1,14 tỷ USD của Nga. Nga cũng ký thỏa thuận với Philippines nhằm mở đường cho vũ khí Nga thâm nhập thị trường vốn là đối tác truyền thống của Mỹ. Bên cạnh đó, Nga cũng tiếp tục duy trì quan hệ an ninh gắn kết với các đối tác hàng đầu là Ấn Độ và Trung Quốc, bất chấp đây là những đối trọng kình địch nhau tại khu vực.

Chưa dừng lại, Nga cũng tích cực thể hiện sức mạnh quân sự trong khu vực, mới nhất là cuộc tập trận Vostok 2018 với sự tham gia của hàng nghìn binh sĩ Trung Quốc. Động thái này thậm chí còn dấy lên suy nghĩ về một liên minh quân sự mới giữa Nga và Trung Quốc. Ngoài ra, quân đội Nga cũng vừa tổ chức một cuộc tập trận chung với Pakistan trong tháng 10 vừa qua.

Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Hội nghị cấp cao Nga – ASEAN năm 2016 tại Sochi của Nga: Nguồn: StraitTimes
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Hội nghị cấp cao Nga – ASEAN năm 2016 tại Sochi của Nga. Nguồn: StraitTimes

Còn nhiều rào cản

Nỗ lực hướng sang châu Á của Nga thời gian qua còn được thể hiện qua hàng loạt chuyến công du của Tổng thống Putin, ký kết những thỏa thuận hợp tác về kinh tế - chính trị, đặc biệt là với Trung Quốc, Ấn Độ hay cả Nhật Bản. Trong vấn đề Triều Tiên, từ trước tới nay, Nga vốn thường khá kín tiếng, thế nhưng, một cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Nga Putin với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang được lên kế hoạch trong tháng này, đã cho thấy sự chuyển hướng quan tâm thực sự của Nga tại khu vực.

Giới chuyên gia đánh giá, đây đơn giản là chính sách “tốt với tất cả” của Tổng thống Nga Putin, nhằm gây hưởng và tăng cường vai trò, vị thế tại các khu vực trên toàn cầu, kể cả châu Á - Thái Bình Dương. Tưởng rằng chiến lược “dĩ hòa vi quý” này sẽ dễ dàng thực hiện, nhưng thực tế không hoàn toàn thuận lợi như chính quyền Moskva tính toán.

Điển hình như trong quan hệ với Nhật Bản. Thời gian qua, hai nhà lãnh đạo đã có hàng loạt cuộc gặp con thoi nhưng vẫn chưa thể giải quyết trở ngại lớn nhất trong quan hệ hai nước là vấn đề tranh chấp quần đảo Kuril - vùng lãnh thổ phương Bắc mà Nga đang kiểm soát. Không chỉ vậy, sự chuyển hướng của Nga chắc chắn cũng sẽ vấp phải những phản ứng từ phía Mỹ, vốn cũng đang tập trung sự chú ý sang khu vực này. Sự khó chịu càng tăng theo cấp số nhân khi Washington thời gian qua đã bị “lép vế” trước Moskva ở chiến trường Syria tại Trung Đông.

Hay vấn đề Triều Tiên, bất cứ sự thể hiện quan điểm nào của Nga trong hồ sơ này cũng sẽ được cả Mỹ và Trung Quốc dõi theo kỹ lưỡng.

Bên cạnh đó, những thói quen kinh doanh rồi cản trở về mặt địa lý cũng là những rào cản khiến cho hợp tác giữa các doanh nghiệp Nga và các nước châu Á chưa thể bùng nổ. Và rằng, các thị trường châu Âu cho đến nay vẫn là những đối tác truyền thống quan trọng không dễ dàng thay thế.

Bởi vậy theo giới phân tích, dù có thể đa dạng hóa quan hệ với khu vực châu Á, nhưng có lẽ Nga sẽ không đánh đổi các mối quan hệ vốn có với các nước phương Tây. Thay vào đó, một chiến lược khéo léo cân bằng quan hệ giữa các bên, không quá thiên lệch yêu - ghét về bên nào, sẽ là kịch bản mà Nga lựa chọn lúc này./.

Tin mới