Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang đối đầu tại Libya?

(Baonghean.vn) - Trước thực tế đang diễn ra tại Libya, không ai là không nghĩ đến viễn cảnh cuộc đụng độ giữa PMC Nga với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xảy ra tại Libya, có nghĩa là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chiến đấu với nhau cả ở Syria và Libya. Mỹ - NATO hăm hở mừng khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ “tình đoạn nghĩa tuyệt” sẽ nhảy xổ vào nhau…

Quên Thổ Nhĩ Kỳ là sai lầm lớn về địa chính trị

Khi người Nga do Tổng thống Medvedev cầm quyền đồng ý tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc để cho NATO phá nát Libya thì Thổ Nhĩ Kỳ đã gắn liền lợi ích với đất nước này, mà cụ thể ban đầu là với Chính phủ Thống nhất Quốc gia (GNA) được Liên hợp quốc công nhận (GNA là chính phủ chuyển tiếp, sau 2 năm sẽ mất quyền hợp pháp để Tổng tuyển cử thống nhất).

GNA của Thủ tướng Fayez ai-Serraj có trụ sở tại Thủ đô Tripoli - nơi kiểm soát một khu vực nhỏ ở phía Tây Libya. Trong khi đó, quốc hội và cánh vũ trang của họ - Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đóng tại Tobruk - một thành phố cảng phía Đông bờ biển Libya, do Nguyên soái Khalifa Haftar lãnh đạo.

Lực lượng LNA của nguyên soái Khalifa Haftar. Ảnh: Internet
Lực lượng LNA của nguyên soái Khalifa Haftar. Ảnh: Internet

Cả 2 phe đã đối đầu nhau và đỉnh điểm là vào ngày 4/4/2019, Nguyên soái Haftar đã mở chiến dịch tấn công vào Tripoli. Chiến dịch phát triển thuận lợi nhưng buộc phải dừng bởi lực lượng hồi giáo Misrata và chủ yếu là Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ kịp thời vũ khí, phương tiện cho GNA, đánh bật quân LNA ra khỏi vòng ngoài của Tripoli.

Với mục tiêu là xóa sổ GNA, Nguyên soái Haftar vào tháng 9/2019 đã mở chiến dịch lần 2 nhằm vào Tripoli. Với sự hỗ trợ của Ai Cập, Ả Rập Saudi, UAE và đặc biệt là lực lượng chủ công khoảng 2.000 PMC Nga do Ả Rập Saudi trả lương và chỉ huy bởi FBS Nga đã sắp giành chiến thắng cuối cùng…

Trước tình hình đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại một lần nữa thể hiện vị thế công khai của mình, tuyên bố sẽ hỗ trợ GNA, sẵn sàng đưa quân đội của mình vào Libya nếu GNA yêu cầu. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ đã điều hơn 2.000 lính “ủy nhiệm” từ Idlib - Syria cùng hàng trăm tấn phương tiện quân sự sang Libya chống lại LNA.

Đến đây, một câu hỏi đặt ra là lợi ích kinh tế, quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya là gì mà khiến họ phải bất chấp Mỹ, Nga và Syria để nhảy vào Libya?

Thứ nhất: Trước hết, như đã nói trên, khi Libya tan rã, cùng với trước đó khi Iran bị Mỹ cấm vận thì nhập khẩu dầu của Thổ Nhĩ Kỳ từ Iran bị ngừng trệ. Vào tháng 12/2018, Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc phải tìm kiếm dầu nhập khẩu ở nơi khác, Libya là lựa chọn hợp lý nhất do giá cả và sự gần gũi, bất chấp bạo lực xảy ra ở đó. Phiến quân Misrata - liên minh với lực lượng dân quân Fajr Libya kiểm soát cảng thương mại tự do lớn nhất Libya là Sirte, đã tổ chức xuất khẩu dầu từ Zawiya sang Ý và Thổ Nhĩ Kỳ, với giá ưu đãi rẻ mạt.

Cảng thương mại tự do lớn nhất Libya là Sirte. Ảnh: Internet
Cảng thương mại tự do lớn nhất Libya là Sirte. Ảnh: Internet

Lưu ý, cả 2 phe phía Tây và Đông đang đánh nhau nhưng thu nhập của họ phần lớn được quy định bởi Công ty Dầu khí Quốc gia Libya (NOC). NOC có nhiệm vụ là thi hành lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc bằng cách giải ngân tiền chỉ cho sử dụng dân sự.

Sự xâm nhập của Thổ Nhĩ Kỳ vào dầu Libya đã gặp khó khăn vào đầu tháng 6/2018. Thổ Nhĩ Kỳ phản đối các thỏa thuận dầu mỏ LNA mà không có sự giám sát của NOC. Tiếp tục, cuộc tấn công NLA vào tháng 4/2019 đã dẫn đến các cuộc không kích vào Misrata và phía Tây, gây ảnh hưởng đến nhập khẩu dầu từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc thương cảng chủ yếu Sirte rơi vào tay LNA cùng với việc NLA tấn công các văn phòng của NOC và nhà máy dầu Zawiya vào cuối năm 2019 đã giáng một đòn nghiêm trọng vào tham vọng dầu mỏ của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya. Và trước ngày 19/1/2020 để gây áp lực lên Hội nghị Berlin về Libya, Nguyên soái Haftar ra lệnh ngừng toàn bộ xuất khẩu dầu của Libya.

Tổng thống Erdogan (trái) gặp Tổng thống Putin hôm 22/10/2019. Ảnh: AP
Tổng thống Erdogan (trái) gặp Tổng thống Putin hôm 22/10/2019. Ảnh: AP

Thứ hai: Nếu chỉ vậy thôi thì quá coi thường ý đồ, tầm nhìn chiến lược trong trò chơi địa chính trị tại Trung Đông của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. 

Vào ngày 27/11/2019, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã ký với Thủ tướng GNA, ông Fayez al Serraj một Thỏa thuận an ninh và kinh tế, được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua sau đó vài ngày. Có 2 điểm chính sau đây:

Một là, vấn đề an ninh liên quan đầu tiên là hợp tác quân sự. Theo đó, GNA dự kiến sẽ nhận được thiết bị quân sự và vũ khí từ Erdogan, sự giúp đỡ của các chuyên gia quân sự và thậm chí là quân đội khi được yêu cầu.

Hai là, dành riêng để hạn chế quyền tài phán trên biển. Ankara và Tripoli sẽ bảo vệ quyền của họ ở vùng biển ven bờ Libya bất chấp phần lớn nó được kiểm soát bởi LNA. Theo đó, một vùng EEZ của Thổ Nhĩ Kỳ đã hình thành tại Đông Địa Trung Hải như một lưỡi dao chặt đứt tuyến đường ống dẫn khí đang ấp ủ của Israel - Hy Lạp - Síp. 

Thỏa thuận này với GNA đã hình thành lên một bản đồ dưới thể hiện sự bành trướng, bá quyền của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó phía trong đường màu vàng là EEZ của Thổ Nhĩ Kỳ. Bất kỳ đường ống nào đi qua khu vực thỏa thuận EEZ của Thổ Nhĩ Kỳ và GNA đều phải được Ankara đồng ý…

Bản đồ khu vực thỏa thuận EEZ của Thổ Nhĩ Kỳ và GNA. Ảnh: Internet
Bản đồ khu vực thỏa thuận EEZ của Thổ Nhĩ Kỳ và GNA. Ảnh: Internet

Tất nhiên, thỏa thuận này của Thổ Nhĩ Kỳ với GNA đã bị Ai Cập, Hy Lạp, Israel và cả EU phản đối kịch liệt. Nhưng, bằng cách ký thỏa thuận này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã nói rõ với thế giới rằng ông sẵn sàng can thiệp vào cuộc xung đột nội bộ Libya và khôi phục trật tự ở nước này. Nga bảo vệ chính quyền Assad như nào thì Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ GNA như thế!

Đã có sự đụng độ giữa Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và các đơn vị thực thi bảo vệ giàn khoan trên khu vực Địa trung Hải… Trò chơi lớn địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ thực sự bắt đầu “cuộc chiến khoan” kiểm soát tài nguyên tại Địa Trung Hải bắt đầu từ Libya…

Nhưng, đáng tiếc Thổ Nhĩ Kỳ không phải là Nga!

“Gấu” Nga đang thò chân vào Libya?

Thực tế là với Nga, Libya không quan trọng hơn Syria, tuy nhiên, không thể không “thò chân” vào Libya nếu như muốn kiểm soát Địa Trung Hải. Địa Trung Hải là ở trung tâm của một trò chơi địa chiến lược rất lớn, nhiều mặt, xung quanh Syria.

Nếu bờ Đông, bờ Tây Nam Địa Trung Hải đã có sự hiện diện vững chắc của căn cứ quân sự Nga thì Nga hoàn toàn khống chế kênh đào Suez. Nếu như kênh đào Suez vì lý do gì đó bị đóng thì tuyến hàng hải duy nhất từ châu Phi, Trung Đông, châu Á đến châu Âu gần nhất, an toàn nhất là tuyến Biển Bắc do Nga quản lý.

Vì thế, vấn đề quan trọng là phải chiếm lĩnh bờ Tây Nam Địa Trung Hải, nhưng muốn có bờ Tây Nam Địa Trung Hải, tức là Nga phải tạo ra các căn cứ quân sự ở thành phố ven biển Benghazi và cảng sâu quan trọng Tobruk như Khmeimim và Tartus ở Syria… thì điểm đi đến tất yếu là Libya.

Nên biết, do Nga chưa  công khai xuất hiện ở Libya như ở Syria, cho nên, sự hiện diện quân sự (PMC) của Nga ở đất nước này được giải thích chỉ gắn liền với hoạt động kinh tế của các tập đoàn nhà nước Nga nhằm mục tiêu dầu và khí đốt, cũng như việc xây dựng đường sắt… Nhưng lưu ý rằng, ngay từ năm 2018, có 2 vị trí là thành phố ven biển Benghazi và cảng sâu Tobruk được bảo vệ bởi PMC của Nga, coi như người Nga đã hoàn thành bước một, chiến thuật “đánh chiếm đầu cầu” cho “chiến dịch đổ bộ” vào bờ Tây Nam Địa Trung Hải.

Tại Libya, chuyện hài hước nhưng thật, Ngoại trưởng Nga Lavrov ủng hộ GNA, còn Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu thì ủng hộ Nguyên soái Haftar LNA!!! Một bên bằng lời, một bên bằng “nắm đấm” và các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng, chính “nắm đấm” của Shoigu mang tính quyết định giúp Nguyên soái Haftar buộc Tripoli đang đếm ngược thời gian sụp đổ.

Trước tình thế đó, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ can thiệp và thực tế đã can thiệp bằng chuyển quân đánh thuê và tàu đổ bộ lớn chở hàng trăm tấn phương tiện quân sự đến Tripoli cứu nguy cho GNA…

Tầu đổ bộ hạng nặng của Thổ Nhĩ Kỳ với hàng trăm tấn phương tiện quân sự cập cảng Tripoli ngày 28/1 bất chấp lệnh cấm vận của LHQ. Ảnh: Internet
Tầu đổ bộ hạng nặng của Thổ Nhĩ Kỳ với hàng trăm tấn phương tiện quân sự cập cảng Tripoli ngày 28/1 bất chấp lệnh cấm vận của LHQ. Ảnh: Internet

Đến đây, không ai là không nghĩ đến viễn cảnh cuộc đụng độ giữa PMC Nga với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xảy ra tại Libya, có nghĩa là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chiến đấu với nhau cả ở Syria và Libya. Mỹ - NATO hăm hở mừng khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ “tình đoạn nghĩa tuyệt” sẽ nhảy xổ vào nhau…

Liệu điều này có xảy ra không? Nhìn ở Libya chưa đủ, chưa bao quát hết sân chơi Trung Đông mà ít nhất hãy nhìn đến tình hình chiến sự Syria khi chiến dịch Dawn in Idlib (Bình minh Idlib) đang gay cấn, quyết liệt...

Tin mới