Nga tuyên bố sẽ không bao giờ cạn kiệt tên lửa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
 Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này sẽ không bao giờ cạn kiệt tên lửa hành trình Kalibr sau khi Moscow tiến hành các cuộc không kích tên lửa quy mô lớn nhắm vào các thành phố của Ukraine.
Tên lửa hành trình Kalibr được phóng từ tàu chiến. Ảnh: Tass

Tên lửa hành trình Kalibr được phóng từ tàu chiến. Ảnh: Tass

Bộ Quốc phòng Nga đã đăng tải một biểu đồ trên kênh Telegram chính thức của mình, cho thấy một tên lửa hành trình được phóng từ tàu chiến với dòng chữ: "(Tên lửa hành trình) Kalibr sẽ không bao giờ cạn kiệt". Kalibr được sản xuất lần đầu tiên vào năm 1994, là một trong những vũ khí tầm xa chính của Nga. Chúng được Nga sử dụng để tấn công vào quân đội cũng như các mục tiêu cơ sở hạ tầng của Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra.

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết hệ thống phòng không nước này đã phá hủy 54 trong tổng số 69 tên lửa được phóng sáng 29/12. Tại Kiev, các quan chức cũng cho biết 16 tên lửa đã bị bắn rơi.

Theo Thị trưởng thành phố Lviv - ông Andriy Sadovyi, hầu hết thành phố đã bị mất điện sau cuộc không kích của Nga. Thống đốc Odessa Maksym Marchenko thì thông báo, các cuộc tấn công đã dẫn đến cắt điện khẩn cấp trong khi Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko nói, 40% người dân trong thành phố không có điện.

Nga hiện vẫn tiếp tục các cuộc tấn công vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Các cuộc không kích này đã khiến phương Tây phải mở rộng hỗ trợ máy phát điện và trang thiết bị cho Kiev để sửa chữa mạng lưới điện cũng như cung cấp các hệ thống phòng không để bảo vệ các thành phố của Ukraine trước các tên lửa hành trình và UAV của Nga. Trong số đó có hệ thống tên lửa đất đối không MIM-104 Patriot do Mỹ sản xuất - hệ thống phòng không đắt đỏ nhất được cung cấp cho Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra hồi cuối tháng 2. Quân đội Ukraine hiện đang được huấn luyện sử dụng Patriot và quá trình có thể mất một vài tháng.

Một số quan chức Ukraine và phương Tây cho rằng kho tên lửa hành trình của Nga đang cạn kiệt do các vũ khí tiên tiến nhất của Moscow phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu công nghệ phương Tây. Họ cho rằng sau nhiều năm bị trừng phạt, khả năng sản xuất của Nga sẽ giảm sút. Tuy nhiên, bất chấp các sức ép trên, Moscow vẫn tiếp tục phóng số lượng lớn tên lửa nhằm vào các mục tiêu trên khắp Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết hồi đầu tháng 11 rằng Nga đã sử dụng 63% kho tên lửa trước chiến tranh với khoảng 500 tên lửa Kalibr. Từ tháng 2 - 11, ông Oleksii Reznikov cho rằng Nga có thể sản xuất 120 tên lửa Kalibr mới. Theo ông, Nga đã sử dụng 87% trong số 900 tên lửa đạn đạo Iskander trước chiến tranh và 32% tên lửa chống hạm Kh-22/32 trong số 370 tên lửa trước chiến tranh.

Tuy nhiên, ngay cả khi số liệu trên là đúng thì Nga vẫn còn tới hàng nghìn tên lửa để tiếp tục các cuộc tấn công. Trong số này bao gồm cả gần 7.000 tên lửa đất đối không sử dụng cho S-300 cùng với các vũ khí tấn công mặt đất, hàng trăm tên lửa chống hạm và hàng chục tên lửa Kinzhal siêu thanh có khả năng hạt nhân./.

Tin mới