Nga và Mỹ bất đồng, số phận của Hiệp ước START bị bỏ ngỏ

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga vẫn hy vọng hai nước đạt được nhận thức chung nhằm gia hạn Hiệp ước này.
Chỉ còn 4 tháng nữa, Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (còn gọi là hiệp ước START mới) - Hiệp ước kiểm soát vũ khí lớn và cuối cùng giữa Nga và Mỹ sẽ hết hạn. Tuy nhiên, bất đồng quan điểm khiến hai nước vẫn chưa nhất trí được về điều khoản gia hạn Hiệp ước.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: TASS.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: TASS.
Phát biểu trước báo giới hôm qua (14/10), Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Nga vẫn hy vọng hai nước đạt được nhận thức chung nhằm gia hạn thỏa thuận. Tuy nhiên cho đến nay, Nga vẫn chưa nhất trí được với Mỹ nhằm gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới.

“Để đạt được nhận thức chung nhằm gia hạn hiệp định, chúng tôi hy vọng, quan điểm hai bên sẽ đi cùng 1 hướng. Chúng tôi đều hiểu rằng, cần thiết phải gia hạn hiệp định bởi đây chính là lợi ích của cả hai nước và là an ninh chiến lược cho toàn thế giới”.

Đáp lại tuyên bố của Nga, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Mỹ mong muốn hoàn tất thỏa thuận với Nga nhằm mang lại lợi ích cho cả hai nước.

Tuy nhiên, ông Mike Pompeo không quên đặt ra điều kiện để Trung Quốc tham gia cả hiệp định này trong tương lai: “Chúng tôi hoan nghênh cơ hội hoàn tất hiệp định dựa trên nhận thức chung giữa hai nước nhằm gia hạn Hiệp định Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới. Thỏa thuận đạt được sẽ có lợi cho toàn thế giới, kìm hãm sự phát triển của những loại vũ khí gây nguy hiểm nhất. Chúng tôi đang rất nỗ lực. Đại sứ Mỹ và nhóm làm việc vẫn đang rất cố gắng và tôi hy vọng phía Nga sẽ tìm ra cách để hai bên đạt được nhất trí chung nhằm mang lại lợi ích chung. Tôi cũng hy vọng, Trung Quốc sẽ cùng chung tôi tham gia đàm phán trong tương lai".

Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược được ký giữa Nga và Mỹ năm 2010 và có hiệu lực 10 năm. Hiệp ước dự kiến sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021 và có thể gia hạn 5 năm nếu hai bên đồng ý. Trước đó, phía Mỹ nhiều lần khẳng định sẵn sàng gia hạn hiệp ước này với Nga dù trong ngắn hạn, nhưng với một số điều kiện đi kèm.

Cụ thể, Mỹ muốn đảm bảo một chế độ kiểm chứng hiệu quả được thực hiện để khôi phục lòng tin rằng các bên tham gia sẽ tuân thủ các cam kết theo thỏa thuận trong tương lai. Mỹ cũng đặt ra điều kiện để Trung Quốc tham gia cả hiệp định này trong tương lai- một điều kiện mà Nga đã nhiều lần bác bỏ. Phía Nga cho rằng, những điều kiện mà Mỹ đưa ra không sát với thực tế.

Với tuyên bố trên của cả Nga và Mỹ, có thể thấy trong ngắn hạn, hai bên chưa thể đạt được thỏa thuận nhằm gia hạn Hiệp ước. Để đạt nhận thức chung, hai bên buộc phải xúc tiến đàm phán nhiều hơn, kèm theo sự thỏa hiệp và nhượng bộ.

Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới có vai trò giới hạn các đầu đạn hạt nhân, tên lửa và các loại bom chiến lược mà Nga và Mỹ có thể triển khai. Nếu hiệp ước không được gia hạn, một cuộc chạy đua hạt nhân theo kiểu Chiến tranh lạnh giữa Nga và Mỹ hoàn toàn có thể xảy ra, kéo theo nhiều căng thẳng tiếp tục nảy sinh trong quan hệ hai nước./.

Tin mới